19:49 23/10/2012

Luật sư là nghề “tay phải” hay “tay trái”?

Nguyên Vũ

Tiếp tục tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều về viên chức đang giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư - Ảnh: MĐ.<br>
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư - Ảnh: MĐ.<br>
Viên chức giảng dạy môn luật mà làm thêm luật sư có nghĩa là làm nghề tay trái mà cũng làm được thì không còn sự tôn trọng của xã hội nữa, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) góp ý về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Ủng hộ rất mạnh mẽ và phản đối cũng rất dứt khoát, có cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không là vấn đề liên tục trở đi trở lại với các ý kiến trái chiều suốt cả phiên thảo luận sáng 23/10 của Quốc hội.

Tại báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn kết quả tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư cho thấy, tỷ lệ trên 20% số luật sư hành nghề kiêm nhiệm đã làm cho hoạt động luật sư hiện nay kém chất lượng. Việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm nghề luật sư sẽ không khắc phục được tình trạng nêu trên. Hơn nữa, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại kỳ họp thứ 3, theo hướng, không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư.

Cho rằng lập luận này chưa thuyết phục, trong thực tế thì vẫn cần và không nên lãng phí một nguồn nhân lực chất lượng cao như vậy, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đề nghị Quốc hội  nên cho đối tượng viên chức là giáo viên giảng dạy luật ở các trường được tham gia làm luật sư nói chung hoặc chí ít cũng là luật sư tư vấn.

Phát biểu liền sau đó, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng lập luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức thuyết phục, thể hiện rất rõ sự tôn trọng người làm nghề luật sư là người phải được đào tạo, phải có trình độ thì mới có thể làm được chứ không phải là nghề làm tay trái.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nghiêng về hướng không cho phép, song đại biểu Chu Sơn Hà có quan điểm ngược lại.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Bắc Giang) cho rằng nên khuyến khích học đi đôi với hành. Những người giảng dạy luật nếu đạt các trình độ, học các bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư mà dám nhận làm luật sư thì rất có ích cho nghề. Đại biểu Nhân cũng gợi ý là có thể quyết định giảng viên đại học mới là luật sư.

Cho là ý kiến của đại biểu Nhân rất xác đáng, đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc  kỹ ý kiến này.

Đồng tình rất cao với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nhấn mạnh “đã là viên chức thì không tham gia làm luật sư, đặc biệt là những người đi dạy luật, giữa giảng dạy và luật sư là hai nghề khác nhau”.

Từ Luật Luật sư năm 2006, tôi ủng hộ việc giảng viên luật được hành nghề luật sư và cho đến nay vẫn nhất quán như vậy, đây cũng phù hợp với tập quán của nhiều nước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) phát biểu.

“Phản biện” quan điểm giáo viên ra tòa làm luật sư có thể tác động vào thẩm phán là học trò, đại biểu Nghĩa phân tích là điều này không hợp lý vì người giáo viên đó ngồi tại nhà vẫn có thể gọi điện thoại cho thẩm phán để “tiêu cực” được.

Việc cho giảng viên luật làm nghề luật sư vừa tốt cho việc đào tạo, nghiên cứu, vừa tốt cho việc bổ sung đội ngũ luật sư, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và cũng có thể có những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc lấy phiếu thăm dò và xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật tại kỳ họp này.