"Mây đen" phủ bóng chứng khoán châu Á trước nỗi lo biến thể Delta và tốc độ tiêm chủng
Từng dẫn đầu toàn cầu mức tăng trưởng vốn hóa năm 2020, thị trường chứng khoán châu Á đang tụt lại khá xa so với các thị trường khác trên thế giới trong quý 3, khi giới đầu tư có xu hướng rút khỏi khu vực này do lo ngại tình hình dịch Covid-19 xấu đi và các biện pháp phong tỏa được tái áp đặt...
Theo Nikkei Asia, giới quản lý quỹ và chiến lược gia nhận định triển vọng của chứng khoán châu Á trong thời gian còn lại của năm nay phụ thuộc vào tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, kể cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, khu vực này vẫn có thể gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư khi Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, còn Trung Quốc tiếp tục các biện pháp siết chặt quản lý với nhóm doanh nghiệp lớn nhất nước.
RÚT VỐN VÌ NỖI LO DỊCH BỆNH
Kể từ cuối tháng 6 đến nay, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản đã giảm hơn 6% và chạm mức đáy của năm vào tuần trước. Trong khi đó, chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc và PSE của chứng khoán Philippines giảm lần lượt 7% và gần 4%.
Tuần trước, chỉ số MSCI All Country Asia đã sụt hơn 8% khi các đợt bán tháo mạnh tiếp tục diễn ra trên nhiều thị trường châu Á. Ngược lại, chỉ số MSCI Mỹ và MSCI Euro vẫn duy trì ở vùng tích cực kể từ đầu quý 3.
"Đại dịch Covid-19 đang khiến dòng vốn đầu tư chảy khỏi châu Á. Điều này đặc biệt đúng với khu vực Đông Nam Á do tỷ lệ tiêm vaccine đang ở mức thấp”, Kota Hirayama, nhà kinh tế cấp cao về các thị trường mới nổi của SMBC Nikko Securities, có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản), nhận định.
Theo Nikkei Asia, dù các chính phủ châu Á đang gấp rút đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine, biện pháp ứng phó tức thời trước sự lây lan của biến thể Delta vẫn là áp dụng giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Điều này gây ra những rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế.
Tại Nhật, sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày kỷ lục vào tuần trước, chính phủ đã phải gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 4 khu vực tới tháng 9, đồng thời mở rộng tình trạng này với 7 tỉnh khác. Đây là lần gia hạn thứ hai tại thủ đô Tokyo kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố vào ngày 12/7. Theo đó, Mizuho Securities đã nâng ước tính thiệt hại kinh tế do đại dịch của Nhật lên tới 9,1 tỷ USD.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang trải qua đợt tái bùng dịch lớn nhất kể từ tháng 1. Chính phủ nước này đã phải phân loại hơn 10 khu vực vào nhóm nguy cơ cao và siết chặt hạn chế đi lại, đồng thời áp dụng biện pháp cách ly nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt ở vùng có dịch. Doanh thu bán lẻ và sản lượng công nghiệp tháng 7 thấp hơn dự báo của Trung Quốc khiến các nhà đầu tư không chỉ quan ngại về nền kinh tế nước này mà còn về triển vọng của nền kinh tế có quan hệ với Trung Quốc trên khắp khu vực.
Masamitsu Ohki, Quản lý danh mục tại Fivestar Asset Management, có trụ sở tại Tokyo cho rằng triển vọng của thị trường chứng khoán châu Á đã thay đổi so với thời điểm đầu năm nay.
“Thị trường đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực như số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại và các biện pháp siết quản lý của Trung Quốc. Từ khoảng tháng 6, có rất nhiều yếu tố rủi ro, gây áp lực lớn trên thị trường”, ông Ohki nhận xét.
TIẾP TỤC TRẦM LẮNG VÀ ĐI NGANG
Theo Nikkei Asia, các nhà đầu tư đang rút vốn từ cả thị trường tiền tệ cũng như thị trường chứng khoán. Ngày 10/8, giá đồng Baht Thái so với USD đã giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 năm. Với số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tăng gấp 4 lần so với cuối tháng 6, triển vọng ngày du lịch Thái Lan ngày càng u ám, ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân vãng lai của quốc gia này.
Chính phủ Thái Lan đã gia hạn các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm ban đêm cho tới cuối tháng 8, bất chấp việc Thủ tướng Prayuth Chan-ocha có kế hoạch mở lại biên giới với khách nước ngoài đã tiêm vaccine vào tháng 10 tới.
Trong khi đó, làn sóng bán tháo đã khiến chỉ số SET của chứng khoán Thái Lan sụt gần 2% kể từ cuối tháng 6. Hiện tại, chỉ khoảng 8% dân số Thái Lan được tiêm vaccine đầy đủ.
Còn đồng Peso của Philippines giảm gần 5% trong hơn 2 tháng qua. Chính phủ Philippines đã áp dụng biện pháp phong tỏa từ đầu tháng này và gia hạn lệnh cấm nhập cảnh với người từ 10 quốc gia, bao gồm Ấn Độ. Chính phủ nước này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 xuống còn 4-5%, từ mức 6-7% đưa ra trước đó. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ tại Philippines là khoảng 12%.
Tuy vậy, hầu hết các nhà chiến lược dự báo thị trường châu Á sẽ không có sự điều chỉnh lớn mà rơi vào giai đoạn ảm đạm khi giới đầu tư lo lắng về vấn đề tiêm chủng, số ca nhiễm và nhập viện - những thước đo được các chính phủ xem xét để quyết định khi nào nới lỏng phong tỏa.
“Với việc biến thể Delta lây nhiễm với cả những người đã được tiêm vaccine đầy đủ, một thước đo quan trọng hiện tại là tỷ lệ nhập viện. Thị trường châu Á có thể sẽ tiếp tục trầm lắng và đi ngang”, Frank Benzimra, Giám đốc chiến lược cổ phiếu châu Á tại Societe Generale, Hồng Kông, nhận định.
Hồi tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có đợt tăng lãi suất đầu tiên sau đại dịch vào năm 2023, sớm hơn các dự báo trước đó. Cơ quan này cũng đã bắt đầu xem xét giảm chương trình mua trái phiếu. Dự báo về việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ đã đẩy giá đồng USD lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay và làm trầm trọng làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ các nền kinh tế mới nổi quay trở lại Mỹ. Việc này làm tăng gánh nặng với các khoản nợ bằng đồng USD ở châu Á.
“Những lo ngại về việc Mỹ giảm mua trái phiếu, cùng với đại dịch Covid-19, đã khiến giới đầu tư có lý do để giảm thiểu rủi ro tại các thị trường châu Á mới nổi”, ông Hirayama phân tích.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông còn chịu tác động nặng nề bởi loạt động thái siết chặt quản lý của Bắc Kinh nhằm vào các hãng công nghệ khổng lồ. Chỉ số CSI 300, theo dõi các cổ phiếu lớn nhất niêm yết tại sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, đã sụt gần 9% kể từ cuối tháng 6, còn chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông "bay" gần 14%.
Với hầu hết thị trường còn lại ở châu Á, tâm lý chung là tiếp tục theo dõi diễn biến đại dịch. Số lượng ca nhiễm và nhập viện vì Covid-19 ở Ấn Độ - nơi đối mặt với làn sóng dịch bệnh kỷ lục suốt trong tháng 4 và tháng 5 - đã giảm. Từ đó đến nay, thị trường chứng khoán nước này đã phục hồi nhanh chóng. Chỉ số Sensex đã tăng 5% từ cuối tháng 6, trong khi chỉ số blue-chip Nifty 50 chạm mức kỷ lục.
Còn tại Indonesia - nơi số ca nhiễm Covid-19 đã giảm đáng kể so với tháng trước, thị trường chứng khoán đang đi ngang từ đầu quý 3.
“Sự nghiêm ngặt của các biện pháp phong tỏa tỷ lệ nghịch với mức tăng của thị trường chứng khoán, đặc biệt là với những cổ phiếu nhạy cảm với nhu cầu nội địa”, ông Garner nhận định. “Với việc châu Á và các thị trường mới nổi nhìn chung tụt hậu hơn so với phương Tây về tốc độ tiêm chủng, sớm nhất phải vào cuối quý 4, châu Á với thoát khỏi chu kỳ này”.