Một chuyến thăm có tầm quan trọng chiến lược
Trong số nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài được mời tới thăm Trung Quốc sau Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ 16- 22/10/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “quốc khách” đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, người vừa được bầu lại làm Tổng Bí thư, nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, của Đảng Cộng sản Trung Quốc...
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 1/11/2022.
Trong số nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài được mời tới thăm Trung Quốc sau Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ 16- 22/10/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “quốc khách” đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, người vừa được bầu lại làm Tổng Bí thư, nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mà người đứng đầu Đảng ta tới thăm chính thức, kể từ Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài cao nhất đầu tiên được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc - sự kiện chính trị trọng đại hàng đầu của Đảng và nhân dân Trung Quốc, thể hiện “sự coi trọng lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước, nhất là sự trân trọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Tổng Bí thư Đảng ta, thông qua việc thu xếp đón Tổng Bí thư Đảng ta với mức lễ tân cao nhất và có nhiều thu xếp đặc biệt”.
Đây không phải là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng chuyến thăm này được coi là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc, được dư luận hai nước và quốc tế rất quan tâm.
Đây là dịp hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai đảng cộng sản cầm quyền ở hai nước xã hội chủ nghĩa gặp nhau trực tiếp lần đầu tiên, sau Đại hội mới nhất của mỗi đảng, để cùng bàn thảo và thống nhất chủ trương về những vấn đề trọng đại hàng đầu, cả ở tầm chiến lược lâu dài cũng như những chính sách, bước đi cụ thể, nhằm đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời đại mới.
Trung Quốc là một trong số không nhiều quốc gia thuộc hàng đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Do vậy, Trung Quốc luôn là một trong những đối tác được ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đối với cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc, mối quan hệ song phương Việt – Trung có tầm quan trọng đặc biệt trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, văn hóa, xã hội…
Về hợp tác thương mại, cho đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2018, Trung Quốc trở thành thị trường đầu tiên mà Việt Nam đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu 100 tỷ USD. Ba năm sau, vào năm 2021, con số này lên tới gần 166 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Mười tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt 147,7 tỷ USD – mức cao nhất trong quan hệ thương mại song phương của Việt Nam ở phân kỳ này.
Trung Quốc hiện là đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ), với kim ngạch năm 2021 đạt 56 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020, chiếm 16,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Mười tháng đầu năm nay, con số này là 47 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, kể từ năm 2016 và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu kể từ năm 2020. Trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ 6, với 3.512 dự án và tổng vốn đăng ký 22,6 tỷ USD.
Kết quả đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong chắc chắn sẽ tạo đà tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương giữa hai Đảng và hai nước, trong đó có sự tăng trưởng về hợp tác kinh tế và thương mại mà cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả hai nước luôn mong đợi.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường hiện nay, cả về địa chính trị và kinh tế, việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước theo định hướng chỉ đạo nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân kết thúc chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hết sức cần thiết, phù hợp với lợi ích của cả hai bên.
Kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ góp phần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị láng giềng “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa Việt Nam và Trung Quốc, như mong muốn của hai Tổng Bí thư hai Đảng là “đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn và bất đồng được kiểm soát tốt hơn”.