09:16 09/06/2008

“Morgan Stanley vẫn tin vào Việt Nam”

Thùy Trang

Ông Greg Terry, Chủ tịch Morgan Stanley Đông Nam Á nói về bản báo cáo gây xôn xao về kinh tế Việt Nam mà tổ chức này vừa công bố

Ông Greg Terry.
Ông Greg Terry.
Ông Greg Terry, Chủ tịch Morgan Stanley Đông Nam Á nói về bản báo cáo gây xôn xao về kinh tế Việt Nam mà tổ chức này vừa công bố.

>>Báo cáo ngoại về kinh tế Việt Nam: “Cần nhận định trung tính hơn”

Những ngày vừa qua, một số tổ chức nước ngoài trong đó có Morgan Stanley, đã công bố báo cáo cho rằng Việt Nam có thể sẽ theo “vết xe” của Thái Lan trước đây trong biến cố năm 1997. Là Chủ tịch Đông Nam Á của Morgan Stanley, xin ông cho biết cơ sở nào để Morgan Stanley làm căn cứ chứng tỏ tình hình kinh tế Việt Nam đang xấu đi?

Các quy định và luật áp dụng đối với Morgan Stanley và các ngân hàng đầu tư khác của Mỹ yêu cầu rằng các báo cáo cần phải được chuẩn bị một cách độc lập và được phát hành mà không có sự tham gia của ban lãnh đạo hay của một đơn vị kinh doanh cụ thể nào.

Theo đó, báo cáo mà các bạn vừa đề cập đến đại diện cho quan điểm của chuyên gia phân tích đã viết ra nó và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của toàn thể tập đoàn ngân hàng.

Cho dù người ta có đồng ý hay không với báo cáo này, rõ ràng là cả thế giới đang đối mặt với sự suy giảm của hoạt động kinh tế và điều đó có ảnh hưởng đến Việt Nam. Cũng rõ ràng là Việt Nam cần phải thực hiện các chính sách đúng đắn để phản ứng với lạm phát và các vấn đề kinh tế khác mà Việt Nam hiện đang gặp phải.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ rằng họ có thể thúc đẩy nền kinh tế để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và tạo ra của cải cho đất nước. Cá nhân tôi tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam cũng có thể thực hiện những biện pháp đúng đắn để phản ứng với sự suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay.

Sau khi báo cáo được công bố, rất nhiều ý kiến cho rằng báo cáo chưa theo sát tình hình thực tế của Việt Nam. Bản báo cáo không dựa trên mô hình phân tích kinh tế. Còn ý kiến của ông thì sao?

Tôi vẫn chưa thảo luận về báo cáo đó với tác giả của nó, và tôi cũng sẽ không bình luận về các biện pháp và công cụ phân tích đã được sử dụng trong báo cáo.

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP tại Hà Nội cho rằng, các báo cáo của một số tổ chức nước ngoài đã tô đậm hình ảnh Việt Nam quá mức vào năm ngoái để rồi năm nay đưa ra đánh giá ảm đạm. Nhiều người cũng đã bắt đầu đặt ra nghi ngờ về sự lạm dụng của các báo cáo đó. Ông bình luận như thế nào?

Như đã nêu ở trên, cần lưu ý rằng với tất cả các ngân hàng đầu tư của Mỹ, báo cáo là độc lập với ban lãnh đạo và toàn bộ các bộ phận kinh doanh của ngân hàng. Những chuyên gia phân tích, người đã viết các báo cáo này đã cố gắng một cách có ý thức để tìm hiểu các vấn đề trong một bối cảnh kinh tế nhất định.

Giống như tất cả chúng ta, chắc chắn là đôi lúc họ phải chịu những yếu tố mang tính cảm xúc theo cách này hay cách khác. Nhưng báo cáo tốt nhất là báo cáo cần phải rõ ràng, khách quan, và phản ánh đúng sự thật.

Khi tôi quan ngại về một báo cáo là khi tôi cho rằng nó đã vượt xa các dữ kiện thực tế và bằng chứng sẵn có để rút ra một kết luận quá rộng.

Trước tình hình của Việt Nam hiện nay, theo ông, Việt Nam cần có giải pháp gì?

Tôi chắc chắn rằng Chính phủ Việt Nam hiểu hơn tất cả các nhà bình luận bên ngoài giải pháp nào là cần thiết cho Việt Nam trong môi trường hiện nay. Như tôi đã nói, tôi tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tìm ra chính sách đúng đắn phản ứng với những thử thách hiện nay.

Tôi chắc chắn rằng một trong những cấu phần của các phản ứng chính sách này sẽ là tiếp tục quá trình đổi mới kinh tế đã và đang rất thành công trong việc mang lại tăng trưởng và thịnh vượng cho Việt Nam.

Thực tế, Morgan Stanley đã đầu tư vào Việt Nam. Trước sự sụt giảm của thị trường hiện nay, ông có vững tin vào thị trường Việt Nam không? Cá nhân ông nhìn nhận thị trường Việt Nam hiện nay ra sao?

Morgan Stanley có lẽ là nhà đầu tư lớn nhất vào khu vực tài chính của Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư hơn 200 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần tại Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC). Chúng tôi cũng đã đầu tư mua lại 49% cổ phần tại Công ty Chứng khoán Hướng Việt - chúng tôi là ngân hàng đầu tư toàn cầu nước ngoài duy nhất đã mua lại lớn đến như vậy từ trước đến nay.

Chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng, về lâu dài, chiến lược trở thành nhà đầu tư nước ngoài sớm trong ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam là chiến lược đúng đắn của Morgan Stanley.

Cho dù các điều kiện kinh tế ngắn hạn có như thế nào, chúng tôi vẫn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ trở thành “con hổ châu Á” tiếp theo và là thị trường quan trọng cho Morgan Stanley và các khách hàng của chúng tôi trong dài hạn.

Vậy các ông có ý định tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong ngắn hạn? Ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư vào Việt Nam?

Morgan Stanley tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để đầu tư vào Việt Nam. Quan điểm của cá nhân tôi là có những cơ hội tuyệt vời để đầu tư vốn vào một số công ty của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.