14:48 06/01/2016

Máy massage: mua không ngại “lỗ”!

PV

Trước tiên, cần phải hiểu rằng những chiếc máy massage về thực chất cũng là dùng các lực cơ học, vật lý tác động lên các bộ phận cơ thể, tương tự như việc người khác dùng tay để xoa bóp, massage cho bạn. Điểm khác biệt là ở chỗ những chiếc máy massage sẽ giúp bạn có thể tự mình massage, thư giãn cơ thể phần nào ngay khi cần một cách dễ dàng tại nhà, dù rằng hiệu quả cuối cùng thì chắc chắn không thể thay thế được một nhân viên massage chuyên nghiệp. Và máy thì chạy bằng điện nên bạn sẽ đỡ tốn sức hơn mỗi khi cần massage cơ thể. Ngoài ra, chính với những lực tác động vật lý, cơ học đó mà có thể coi như các cơ bắp trên cơ thể bạn sẽ được “vận động”, dù chỉ là ở mức thụ động, từ đó phần nào giảm tích tụ mỡ cho những vùng ít được vận động mạnh trên cơ thể như bụng, bắp đùi, bắp tay… Nhưng, xin khẳng định lại, do đó là sự vận động thụ động nên chúng không hề có tác dụng làm săn chắc cơ thể hay giúp bạn giảm cân thực sự nếu chỉ áp dụng đơn lẻ. Để có thể giảm béo, bạn sẽ cần tới sự vận động thực thụ giúp tiêu hao năng lượng dư thừa gây tích mỡ. Đai rung massage Đây là món đồ dễ được nhiều người “yêu thích” và lựa chọn mua nhiều nhất khi được nghe quảng cáo. Bởi trước hết là chúng thường có giá thành khá rẻ. Chỉ khoảng 350.000 đồng  trở lên là bạn đã có thể mua được đai massage loại tương đối tốt để dùng. Chưa kể công dụng của chúng thì luôn được đẩy lên đến mức cao nhất, khi vừa có thể giúp bạn giảm béo bụng, đùi dễ dàng, vừa có thể giúp massage thư giãn cho toàn bộ cơ thể như vai, lưng, bắp chân… 

Máy massage: mua không ngại “lỗ”! - Ảnh 1

Tính hiệu quả nổi bật của sản phẩm này chính là chế độ… “rảnh tay” mỗi khi bạn cần massage. Chỉ cần đeo dây đai lên những vùng cơ thể nhức mỏi như vai, lưng, bắp đùi, bắp chân… máy sẽ tự động rung, xoáy giúp thư giãn trực tiếp cho vị trí đó. Điều đó giúp bạn không còn phải tốn nhiều sức mỗi khi muốn massage cho cơ thể, đồng thời lại có thể kết hợp làm thêm việc gì đó trong lúc massage, thậm chí là làm việc nhà hay nấu ăn… Về tác dụng làm giảm béo bụng, đùi, tốt nhất bạn không nên quá kì vọng. Trên thực tế, bạn chỉ nên coi đây như là một giải pháp hỗ trợ giúp thay cho động tác massage khi thoa kem tan mỡ, săn da, hoặc dùng như đai quấn nóng (với các loại máy có chế độ làm nóng) để hỗ trợ cho việc tăng độ thẩm thấu và hiệu quả của kem tan mỡ. Còn nếu chỉ dùng đai với mục đích giảm béo mà không cần tập luyện hay ăn kiêng thì chắc chắn chúng không hề có tác dụng, thậm chí là ngược lại, chúng còn có thể gây nhão, sệ da. Máy massage cầm tay Với mức giá trung bình khoảng 700.000 – 1.000.000 đồng/chiếc, những chiếc máy massage cầm tay nhìn chung thường được kì vọng nhiều nhất vào việc giúp massage, thư giãn cơ thể khi có rất nhiều kiểu massage trên một thân máy (nhờ vào rất nhiều đầu massage đi kèm). Tuy nhiên, đây lại cũng là sản phẩm dễ bị… bỏ xó nhiều nhất chỉ sau khoảng một vài lần dùng. Nguyên nhân là do những chiếc máy này khá nặng và thường bị rung mỗi khi sử dụng.

Máy massage: mua không ngại “lỗ”! - Ảnh 2

Nếu để tự bạn massage cơ thể thì chúng cũng sẽ khiến bạn phải tiêu tốn rất nhiều sức lực và còn gây mệt mỏi thêm vì phải cầm vật nặng trong một thời gian dài. Trong khi đó, việc nhờ người khác cầm máy massage giúp bạn mỗi ngày rõ ràng cũng không phải là việc dễ dàng. Nhìn chung đây là loại máy massage mà bạn không nên đầu tư. Máy massage chân Chỉ tính riêng về máy massage chân thì có thể phân ra thành 3 loại khác nhau. Loại massage bàn chân, loại bồn ngâm chân và loại máy massage thư giãn từ bàn tới bắp chân. Nhìn chung, xét về giá thì máy massage chân thuộc dạng cao. Các loại bồn ngâm chân kết hợp massage có giá rẻ nhất cũng đã khoảng 700.000 đồng trở lên. Loại massage thư giãn bàn chân kết hợp ấn huyệt, chiếu đèn hồng ngoại có giá trung bình khoảng 1.700.000 – 3.000.000 đồng. Và loại massage tới bắp chân có giá thấp nhất cũng khoảng từ 3.000.000 – 4.000.000 đồng.

Máy massage: mua không ngại “lỗ”! - Ảnh 3

Trong các loại máy massage chân, có vẻ như máy massage kết hợp với bồn ngâm chân là hữu dụng nhất. Bởi máy vẫn có thiết kế gồm những con lăn giúp massage, kích thích các huyệt đạo của bàn chân, đồng thời có thêm phần massage bằng tia nước sục mạnh tạo áp lực lên các mạch máu ở chân, giúp cho máu huyết bàn chân được lưu thông, tuần hoàn tốt hơn. Việc ngâm chân với nước ấm trước khi đi ngủ hàng ngày vốn cũng đã là một liệu pháp thư giãn, an thần tốt cho cơ thể. Giờ đây, khi kết hợp thêm với phần massage nước, hiệu quả thư giãn sẽ được tăng lên nhiều lần. Tuy nhiên, bồn ngâm massage chân có một hạn chế là việc làm vệ sinh, dọn dẹp máy khá cực vì máy khá nặng và có liên quan đến các mạch điện. Đó là chưa kể chúng chỉ tiện dùng tại nhà, không tiện dụng nếu bạn cần chúng ở văn phòng làm việc. Lúc này, những chiếc máy massage chân khô sẽ trở nên hữu dụng hơn. Chỉ một lưu ý nhỏ là máy massage chân dạng túi khí bằng vải hay bằng da sẽ khó vệ sinh hơn là loại dùng bàn massage. Gối massage Trong các dòng sản phẩm máy massage, đây là sản phẩm được ưa chuộng hơn cả nhờ tính tiện dụng và đa năng. Gối có thể dùng để massage cho nhiều vị trí trên cơ thể, từ cổ, vai, gáy, lưng, bụng xuống tới cả đùi, bắp chân, bàn chân. Về hình thức, máy trông gọn gàng và lịch sự (chỉ như một chiếc gối nhỏ gọn, có nhiều màu sắc thời trang xinh xắn) nên bạn vừa có thể để dùng thoải mái tại nhà, mà cũng có thể đặt trong phòng làm việc, hay trên xe hơi… để dùng bất cứ khi nào bạn muốn.

Máy massage: mua không ngại “lỗ”! - Ảnh 4

Với mức giá trung bình chỉ từ 400.000 – 600.000 đồng thì rõ ràng chúng cũng rất dễ chấp nhận với đại đa số người dùng. Nệm massage cơ thể Với thiết kế chỉ như một tấm nệm lót cho giường hoặc cho ghế, miếng nệm massage cho diện tích massage cùng lúc tương đối rộng, thường là từ đầu tới bắp đùi. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng không thực sự thuận tiện trong nhiều hoàn cảnh. Khi dùng, bạn sẽ phải trải tẩm nệm ra giường/ghế thư giãn hoặc trên ghế xe hơi (loại ghế nệm) mới có thể tận dụng được hết các điểm massage trên tấm thảm.

Máy massage: mua không ngại “lỗ”! - Ảnh 5

Các điểm massage trên nệm được thiết kế cố định nên bạn sẽ phải tự điều chỉnh cơ thể mình cho vừa với điểm massage của nệm mỗi khi sử dụng. Trung bình, nệm massage có giá khoảng từ 800.000 – 1.000.000 đồng. Ghế massage toàn thân Trong số các loại máy massage, loại ghế massage toàn thân là loại đắt tiền nhất. Giá ghế loại rẻ cũng khoảng 40.000.000 – 50.000.000 đồng, loại giá cao nhất có thể lên tới cả 100.000.000 đồng. Xét về khả năng massage, rõ ràng đây là loại có khả năng massage toàn thân (từ đầu cho tới gan bàn chân) cùng lúc với hiệu quả cao. Tuy nhiên, xét về tính ứng dụng thì chúng không được linh hoạt cho lắm. Đồng thời, xét về mức độ khấu hao kinh tế thì chúng cũng tỏ ra không hề hiệu quả.

Máy massage: mua không ngại “lỗ”! - Ảnh 6

Trước hết là nhà bạn phải có diện tích rộng mới đủ chỗ để đặt ghế vì ghế này rất cồng kềnh. Khi bạn đã đặt ghế ở đâu thì chỉ có thể dùng cố định ở đó, không dễ di chuyển ghế khi bạn muốn thay đổi. Ngoài ra, bạn nên đặt ghế ở trong phòng lạnh, kín bụi vì ghế thường được thiết kế với các túi khí da tương đối khó vệ sinh. Và cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là việc sử dụng ghế dễ dẫn đến… nhàm chán, chắc chắn bạn sẽ dần bớt thường xuyên sử dụng chúng hàng ngày. Máy massage xung điện Trong các dòng máy massage đang có trên thị trường, đây là loại máy có mức giá thành “loạn” nhất. Gần như mức giá nào cũng có sản phẩm có thể đáp ứng túi tiền mà bạn có, từ khoảng 150.000 – 2.000.000 đồng/chiếc. Ưu điểm của sản phẩm này là ở chỗ chúng nhỏ gọn và dễ cất giữ với kích thước chỉ tương đương với một chiếc điều khiển máy lạnh. Còn về hiệu quả thì đây là vấn đề vẫn còn nhiều bàn cãi, tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, chúng có thể giúp triệt tiêu những cơn đau mỏi cơ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Máy massage: mua không ngại “lỗ”! - Ảnh 7

Nhìn chung, với sản phẩm này bạn nên chọn các sản phẩm thuộc dòng cao cấp của các thương hiệu uy tín, có tên tuổi để sử dụng. Vì khác với các loại máy massage kể trên, máy massage xung điện phát triển dựa trên nền tảng kĩ thuật, vật lý, sinh học, điện y sinh học, y học cổ truyền, đông y truyền thống kết hợp với kĩ thuật vi điện tử hiện đại. Với cấu tạo phức tạp như vậy thì chắc chắc các loại máy rẻ tiền rất khó có thể đáp ứng tiêu chí an toàn và hiệu quả cho bạn khi sử dụng. Máy massage trang điểm, rửa mặt  Giờ đây, những chiếc máy loại này đã có những mẫu cực kì nhỏ gọn (trông chỉ tựa như hộp phấn) nên bạn có thể thoải mái mang theo đi bất kì đâu để có thể vừa rửa mặt kĩ, massage thư giãn da mặt, đồng thời có thể giúp làm bước trang điểm nền trở nên dễ dàng và tự nhiên hơn bao giờ hết. Đây quả thực là sản phẩm tạo nên “cuộc cách mạng” về cách thức rửa mặt và thoa kem trang điểm mới cho da. Máy sử dụng độ rung nhẹ nhàng, đều đặn, vừa có tác dụng tẩy sạch da sâu (với đầu cọ rửa mặt), vừa có tác dụng dàn mỏng lớp phấn nền khi trang điểm (với đầu mousse trang điểm), vừa có tác dụng massage thư giãn da với kem dưỡng (đầu con lăn massage)… Và chúng thực sự hiệu quả… với điều kiện bạn phải chọn được sản phẩm thực sự chất lượng để sử dụng. 

Máy massage: mua không ngại “lỗ”! - Ảnh 8

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý thêm rằng, với sản phẩm dành cho ra mặt, tốt nhất bạn chỉ nên chọn mua dòng máy chỉ dùng riêng cho da mặt, không nên chọn mua loại có thể dùng kết hợp để massage da cho toàn cơ thể. Vì lực massage dành cho da mặt đòi hỏi phải thật nhẹ nhàng, nếu không da mặt sẽ rất dễ bị lão hoá thêm hay bị nhão, chảy sệ. Bạn có thể chọn mua máy rửa mặt hay máy trang điểm riêng nếu thích, song tiện nhất là nên dùng loại 2 trong 1 cho… gọn nhà và tiết kiệm chi phí. Một lưu ý khác khi bạn có ý định đầu tư mua máy đó là… đừng quá kì vọng vào công dụng thần kì của máy trong việc làm đẹp da. Bạn nên nhớ là dù sao đây vẫn chỉ là máy rửa mặt và hỗ trợ thoa kem trang điểm, chứ không phải là một chiếc máy trị liệu các vấn đề về da. Khi dùng máy, da bạn sẽ chỉ là được tẩy trang và làm sạch tốt hơn, từ đó ngăn ngừa và giảm thiểu các tác hại từ việc da không được làm sạch triệt để. Chứ trên thực tế, máy không thể chữa trị cho các vấn đề về da như da bị nám, mụn… một cách thực sự. Giá máy massage trang điểm, rửa mặt khoảng từ 400.000 đồng trở lên.

Những lưu ý khi sử dụng máy massage:

- Tác hại của việc lạm dụng máy massage thường âm thầm, không xuất hiện ngay nên khó phát hiện. Do đó bạn không nên sử dụng máy quá liên tục/lạm dụng nó. Mỗi lần bạn chỉ nên dùng máy liên tục trong khoảng thời gian 15 – 20 phút và không nên dùng quá 2 lần/ngày. 

- Những người mắc bệnh tim không nên sử dụng máy massage. Những người bị cao huyết áp, tiểu đường, gout… nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi sử dụng máy massage.

- Khi đang bị viêm nhiễm hoặc có vết thương ngoài da, bong gân, phong thấp… thì bạn nên tránh sử dụng máy massage trong thời gian này.

- Vì máy massage có sử dụng nguồn điện nên tốt nhất bạn nên chọn dùng các sản phẩm chính hãng để đảm bảo an toàn, chống chập điện, cháy nổ bất thường. Ngoài ra, với những máy tạo nhiệt, nguồn nhiệt cũng cần được đảm bảo cách li an toàn với người sử dụng để tránh trường hợp bị bỏng nhiệt.

Đức Hiền