15:17 29/05/2018

Mâu thuẫn với Mỹ, ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc tự chủ công nghệ

Thăng Điệp

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ gây sức ép với Trung Quốc về chương trình “Made in China 2025”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: SCMP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: SCMP.

Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực nhằm đạt được những bước đột phá trong các công nghệ chủ chốt - Chủ tịch nước này Tập Cận Bình tuyên bố ngày 28/5 khi kêu gọi các nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu Trung Quốc đưa đất nước trở thành một quốc gia đi đầu thế giới về công nghệ cao.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ gây sức ép với Trung Quốc về chương trình "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc 2025). Chương trình này là một chiến lược nhằm nâng cao vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

"Tình hình đang rất cấp bách. Các thách thức đang rất cấp bách. Nhiệm vụ trên vai chúng ta đang rất cấp bách", tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thường niên của Học viện Khoa học Trung Quốc và Học viện Kỹ thuật Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Thời gian qua, Mỹ đã nhằm vào "Made in China 2025" bằng những lời đe dọa áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù căng thẳng giữa hai nước đã dịu bớt, Nhà Trắng có vẻ vẫn quyết tâm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc đi đầu trong nhiều công nghệ bao gồm hàng không vũ trụ, robot công nghiệp, phần mềm, tàu cao tốc và chất bán dẫn.

Lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình còn được đưa ra giữa lúc ZTE, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ nhì Trung Quốc, được Mỹ yêu cầu nộp phạt 1,3 tỷ USD nếu muốn được dỡ lệnh trừng phạt. Theo lệnh trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ, các công ty nước này bị cấm bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm. Vì lệnh trừng phạt này, ZTE đã phải dừng hầu hết các hoạt động chính.

ZTE có mức độ phụ thuộc lớn vào con chip do Mỹ sản xuất và lệnh cấm trên đã làm lộ ra sự lệ thuộc của Trung Quốc nói chung vào công nghệ của nước ngoài, cho dù đã đạt nhiều bước tiến trong những năm gần đây.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình nói rằng tự chủ công nghệ là trọng tâm trong vị thế vững chãi của Trung Quốc trên trường quốc tế.

"Tự chủ và sáng tạo là con đường tất yếu để đạt tới vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ", nhà lãnh đạo Trung Quốc nói. "Chúng ta cần nắm chắc phát triển sáng tạo. Chúng ta cần dành nhiều nỗ lực cho những lĩnh vực chính mà chúng ta còn hạn chế, và đạt những bước đột phá sớm nhất có thể".

Giáo sư Yuan Gangming của Đại học Tsinghua nói rằng vụ ZTE phản ánh những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Theo ông Yuan, những khó khăn này đòi hỏi phải có sự thay đổi không chỉ trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc, mà còn trong cả chính sách kinh tế của nước này.

"Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng vì cho thấy rõ rằng công nghệ của Trung Quốc còn tụt hậu", ông Yuan nói.

Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, năm ngoái, chi nghiên cứu và phát triển (R&D) của nước này tương đương 2,15% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Giáo sư Yuan dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên khi Trung Quốc tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ.

Tuy nhiên, theo ông Yuan, phát triển "tự lực công nghệ" không phải là câu trả lời duy nhất cho những vấn đề còn tồn tại của Trung Quốc. "Công nghệ cao là thứ mà một quốc gia chỉ có thể thúc đẩy khi quốc gia đó sẵn sàng hợp tác với nước khác", ông Yuan nói. "Trung Quốc cần tiếp tục mở cửa với các nước khác để phát triển công nghệ của chính mình và để tích lũy kinh nghiệm".

Chuyên gia kinh tế Terence Chong Tai-leung thuộc Đại học Trung Hoa Hồng Kông thì cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc chiến gian nan. "Tự chủ công nghệ chắc chắn là hướng đi đúng, nhưng vấn đề này liên quan nhiều đến việc Trung Quốc nhằm vào chương trình Made in China 2025. Đây là việc không tránh khỏi", ông Chong nhận định.