11:07 18/04/2007

Mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Canada không thay đổi

Hồng Thoan

Canada trở thành 1 trong 5 thị trường thuộc khu vực châu Mỹ mà Việt Nam xuất khẩu vượt chỉ tiêu

Đồ gỗ là 1 trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Canada của Việt Nam trong năm nay.
Đồ gỗ là 1 trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Canada của Việt Nam trong năm nay.
Bộ Thương mại dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2007 của Việt Nam sang thị trường Canada dự kiến tăng khoảng 20% so với năm 2006, đạt khoảng từ 660-670 triệu USD.

Trước mắt, các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam vẫn chưa có gì thay đổi lớn, chủ yếu vẫn gồm các nhóm hàng: may mặc, giày dép, đồ gỗ, thuỷ sản, xe đạp và phụ tùng xe đạp. Tiếp đến là các mặt hàng nhựa, đồ gốm sứ và một số các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Thương mại) cho biết, ước tính cả năm 2006, kim ngạch xuất khẩu sang Canada đạt 101%, vượt mức kế hoạch đề ra.

Canada trở thành 1 trong 5 thị trường thuộc khu vực châu Mỹ mà Việt Nam xuất khẩu vượt chỉ tiêu cùng với Brazil, Mehico, Arhentina, Chile. Đến hết năm 2006, trật tự các mặt hàng trong “Top 7” xuất khẩu vào thị trường Canada vẫn không thay đổi.

Các mặt hàng dệt may, giày dép, thuỷ hải sản vẫn tiếp tục là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này với mức tăng trưởng khá. Các mặt hàng tiếp theo là gỗ và sản phẩm gỗ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù có mức tăng trưởng cao, khá ổn định. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản sang Canada không nhiều và biến động do phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan.

Mặt hàng xe đạp và phụ tùng không tăng trưởng như trước khi xảy ra vụ kiện điều tra (đã đứng thứ 4 trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này), nay đã giảm gần 44% so với năm 2005. Bộ Thương mại dự báo, diễn biến này sẽ vẫn duy trì trong năm 2007 với các mặt hàng chủ lực vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.

Cẩn trọng hơn với thuế chống bán phá giá

Hiện Việt Nam đang xếp vị trí thứ 2 trong số các nước xuất khẩu giày dép vào Canada sau Trung Quốc, chiếm xấp xỉ 8% thị phần nhập khẩu của Canada. Mặc dù trong thời gian qua, nhóm hàng này tăng trưởng khá ổn định, cao hơn cả mức tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng thời gian tới, do một số mã hàng giày dép của Trung Quốc bị Canada áp dụng thuế chống bán phá giá từ hơn 10 năm qua được bãi bỏ thuế chống bán phá giá trong năm 2007, nên giày dép xuất khẩu của Trung Quốc sẽ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến thị phần của Việt Nam hiện nay. Do vậy, nhóm hàng này dự kiến tăng khoảng 25% so với năm 2006, đạt kim ngạch khoảng 160 - 170 triệu USD.

Thứ hai là, nhóm hàng may mặc, dự kiến kim ngạch sẽ tăng khoảng 50%, chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng có chất lượng cao. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cạnh tranh bằng các mặt hàng giá rẻ thì sẽ không thắng được hàng Trung Quốc, hơn nữa sẽ bị Canada dùng biện pháp bảo hộ biến tướng thông qua các vụ kiện chống bán phá giá. Vì vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam chắc chắn sẽ cẩn trọng hơn và sẽ đi tập trung vào các thị trường ngách. Kim ngạch dự kiến đạt khoảng 200 triệu USD.

Coi trọng chất lượng và an toàn thực phẩm

Thứ ba là, nhóm hàng thuỷ sản, mặc dù có những khó khăn nhất định trong thời gian qua do hàng rào kỹ thuật của Canada về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng do Việt Nam và Canada đã ký thoả thuận công nhận giấy kiểm tra chất lượng của nhau nên năm 2007, các nhà nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sẽ điều chỉnh, cải tiến phương pháp nuôi trồng, chế biến và kiểm tra chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn của Canada và sẽ tăng trưởng trở lại. Dự kiến kim ngạch sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2006, đạt kim ngạch khoảng 72 - 75 triệu USD.

Thứ tư là, nhóm hàng đồ gỗ, nội thất, do dung lượng thị trường Canada rất lớn về mặt hàng này vì mỗi năm Canada nhập khẩu trên 2 tỷ USD. Đây lại là mặt hàng Việt Nam có tiềm năng, có mức tăng xuất khẩu cao nhất trong mấy năm trở lại đây. Các nhà nhập khẩu Canada ngày càng chú trọng đến thị trường Việt Nam về nhóm hàng này, nhất là các mã hàng đòi hỏi tay nghề cao. Do vậy, Bộ Thương mại dự báo năm 2007 nhóm hàng này duy trì mức tăng trưởng khoảng 40-45% và sẽ đạt kim ngạch khoảng 60 triệu USD.

Nhóm hàng thứ năm là, xe đạp và phụ tùng xe đạp. Đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường này trong nhiều năm qua. Nhưng do ảnh hưởng của vụ kiện bán phá giá đầu năm 2005 nên kim ngạch đã suy giảm nghiêm trọng trong thời gian qua. Hiện nay, Chính phủ Canada đã chính thức bác đề nghị của Toà án thương mại quốc tế Canada, không đồng ý áp thuế phụ thu nên kim ngạch năm 2007 dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại. Nhưng do dung lượng thị trường Canada về mặt hàng này nhỏ (mỗi năm Canada chỉ nhập khẩu khoảng 100 -110 triệu USD), hơn nữa các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chủ yếu là của Đài Loan) nên hy vọng có sự tăng trưởng đột biến ở nhóm hàng này rất khó. Dự kiến kim ngạch đạt được mức đã đạt được năm 2004 là 25,4 triệu USD. Như vậy cũng đã tăng hơn 60% so với mức đạt được năm 2006.

Theo nhận định của Vụ Thị trường châu Mỹ, các nhóm hàng hoá chủ lực của Việt Nam mặc dù có cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Canada, tuy nhiên cũng tồn tại khả năng một vài nhóm hàng như giày dép, dệt may và thuỷ sản gặp phải rủi ro chống bán phá giá hoặc hạn chế thương mại bằng các quy định kỹ thuật từ hiệp hội sản xuất nội địa và cơ quan chuyên trách Canada. Với tốc độ tăng trưởng tốt của các mặt hàng này của Việt Nam vào Canada, khả năng gây ra những vụ kiện thương mại đều có thể xảy ra, đặc biệt khi nền kinh tế của Việt Nam chưa được thừa nhận là nền kinh tế thị trường.

Thời gian gần đây, người tiêu dùng Bắc Mỹ bắt đầu nhận thấy nhiều mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc có chất lượng rất thấp. Vì vậy, một số nhà phân phối đã chuyển sang tìm sản phẩm thay thế có chất lượng tốt hơn ở các thị trường khác. Đây là cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, hàng hoá của Việt Nam vẫn bị bạn hàng đánh giá là có giá thành cao.

Bên cạnh đó, các nhóm hàng tiếp tục có mức tăng trưởng khá là hàng nhựa, đồ gốm, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ chơi quà tặng, hàng cao su và điện tử..., thì các nhóm hàng có kim ngạch giảm gồm hàng nông sản như hạt điều, hạt tiêu, chè. Duy nhất có mặt hàng cà phê trong nhóm hàng nông sản là dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại do nhu cầu thị trường ngày càng cao. Dự kiến mặt hàng cà phê sẽ đạt kim ngạch khoảng 20 triệu USD cho năm 2007.