14:59 08/06/2023

Giám đốc sáng tạo của Chloé từ chức để hợp tác kinh doanh với Angelina Jolie?

Minh Nguyệt

Sau khi nắm quyền điều hành thương hiệu có trụ sở tại Paris trong ba năm, Gabriela Hearst mới đây đã quyết định sẽ rời khỏi vị trí Giám đốc sáng tạo của Chloé. Cô cho biết sẽ tập trung vào nhãn hiệu cùng tên của mình và các dự án khác…

Ảnh: Yahoo News
Ảnh: Yahoo News

Dưới sự lãnh đạo của Hearst, Chloé đã trở thành thương hiệu xa xỉ hàng đầu về các sáng kiến ​​bền vững và có doanh thu tăng đáng kể. Nhà mốt Pháp đã trở thành nhãn hiệu thời trang cao cấp đầu tiên đạt được Chứng nhận Corp B vào năm 2021 — một thành tích chỉ dành cho những người thực hành tác động tích cực đến xã hội và môi trường ở mức độ cao nhất. Về mặt thời trang, Hearst tôn vinh chủ nghĩa tối giản vượt thời gian và nguồn gốc Pháp của Chloé, mang đến vẻ thanh lịch dễ dàng cho mỗi bộ sưu tập — mặc dù nó vẫn phù hợp với phụ nữ thời hiện đại.

Theo WWD, việc chia tay giữa vị nữ giám đốc sáng tạo và thương hiệu diễn ra trong hòa bình. Bộ sưu tập Chloé cuối cùng của cô sẽ ra mắt trong Tuần lễ thời trang Paris cho mùa Xuân/Hè 2024 vào mùa thu năm nay.

Đặc biệt, Chloé cũng đang hợp tác với thương hiệu thời trang mới ra đời của nữ diễn viên Angelina Jolie - Atelier Jolie, để cho ra mắt bộ sưu tập quần áo ready to wear độc quyền. Trang phục của Atelier Jolie sẽ do Hearst và Jolie đồng thiết kế, mối quan hệ hợp tác này lần lượt duy trì các cam kết xã hội của cả hai thương hiệu, củng cố nỗ lực thúc đẩy sự bền vững của Chloé và nguyên tắc nền tảng của Atelier Jolie về thực hành đạo đức kinh doanh trong ngành may mặc.

Gabriela Hearst là Giám đốc sáng tạo của Chloé trong ba năm qua.
Gabriela Hearst là Giám đốc sáng tạo của Chloé trong ba năm qua.

Hearst cho biết: “Kể từ thời điểm tôi nghe về tầm nhìn của Angelina đối với Atelier Jolie, tôi đã có niềm tin. Đây là một cách để nâng tầm người khác thông qua vẻ đẹp của thời trang và sự tôn trọng sâu sắc đối với môi trường. Thật vinh dự cho tôi khi Chloé sẽ là cộng tác viên đầu tiên của Atelier Jolie, vì cả hai đều hướng tới sự tốt đẹp của loài người và hàng tinh chúng ta. Đó là lý do tại sao tôi yêu cả Angelina và Chloé sâu sắc như vậy".

Lấy cảm hứng từ phong cách cá nhân của Jolie, bộ sưu tập sẽ chủ yếu tập trung vào các trang phục dạ hội thanh lịch. Để thúc đẩy các thực hành đạo đức, sự hợp tác sẽ kết hợp các vật liệu dư thừa và làm nổi bật các công ty do phụ nữ lãnh đạo và các nghệ nhân địa phương từ các doanh nghiệp Fair Trade. Mục tiêu cuối cùng là trao quyền cho phụ nữ trong ngành thời trang và thúc đẩy sự thay đổi tích cực.

Hiện có nhiều nguồn tin cho rằng bên cạnh nhãn hiệu riêng cùng tên, Gabriela Hearst sẽ dành nhiều thời gian để cùng Angelina Jolie phát triển thương hiệu mới. Bởi lẽ, cả hai có rất nhiều điểm chung. Nữ minh tinh 48 tuổi ủng hộ thời trang bền vững đã nhiều qua năm. Cô từng nói với biên tập viên Edward Enninful của Vogue: "Tôi đầu tư vào những món đồ chất lượng và mặc chúng đến tận lúc hỏng". Cô còn áp dụng lối sống này cho các con. Năm 2021, Shiloh từng mặc lại váy Dior đen trắng của mẹ trong buổi công chiếu Erternals ở Anh. Cùng năm, cũng trong buổi ra mắt phim này tại Los Angeles, Zahara mặc đầm được Jolie diện ở Oscar 2014.

Chloé cũng đang hợp tác với thương hiệu thời trang mới ra đời của nữ diễn viên Angelina Jolie.
Chloé cũng đang hợp tác với thương hiệu thời trang mới ra đời của nữ diễn viên Angelina Jolie.

Trong khi đó, Gabriela Hearst và Stella McCartney đều là những cái tên quen thuộc, dẫn đầu mọi xu hướng về tính bền vững trong thời trang. Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Chloé, giám đốc sáng tạo Gabriela Hearst đã chú trọng hơn vào tay nghề thủ công cũng nhằm đối phó với tình trạng “công nghiệp hóa quá mức” của ngành công nghiệp thời trang hiện nay.

Năm 2022, nhà mốt Pháp đã hợp tác với Gee’s Bend Quilters – một cộng đồng nhỏ của những người phụ nữ da đen ở Alabama, chuyên sản xuất, may đo chăn bông từ những mảnh vải thừa không còn sử dụng. Những mảnh ghép màu sắc này đã thắp sáng đường băng của nhà mốt năm ngoái.

Thương hiệu riêng mang tên Gabriela Hearst của cô chuyên dòng phụ kiện và trang phục nữ ready to wear cao cấp. Một trong số những chất liệu mà cô sử dụng là len cừu merino từ trang trại của gia đình ở Uruguay cũng đã phần nào nói lên cách tiếp cận của cô với thiết kế thời trang: chậm rãi, quy nhỏ và tập trung vào hàng thủ công. Ví dụ, nhiều túi da của Hearst được sản xuất theo đơn đặt hàng hoặc sản xuất số lượng ít.

Đặc tính này giải thích vì sao sản phẩm của Gabriela Hearst thường rất đắt. Một chiếc áo poncho bằng cashmere thủ công của Gabriela Hearst có giá hơn 3.000 USD. Các thẻ giá có vẻ hơi khoa trương, ngay cả đối với thời trang xa xỉ, nhưng Hearst cho biết cô muốn khách hàng suy nghĩ trước khi mua. Nếu nhìn theo cách đó, một đôi bốt có giá trên 1.500 USD chẳng hạn, có thể được mang trong 25 năm, và như thế khách hàng chỉ tốn khoảng 60 USD một năm. "Tôi luôn nói với khách hàng của mình rằng: Đừng mua nhiều, hãy mua những gì bạn cần, những gì bạn muốn, những gì bạn muốn truyền lại… Có nghĩa là những gì kéo dài suốt đời”, Hearst nói.

Mô hình kinh doanh của nữ minh tinh khá mới lạ: người tiêu dùng sẽ được kết nối với các nhà thiết kế, thợ may để tự tạo ra những trang phục theo ý mình.
Mô hình kinh doanh của nữ minh tinh khá mới lạ: người tiêu dùng sẽ được kết nối với các nhà thiết kế, thợ may để tự tạo ra những trang phục theo ý mình.

Trước đó, hôm 17/5, nữ diễn viên Angelina Jolie đã xác nhận với tờ People rằng dự án thời trang của cô sẽ ra mắt vào mùa thu năm nay. "Xưởng may của chúng tôi sẽ là nơi giúp những người có tài năng sáng tạo được hợp tác với nhóm thợ may chuyên nghiệp, nhà tạo mẫu và nghệ nhân lành nghề, đa dạng từ khắp nơi trên thế giới", Jolie nói. Ngôi sao cho biết dự án này đã rục rịch chuẩn bị từ nhiều năm nay, cô muốn tôn vinh tầm quan trọng của những người thợ đã cống hiến thầm lặng tại các xưởng làm việc để tạo ra quần áo, vải và đồ thêu.

Sản phẩm của Atelier Jolie tập trung vào sự khéo léo và chất lượng, cố gắng giảm thiểu lượng rác thải lẫn chi phí sản xuất. Các thiết kế chỉ sử dụng quần áo cũ, chất liệu cổ điển còn tốt và vải deadstock (vải dư thừa). Ngoài các nghệ nhân lành nghề, diễn viên chú trọng dạy nghề cho những người tị nạn. "Khi làm việc với nhau, chúng tôi sẽ chia sẻ các di sản văn hóa phong phú, hỗ trợ nhau phát triển", cô nói.

Hơn 100 triệu tấn chất thải dệt may bị dồn vào các bãi chôn lấp mỗi năm. Atelier Jolie dường như được ra mắt để giải quyết cuộc khủng hoảng đó. Theo trang web của thương hiệu: “Bạn có thể sửa chữa hoặc tái chế những món đồ từ tủ quần áo, từ đó thổi sức sống mới vào những thứ lẽ ra đã bị vứt bỏ, để tạo ra những bộ trang phục chất lượng mang ý nghĩa cá nhân”.