Mekong Connnect 2019: Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng - Tăng cường hội nhập thị trường
Mekong Connnect 2019 - Diễn đàn kinh tế thường niên có quy mô quốc tế sẽ diễn ra vào ngày 7/11/2019 tại Cần Thơ
Mekong Connnect 2019 - Diễn đàn kinh tế thường niên có quy mô quốc tế sẽ diễn ra vào ngày 7/11/2019 tại Cần Thơ. Mekong Connnect do mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp) cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC tổ chức. Năm nay diễn đàn thu hút hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế, sẽ tập trung bàn sâu chủ đề "Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng - Tăng cường hội nhập thị trường".
Trong ngày diễn ra Diễn đàn, có tiến hành 4 nhóm thảo luận với 4 đề tài khá nhau, các đề tài này vốn đã được "phân công" cho mỗi tỉnh tự chuẩn bị, dựa trên đặc thù từng tỉnh thành trong mạng lưới ABCD, Mekong Connect 2019 là: (1) Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng, (2) Bắt mạch xu huớng thị trường, định hướng cho nông sản đồng bằng, (3) Ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, (4) Liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa.
Cũng tại diễn đàn này, một cuộc triển lãm sinh động như mọi năm mở cửa, nhưng không chỉ có sản phẩm mới hay các công trình, thành tựu mà 4 tỉnh ABCD Mekong sẽ tập trung giới thiệu các mô hình sáng tạo trong sản xuất kinh doanh mới lạ với hi vọng sự trao đổi mô hình các vùng miền sẽ kích thích sự chuyển đổi trong quản trị của doanh nghiệp.
Trước thềm Mekong Connect 2019, đã có những ý kiến của các chuyên gia, doanh nông gợi mở những cách làm mới nông nghiệp Đồng Bằng sông Cửu Long.
Cần một "kênh YouTube" cho nông dân
(Ông Nguyễn Bá Quỳnh - Tổng giám đốc Global Cybersoft)
Nông dân bây giờ đại đa số đều có điện thoại thông minh, nên nếu công nghệ thông tin cho nông dân được đầu tư đúng hướng thì giải quyết được nhiều vấn đề. Vấn đề là làm sao chúng ta có một hệ thống - nền tảng có thể thu thập được tất cả những thông tin, dữ liệu liên quan trong quá khứ, hiện tại, để trí tuệ nhân tạo có thể tổng hợp, phân tích…đưa ra những dự báo, lời khuyên cho nông dân với mức độ chính xác cao nhất.
Tôi tin, công nghệ số ngày nay hoàn toàn có thể "gỉải cứu" nông dân thoát khỏi tình cảnh "được mùa rớt giá, được giá không có mùa". Hãy hình dung một nền tảng số tương tự như YouTube, nơi nông dân có thể kết nối, chia sẻ sản phẩm của mình, nơi mỗi một người vào truy cập sẽ được các ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ, và đoán biết được những "nhu cầu thầm kín" của khách hàng để giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ phù hợp.
Trí tuệ nhân tạo, dựa trên dữ liệu mùa vụ thu thập được hàng năm, cũng làm nhiệm vụ thu thập các nguyên nhân gây nên những vụ việc cần "ứng cứu", đồng thời nếu biết kết hợp cùng các chuyên gia dự báo trong mỗi lĩnh vực cụ thể, chúng có thể giúp đưa quyết sách phù hợp cho doanh nghiệp trong sản xuất, nuôi trồng hay phân phối sản phẩm ở thời điểm ngặt nghèo. Đó là bước đầu giản đơn và hiệu quả trong việc áp dụng công nghệ, nhằm xây dựng một nền kinh tế nền tảng cho nông nghiệp.
Nông dân mình nhiều người đã tự mình học hỏi và sáng tạo với những thành công đáng nể, như chế tạo xe bọc thép cho Chính phủ Campuchia, hay chế tạo máy bay, thậm chí chế tạo tàu ngầm…
Người Việt được đánh giá là một trong những dân tộc có khả năng học tập rất cao, giá như đức tính này được đồng hành cùng sự kiên trì và đam mê tạo ra những giá trị mới mẻ, thì chúng ta mới có thể kỳ vọng đi tiên phong trong Cách mạng công nghiệp 4.0, khi sáng tạo và tốc độ là hai yếu tố quyết định thành công, cả trong nông nghiệp.
Chuyển đổi số đã chứng minh được tầm quan trọng khi vừa mang lại giá trị cao cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa góp phần tái tạo nông dân, doanh nghiệp, cũng như tạo nền tảng cho nền kinh tế, sản xuất bắt kịp xu hướng phát triển trong hiện tại cũng như tương lai. Tôi tin rằng, với công nghệ, kỹ thuật, Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách với các nước đang phát triển trong khu vực.
Công nghệ giải quyết được nhiều bài toán nan giải
(TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Tổng giám đốc Rynan AgriFoods)
Mekong Connect luôn mang mang lại những thông tin hữu ích, cách làm mới cho nông dân, doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long. Năm nay cũng vậy, tôi hy vọng các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… khi đến Mekong Connect 2019 sẽ mang đến những ý tưởng, kiến giải mới, công nghệ mới, phù hợp, hiệu quả để giúp Đồng Bằng sông Cửu Long phát triển mạnh về mảng nông nghiệp.
Không riêng về canh tác, truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì, thương mại điện tử... màcả một chuỗi giá trị cho nông sản- thứ mà cả nông dân và cả người tiêu dùng đều cần. Giá trị tăng lên thì sẽ kéo được doanh thu và lợi nhuận cho nông dân mình.
Với khả năng và trải nghiệm của mình, thời gian qua, tôi đã xây dựng mạng lưới quan trắc nước thông minh để nông dân (thông qua điện thoại di động) có thể biết được thông tin về nước sông.
Chúng tôi hình thàng mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh để nhà nông dân biết sắp tới có loại sâu rầy nào, mật độ ra sao. Chúng tôi cũng sản xuất phân bón thông minh, hợp tác với Đại học Cần Thơ làm máy bón phân thông minh 3 trong 1 để nông dân đỡ cực. Rồi làm màng đa lớp cản khí cao có thể tăng thời gian bảo quản cho thực phẩm…
Đồng Bằng sông Cửu Long cần hơn những công cụ hỗ trợ như vậy từ công nghiệp, công nghệ để có nền phát triển bền vững, thích ứng và hội nhập.
Mekong Connect 2019 được khởi động ngay từ giữa tháng 7/2019 gồm 5 nhóm công tác từ các tỉnh ABCD Mekong và Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhằm xây dựng nội dung tốt nhất cho diễn đàn.
Từ năm 2015, đã tiếp đón khách mời thường xuyên và các đối tác quốc tế như Đại sứ quán Hoa Kỳ, Úc,Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc...hay các tổ chứcAmcham, Eurocham, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật, Singapore, Đài Loan, Hiệp hội bán lẻ và Franchise thế giới, cộng đồng CIO, các tổ chức tư vấn quốc tế, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế: USDA, GLOBALG.A.P…, Mekong Connect hướng đến: Thúc đẩy liên kết công bằng hướng đến hội nhập căn cơ và phát triển bền vững, thu hút và tối ưu hóa nguồn lực tri thức cho khu vực; Khuyến khích và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp dựa vào thế mạnh bản địa và công nghệ.