Lý do gì bắt người 18 tuổi quay về thân phận trẻ em?
Đại biểu Quốc hội phản ứng mạnh mẽ về quy định nâng độ tuổi trẻ em
Đã sắp đến ngày bấm nút thông qua song dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) vẫn vấp phải những phản ứng mạnh mẽ về quy định nâng độ tuổi trẻ em, tại phiên thảo luận chiều 23/3 ở Quốc hội.
Khi trình dự án luật này, Chính phủ lý giải việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 đến dưới 18, là do quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi của luật hiện hành chưa thực sự tương thích với công ước về quyền trẻ em.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa phản biện, công ước về quyền trẻ em có hiệu lực năm 1990 nói rất rõ rằng trẻ em dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp các nước công nhận tuổi thành niên lớn hơn.
Tức là, nếu Việt Nam quy định trẻ em dưới 16 tuổi, từ 16 đến 18 không còn là trẻ em thì không hề vi phạm công ước này, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Nghĩa phân tích kỹ hơn, rằng từ hơn nửa thế kỷ qua, ở Việt Nam trẻ em dưới 16 tuổi. Từ 16 đến 18 là người chưa thành niên. Từ 18 trở lên là người thành niên. Tất cả luật pháp của chúng ta được xây dựng trên cơ sở về mặt tuổi là con người được phân chia làm 3 loại: trẻ em, chưa thành niên và thành niên.
“Hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta sống trong một tinh thần như vậy. Sau khi có công ước này, chúng ta vẫn sống trên tinh thần này và không hề vi phạm, vì họ không bắt buộc. Vậy, tôi xin hỏi vì lý do gì vào năm 2016 của thế kỷ 21, chúng ta lại đem khái niệm trẻ em phải dưới 18 tuổi áp dụng vào lúc này, để đạt được cái gì?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Sau nhiều phân tích khác, ông Nghĩa tóm lại: điều 26 năm về trước chúng ta không làm, đất nước chúng ta phát triển, con người Việt Nam càng phát triển, không có việc gì mà chúng ta lại bắt thanh, thiếu niên từ 16 tuổi đến 18 tuổi phải quay trở về thân phận trẻ em.
Thống nhất với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - người đang công tác trong ngành y tế - nói: “Hiện nay, trẻ em trưởng thành sớm hơn trước, chúng ta không hạ thì thôi lại tăng độ tuổi lên”.
“Tôi đề nghị vẫn giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi, và kỳ họp này trước khi quyết định thì đề nghị Quốc hội bỏ phiếu lấy ý kiến riêng về vấn đề này”, bà Lan phát biểu.
Một số vị đại biểu khác cũng đồng tình với đề nghị này của đại biểu Lan.
Cùng quan điểm không đồng tình nâng độ tuổi trẻ em, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nói, ông bà mình có câu "17 bẻ gãy sừng trâu", mà ông bà nói thì có gì sai đâu.
Vị đại biểu làm trong ngành toà án cũng lo ngại khi mà trong rất nhiều luật vẫn phân định ra đủ 16 tuổi, 16-18 tuổi và 18 tuổi trở lên. Bây giờ, nếu đưa tuổi trẻ em từ 16 tuổi lên 18 tuổi là xáo trộn cả một lứa tuổi của các luật này.
Ông Ánh phân tích cụ thể hơn, trước đây anh chàng 15, 16 tuổi quan hệ tình ái với cô 17 tuổi thì không phạm tội, nhưng nếu nâng từ 16 lên 18 tuổi là trẻ em, thì anh đó phạm tội hiếp dâm, tội đặc biệt nghiêm trọng. Bởi vì, mọi trường hợp quan hệ với trẻ em đều là hiếp dâm.
“Đừng lý luận rằng lứa tuổi giữa 16 và 18 hiện nay đang bỏ trống không có luật nào quy định, không phải như vậy. Tôi đề nghị để không xáo trộn chúng ta nên giữ nguyên độ tuổi trẻ em”, đại biểu Ánh dứt khoát.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết sẽ lấy phiếu góp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về quy định tuổi trẻ em trong luật này và những vấn đề liên quan đến việc chuẩn bị thông qua.