09:57 20/06/2023

LVMH đặt cược doanh thu vào tính tuần hoàn sáng tạo

Minh Nguyệt

Tập đoàn xa xỉ LVMH mới đây đã trao Giải thưởng Sáng tạo năm 2023 cho nền tảng sửa chữa trang phục có tên Save Your Wardrobe (SYW), một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London…

Tỷ phú Bernard Arnault cùng những công ty khởi nghiệp giam gia Giải thưởng Sáng tạo năm 2023. Ảnh: Vogue Business
Tỷ phú Bernard Arnault cùng những công ty khởi nghiệp giam gia Giải thưởng Sáng tạo năm 2023. Ảnh: Vogue Business

Ông Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn LVMH cho biết: “Save Your Wardrobe thể hiện hoàn hảo tham vọng của chúng tôi về tính tuần hoàn sáng tạo, một trụ cột trong lộ trình bảo vệ môi trường của chúng tôi mang tên Life 360. Tôi tin rằng giải pháp của họ sẽ nhanh chóng đáp ứng nguyện vọng của các thương hiệu thuộc LVMH và kỳ vọng của khách hàng”.

Theo Vogue Business, SYW là nền tảng chuyên kết nối các đại diện cửa hàng với thợ may, thợ đóng giày và thợ phục chế để sửa chữa quần áo, giày dép, đồ trang sức và túi xách. Được thành lập vào năm 2017 bởi doanh nhân người Tunisia, Hasna Kourda, SYW muốn giúp các thương hiệu đảm bảo rằng “trải nghiệm sau khi mua hàng cũng nổi bật như trải nghiệm mua hàng”.

SYW có thể được tích hợp trong cửa hàng, trực tuyến hoặc với chuỗi quản lý quan hệ khách hàng hiện có của thương hiệu. Nền tảng này có thể giới thiệu các nhà cung cấp dịch vụ nội bộ hoặc tận dụng mạng lưới các chuyên gia chăm sóc quần áo của mình. SYW hiện đang làm việc với một hệ sinh thái gồm các nghệ nhân ở Đức, Anh, Pháp và Mỹ, đồng thời có kế hoạch mở rộng sang Trung Đông, Hàn Quốc và Nhật Bản.

LVMH đặt cược doanh thu vào tính tuần hoàn sáng tạo - Ảnh 1
LVMH đặt cược doanh thu vào tính tuần hoàn sáng tạo - Ảnh 2
 

Với Giải thưởng Sáng tạo năm 2023, công ty khởi nghiệp này sẽ được giới thiệu tại La Maison des Startups LVMH, một chương trình hỗ trợ tăng tốc kinh doanh của tập đoàn, bắt đầu từ vườn ươm Station F ở Paris từ tháng 9 mỗi năm. “Chúng tôi sẽ tăng khả năng sửa chữa sản phẩm của mình,” Franck Le Moal, giám đốc thông tin của LVMH cho biết.

Đối với các hãng thời trang đang phát triển nhanh chóng, sẽ là một thách thức lớn trong việc tìm đủ chuyên gia may vá, sửa chữa giày và các nghệ nhân tương tự để sửa chữa các mặt hàng theo kịp nhu cầu. Do đó, việc có được những đối tác Như SYW sẽ giúp duy trì tuổi thọ hàng hóa và giữ chúng trong tủ quần áo của khách hàng lâu hơn.

Ông Le Moal nói: “Đây không phải là mô hình kinh doanh đồ cũ, mà là dịch vụ gia tăng độ bền cho sản phẩm”. LVMH phần lớn tránh xa mô hình bán lại, ngoại trừ Rimowa có chương trình “Làm mới” (cho phép khách hàng mang vali nhôm Rimowa của họ đến các cửa hàng và nhận phiếu quà tặng cho  một sản phẩm mới, trong khi những chiếc vali đã qua sử dụng được tân trang lại và được bảo hành hai năm). Trước đó, SYW đã làm việc với thương hiệu Zalando và Hugo Boss và đã bắt đầu khởi động việc hợp tác với Louis Vuitton và Celine của LVMH.

Nếu như cách đây một thập kỷ, các hãng thời trang xa xỉ còn không nghĩ đến việc sẽ bán hàng giảm giá chứ chưa nói gì đến việc bán lại sản phẩm, thì giờ đây, với tình hình tài chính bị thắt chặt sau Covid-19, kèm với lối sống bền vững đang được các khách hàng thế hệ Z và Millennial theo đuổi, mô hình kinh doanh tuần hoàn bỗng trở thành xu thế với sự tham gia cuộc các nhà mốt và tập đoàn thời trang khổng lồ.

Điển hình là The RealReal đã ra mắt chương trình "ReCollection" - giới thiệu chuỗi các bộ sưu tập upcycled từ hàng may mặc tồn kho của các thương hiệu nổi tiếng như Balenciaga, Dries Van Noten, Jacquemus, Simone Rocha và Stella McCartney. Đợt ra mắt đầu tiên sẽ bao gồm 50 mặt hàng được thiết kế độc quyền từ các sản phẩm ký gửi của các thương hiệu. Trong Tuần lễ thời trang New York vừa rồi, nhà thiết kế Christian Siriano cũng đã lấy nguyên vật liệu cho hai chiếc váy của mình từ thredUP, một cửa hàng ký gửi đồ cũ trực tuyến, để tái thiết kế và trình diễn.

Theo khảo sát của Vestiaire Collective kết hợp với BCG, 62% người tiêu dùng sẽ sẵn sàng mua hàng từ các thương hiệu thời trang có hợp tác với những nền tảng mang tính bền vững. Fanny Moizant, Chủ tịch và đồng sáng lập của Vestiaire chia sẻ: “Một người tiêu dùng nếu biết rằng những món đồ xa xỉ mình mua có thể sẽ tồn tại qua nhiều vòng đời khác nhau thì họ sẽ có khả năng chi nhiều hơn, tham gia vào các vòng tuần hoàn thời trang và trở thành người tiêu dùng trung thành”.

SYW là nền tảng chuyên kết nối các đại diện cửa hàng với thợ may, thợ đóng giày và thợ phục chế để sửa chữa quần áo, giày dép, đồ trang sức và túi xách.
SYW là nền tảng chuyên kết nối các đại diện cửa hàng với thợ may, thợ đóng giày và thợ phục chế để sửa chữa quần áo, giày dép, đồ trang sức và túi xách.

Giải thưởng Sáng tạo LVMH, hiện đã được tổ chức lần thứ bảy, công nhận các công ty công nghệ đang định hình tương lai của ngành công nghiệp thời trang và xa xỉ, đồng thời “tạo ra một đường dẫn để tăng tốc hợp tác giữa các công ty LVMH và các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng”. Người chiến thắng năm ngoái, dịch vụ giao hàng xa xỉ chờ-và-dùng thử Toshi hiện đang hợp tác với bảy thương hiệu thuộc tập đoàn, bao gồm Tiffany, Louis Vuitton và Dior.

Năm nay, SYW đã giành chiến thắng ở hạng mục bán lẻ và đa kênh, cũng như giành được giải thưởng chung cuộc. Hơn 1.300 công ty khởi nghiệp đã đăng ký tham gia giải thưởng, tăng từ 950 vào năm ngoái. Ở các hạng mục khác, các công ty khởi nghiệp chiến thắng bao gồm Chatlabs (chuyên môn về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo), Neobrain (trải nghiệm của nhân viên và D&I), Vidmob (hình ảnh và phương tiện truyền thông), Absolute Labs (trải nghiệm kỹ thuật số chân thực), LivingPackets (hoạt động xuất sắc) và Woola (tính bền vững và công nghệ xanh)...

Trao giải thưởng trong hội nghị Vivatech ở Paris vào sáng thứ Năm tuần trước, ông Arnault đồng thời đã tham quan gian hàng hội nghị của LVMH, được gọi là “Dream Box”, cùng với con trai cả Antoine Arnault, người đứng đầu bộ phận hình ảnh, truyền thông và môi trường của LVMH. Họ đã kiểm tra những đổi mới sáng tạo của các thương hiệu bao gồm Rimowa, Louis Vuitton, Tiffany, Bulgari, Christian Dior và Ruinart.

Trong đó, Louis Vuitton đã giới thiệu “trải nghiệm trình diễn kỹ thuật số” bằng cách sử dụng Unreal Engine 5 của Epic Games để xây dựng trải nghiệm nhập vai kéo dài 6 phút xung quanh buổi trình diễn thời trang nam được tổ chức vào ngày 19/1/ 2023 vừa qua, cho phép người dùng khám phá bảy căn phòng tạo nên bối cảnh của show diễn.

Khu vực trưng bày của LVMH tại hội nghị Viva Tech 2023 ở Paris.
Khu vực trưng bày của LVMH tại hội nghị Viva Tech 2023 ở Paris.

LVMH đạt doanh thu và lợi nhuận kỉ lục năm 2022 trong đó thương hiệu Louis Vuitton lần đầu tiên đạt doanh thu hơn 20 tỉ euro (21,8 tỉ USD). Trong một cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư, tỷ phú Bernard Arnault đã nhấn mạnh đến “chất lượng và mức độ đáng mơ ước của các sản phẩm mang thương hiệu LVMH” và khẳng định trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và môi trường kinh tế vĩ mô suy yếu gây ra, LVMH vẫn tiếp tục giành được thị phần.

Nhà phân tích Sophie Lund-Yates tại tập đoàn Hargreaves Lansdown, đánh giá: “Đế chế của ti phú Bernard Arnault đã chứng kiến mức định giá của công ty tăng hơn 200% trong 5 năm qua và những động lực tăng trưởng chính dường như không bị suy giảm”. Sức mạnh của LV hiện đã bành trướng sang cả thời trang nam nữ, đồ thể thao, nước hoa. Hàng loạt những sự kiện thời trang đình đám tốn tiền được hãng quảng bá trên khắp thế giới để nâng tầm cũng như nâng giá sản phẩm.