13:34 16/10/2023

Mưa lũ tiếp tục hoành hành miền Trung trong những ngày tới

Chương Phượng

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài, kèm theo sạt lở cao, người dân tại các tỉnh, thành phố miền Trung như Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... đang gồng mình chống chọi thiên tai. Dự báo trong ngày 16/10 và những ngày tới, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân…

Ngập lụt tại thành phố Đà Nẵng.
Ngập lụt tại thành phố Đà Nẵng.

Theo Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai, tính từ tối 14/10 đến 19 giờ tối 15/10/2023, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to. Trong đó Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng từ 100-150mm; Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 100-160mm (mưa tập trung vào ngày 15/10), có nơi trên 250mm.

Tính từ 19 giờ tối 10/10 đến 19 giờ tối 15/10, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi mưa rất to phổ biến 400-600mm, có nơi trên 1.000mm; các tỉnh từt  Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa 200-400mm. Đặc biệt, một số điểm đo được lượng mưa vô cùng lớn: Hồ Hoà Khê 1.072mm, Hóc Khế 978mm, Suối Đá 968mm (Đà Nẵng); Quan Tượng Đài 1.050mm, Thọ Sơn 905mm, Lộc Tiến 897mm (Thừa Thiên Huế); Đại Hiệp 858mm, Duy Trung 829mm (Quảng Nam).

NHIỀU TỈNH, THÀNH PHỐ THIỆT HẠI NẶNG NỀ DO NGẬP LỤT

Thiệt hại về giao thông trong đợt mưa lũ này, tỉnh Quảng Bình có 22 điểm các ngầm, tràn, tuyến đường liên thôn bị ngập. Tỉnh Thừa Thiên Huế, ngập một số tuyến giao thông tại TP. Huế, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thuỷ, Hương Trà, Phú Vang từ 0,1-1,5m; các quốc lộ 1, 49, 49B, tỉnh lộ 3, 4, 6B, 8A, 8C, 12C, 12D, 15, 15B, 17B, 19, 25B ngập cục bộ từ 0,2-1,2m.

Ngày 15/10/2023, đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do Phó Chánh văn phòng Nguyễn Văn Tiến làm trưởng đoàn kiểm tra thực tế, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lớn tại Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Đoàn công tác đến thăm, động viên nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đang ứng trực tại các điểm ngập sâu và trao đổi kinh nghiệm ứng phó ngập lụt đô thị.

Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai, cho biết về thiệt hại trong đợt mưa lũ này, tính đến tối 15/10, đã có 2 người chết do nước lũ cuốn trôi (1 người tại Hà Tĩnh, 1 người tại Thừa Thiên Huế. Thiệt hại về nhà cửa: 1.564 nhà bị ngập (Đà Nẵng 1.432 nhà, Huế 115 nhà…).

Đoàn công tác động viên, tặng nhu yếu phẩm cho hộ gia đình vừa bị ngập lụt sâu ở quận Thanh Khê.
Đoàn công tác động viên, tặng nhu yếu phẩm cho hộ gia đình vừa bị ngập lụt sâu ở quận Thanh Khê.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, từ ngày 12/10 đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra mưa rất to với tổng lượng mưa đo được phổ biến 700-900mm, riêng các quận Sơn Trà, Thanh Khê và huyện Hòa Vang hơn 900mm. Trên địa bàn thành phố xảy ra các điểm ngập cục bộ tại các tuyến đường, khu vực trũng thấp tại 48 phường, xã với mức ngập 30-50 cm, có nơi ngập 1-2m.

Thành phố Đà Nẵng đã sơ tán 6.835 người dân đến nơi cao ráo, an toàn, trong đó có 372 người được sơ tán đến các điểm tập trung, 6.463 người sơ tán tại chỗ, nhiều nhất là quận Liên Chiểu với 5.867 người (5.684 người sơ tán tại chỗ, 183 người sơ tán tập trung).

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố điều động 433 cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã điều động 200 lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ công tác ứng phó, khắc phục tại khu vực biên giới biển và các điểm sạt lở đường khu vực đèo Hải Vân; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền và thực hiện cứu hộ tàu cá TH-90929TS...

Công an TP Đà Nẵng đã huy động 100% quân số ứng trực hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ giúp dân sơ tán, di dời tài sản tại khu vực đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái. Tính đến tối 15/10, 6/7 quận ở TP Đà Nẵng đã hết ngập, riêng  huyện Hòa Vang còn ngập úng cục bộ tại một số khu vực thấp trũng ven sông Túy Loan (xã Hòa Nhơn, Hòa Phong); sông Cu Đê (xã Hòa Bắc).

Tại Thừa Thiên Huế, ngập úng cục bộ  tại 6 huyện, thị, thành phố vùng đồng bằng tiếp tục giảm chậm (huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, Phú Vang, TP Huế, TX Hương Thủy, TX Hương Trà).

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã sơ tán 421 người dân ra khỏi khu vực bị ngập. Đê biển ở xã Phú Diên và Mỹ Khánh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở nghiêm trọng tại 12 điểm. Ngày 15/10, các phương tiện máy móc, thiết bị được huy động cùng các lực lượng xung kích cùng người dân địa phương nỗ lực khắc phục bờ biển bị sạt lở và các tuyến đường dân sinh ở xã Phú Diên. 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất khẩn cấp 50m3 đá hộc, 50 rọ thép loại 1m3, 1 cuộn vải lọc kích thước 900m2 để cho UBND xã Phú Diên xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ biển và đường dân sinh sạt lở do mưa lớn.

MƯA LŨ CÒN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP ĐẾN 18/10

Tại Hà Tĩnh, ngày 15/10 tại thôn 1 (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên), hàng chục mét khối đất dọc trên bờ biển cao từ 5 đến trên 10m đã bị mưa lớn, gió giật làm đổ sập xuống bãi biển. Nhiều vị trí đất trên bờ biển đang bị khoét thành hàm ếch và nứt toác, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, những ngày qua, khi có mưa lớn, địa phương đã tiến hành lập các biển cảnh báo, rào chắn tại khu vực bờ biển sạt lở ở thôn 1 và các địa điểm sạt lở khác trên địa bàn; đồng thời thông báo, tuyên truyền người dân không đi vào khu vực có nguy cơ sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện.

Tại Quảng Ngãi, ngày 15/10, vùng mưa lớn tập trung ở huyện Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi. Dự báo mưa lớn vẫn còn tiếp tục kéo dài đến ngày 17/10 với lượng mưa phổ biến 200 - 300mm, có nơi trên 350mm gây nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp, sạt lở đất tại khu vực miền núi.

Chiều 15/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi có công điện khẩn, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thông báo chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và người lao động trong ngành giáo dục trước, trong và sau mưa lũ từ ngày 14 đến ngày 20/10.

Bản tin Dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, phát lúc 20h40 tối 15/10/2023.
Bản tin Dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, phát lúc 20h40 tối 15/10/2023.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, từ tối 15/10 đến ngày 17/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm, riêng khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 250-450mm, có nơi trên 700mm; ở khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Giai đoạn ngày 17-18/10 mưa có xu hướng mở rộng lên phía Bắc; khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định có mưa lớn 100-200mm, có nơi trên 400mm.

Dự báo, trong ngày 16/10 và những ngày tới, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương từ Hà Tính đến Quảng Ngãi tiếp tục triển khai Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền Trung; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, để chủ động, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó.

Các địa phương phải huy động lực lượng hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp và mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.