Mở đường bay thẳng Việt - Mỹ, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu chinh phục mốc kỷ lục 100 tỷ USD
Với đường bay thẳng thường lệ đầu tiên do hãng hàng không Việt Nam khai thác, kỳ vọng cơ hội đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ rộng mở, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia cán mốc 100 tỷ USD ngay trong năm 2021...
Chiều ngày 16/11, Vietnam Airlines chính thức đón nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng thương mại không điểm dừng giữa Việt Nam và Mỹ. Cũng trong khuôn khổ chương trình, Vietnam Airlines phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới”, nhằm thúc đẩy hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
THƯƠNG MẠI VIỆT - MỸ TĂNG TRƯỞNG 200 LẦN
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai quốc gia trở thành đối tác toàn diện từ chính trị, ngoại giao, kinh tế đến giáo dục, khoa học - công nghệ... Nhờ vậy, hợp tác thương mại giữa hai nước có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Trong suốt hơn 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng khoảng 200 lần, từ mức 451 triệu USD năm 1995, vượt mốc 90 tỷ USD, đạt 90,8 tỷ USD vào năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Tính chung trong giai đoạn 5 năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Hiện Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam.
Về đầu tư, dù chịu tác động của đại dịch Covid–19 khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, chuỗi cung ứng toàn cầu liên tiếp bị đứt gãy nhưng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng đẩy mạnh đàm phán để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, như chế tạo – chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm... Đây là tín hiệu tích cực trong việc thu hút nguồn vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam.
Hiện Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng, với dự án đăng ký tại 43/63 tỉnh thành. Sau thời gian dài hoạt động hiệu quả, nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, giúp Việt Nam từng bước tạo dựng chỗ đứng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
“Bất chấp tác động tiêu cực đại dịch Covid-19, năm 2021, kim ngạch thương mại trao đổi hai chiều hai nước sẽ đạt kỷ lục 100 tỷ USD. Thời gian tới, chính sách cần phải duy trì sự ổn định, để doanh nghiệp yên tâm làm ăn, yên tâm xuất khẩu. Hiện Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam”.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thắng Vượng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, với sự chuyển hướng chính sách của chính quyền dưới thời Tổng thống Joe Biden lựa chọn ưu tiên, hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Việt Nam với vị trí địa chính trị thuận tiện, rất có thể trở thành đối tác quan trọng nhất.
Đồng thời, trở thành địa điểm thu hút dòng đầu tư từ Hoa Kỳ vào lĩnh vực trọng tâm như năng lượng, hàng không, hạ tầng…
Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, năm 2020, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt 1,233 tỷ đôi, xếp thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, cứ 1 người Mỹ tiêu thụ khoảng 6 đôi giày dép/năm thì 1,3 đôi giày dép xuất xứ từ Việt Nam.
Trong những năm qua, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Tuy nhiên, bà Xuân lưu ý, đơn hàng của khách hàng Mỹ lớn, yêu cầu tính trách nhiệm xã hội cao, đáp ứng các chứng chỉ nên chỉ doanh nghiệp đủ năng lực mới đáp ứng được nhu cầu trong khi quy mô doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, người Mỹ chỉ tiêu dùng sản phẩm có thương hiệu, vì vậy, doanh nghiệp Việt phải tham gia vào chuỗi cung ứng lớn như Nike, Skechers...
“Cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, xây dựng chuỗi cung ứng, hệ thống logistics, mở đường bay thẳng Việt Nam – Hoa Kỳ là giải pháp tốt thúc đầy giao thương giữa hai quốc gia. Khi đó, cơ hội thúc đẩy vào thị trường Mỹ sẽ rất lớn”, bà Xuân đánh giá.
HÃNG HÀNG KHÔNG VIỆT ĐẦU TIÊN MỞ ĐƯỜNG BAY THẲNG THƯỜNG LỆ
Ông Lê Hồng Hà. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho hay, hãng nắm rõ tầm quan trọng của việc mở đường bay đến Mỹ. “Để mở được đường bay này là một hành trình dài và nhiều gian nan, song việc khai thông, duy trì và khai thác hiệu quả đường bay tiếp tục là một nhiệm vụ mà Vietnam Airlines ưu tiên hàng đầu”, ông Hà nhấn mạnh.
Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên và duy nhất hiện tại của Việt Nam được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ. Dự kiến chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh vào ngày 28/11 tới đây.
Với thế mạnh đường bay thẳng, đại diện Vietnam Airlines cho biết, sẽ rút ngắn đáng kể thời gian bay, tiết kiệm 3-10 tiếng do không còn phiền phức phát sinh tại điểm trung chuyển.
Về hành khách, dự kiến lưu lượng khách giữa Việt Nam và Mỹ năm 2022 đạt 1 triệu lượt.
Về hàng hoá, đại diện Vietnam Airlines cho hay, các nguồn hàng trọng điểm khai thác gồm hàng linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử có giá trị cao, hàng nặng để tối ưu hóa tải trọng chuyến bay.
Bên cạnh đó là hàng may mặc có trọng lượng và kích thước nhỏ gọn, có hiệu quả chất xếp cao về mặt vị trí và có thể chất cabin khi chuyến bay cho phép khai thác cabin.
Trước đó, Vietnam Airlines bắt tay nghiên cứu thị trường hàng không Việt - Mỹ ngay từ khi hãng mới thành lập. Cách đây đúng 20 năm, văn phòng đại diện của Vietnam Airlines được mở tại San Francisco để bước đầu thiết lập hệ thống bán, tiếp cận các nguồn khách hàng và đặt nền móng cho quá trình xây dựng đường bay thẳng giữa hai nước.
Sau thời gian dài chuẩn bị rất nhiều thủ tục và nguồn lực, từ các yếu tố liên quan đến pháp lý, các quy định, quy chế về an ninh, an toàn cho đến công tác phát triển đội tàu bay, huấn luyện đào tạo đội ngũ nhân viên, đến nay, Vietnam Airlines vượt qua mọi nội dung kiểm tra và đánh giá khắt khe nhất của phía Mỹ để được chấp thuận khai thác đường bay thẳng thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Hiện tại, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch thực hiện các chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ.
Dự kiến, chuyến bay chiều đi sẽ khởi hành vào tối 28/11 với hành trình từ TP. Hồ Chí Minh đến San Francisco kéo dài 13 tiếng 50 phút. Chuyến bay chiều về xuất phát từ San Francisco vào đêm 29/11 (giờ địa phương) và hạ cánh tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng 01/12, với thời gian bay khoảng 16 tiếng 40 phút. Các chuyến bay sẽ được khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.
Từ tháng 12/2021, Vietnam Airlines sẽ khai thác thường lệ đường bay thẳng giữa TP. Hồ Chí Minh và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần. Hãng sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.
Trong tương lai, “chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng điểm đến trên đường bay giữa Việt Nam và Mỹ để duy trì chiến lược phủ rộng mạng bay, cũng như đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của người dân hai nước”, ông Hà nhấn mạnh.