Mượn sức gió để bay cao hơn, đi xa hơn
Cạnh tranh trên thị trường nông sản ngày càng gay gắt hơn, không chỉ dừng lại ở giá cả, quy mô, chất lượng, mà còn thông qua hàng rào kỹ thuật, yêu cầu khắt khe về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường...
Trả lời VnEconomy về câu chuyện nông sản Việt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan không khỏi trăn trở: “Ngoài kia gió đang thổi, chúng ta mượn sức gió để đi xa, bay cao, hay chúng ta chững lại, chấp nhận để ngọn gió xô đẩy?”
Xin Bộ trưởng cho biết những vấn đề đặt ra cho phát triển nông nghiệp trong thời gian tới là gì?
Những năm qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, được xem như kỳ tích khi trở thành “trụ đỡ” mỗi khi kinh tế đất nước lâm vào khó khăn trước bối cảnh khó lường của thế giới. Tự hào về điều đó, chúng ta không quên dự báo những trở ngại, thách thức lớn trong giai đoạn mới của một thế giới luôn thay đổi, biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi đáng kể cách thức sản xuất, mô hình kinh doanh, phương thức quản lý nhà nước, sự vận hành của xã hội...
Ngọn gió thay đổi đã len lỏi vào từng mảnh ruộng, cánh đồng, khu vườn, vào từng phân xưởng, nhà máy, vào từng tổ chức, đơn vị. Sự cạnh tranh trên thị trường nông sản ngày càng gay gắt hơn, không chỉ dừng lại ở giá cả, quy mô, chất lượng, mà còn thông qua hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu khắt khe về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm bảo vệ môi trường bền vững.
Tôi thường trăn trở trước câu hỏi: ngoài kia gió đang thổi, chúng ta mượn sức gió để đi xa, bay cao, hay chúng ta chững lại, chấp nhận để ngọn gió xô đẩy?
Vậy chiến lược của ngành nông nghiệp tới đây sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Trước đây, sản xuất nông nghiệp cố gắng đạt được năng suất cao thu hoạch cao trên mỗi đơn vị diện tích đất, tạo sản lượng nhiều hơn vì chúng ta nghĩ rằng sản lượng càng nhiều thì lợi nhuận của người nông dân càng cao, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp càng lớn. Tuy nhiên, kinh tế thị trường không định nghĩa như vậy. Sản xuất ít nhưng chất lượng, giá trị cao hơn, chi phí thấp, thì vẫn có lợi nhuận cao hơn. Ví dụ như gạo ST25 so với các giống khác thì năng suất không cao bằng, nhưng giá trị của nó mang lại rất cao.
Giờ đây, chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chuyển từ “Chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “Chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”. Chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”. Chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang “tích hợp đa ngành”, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”. Chuyển từ “hỗ trợ đầu vào” sang “vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra”.
Quan điểm “nông nghiệp là một ngành kinh tế, chứ không chỉ là sản xuất đơn thuần” sẽ kích hoạt đa dạng phương thức tiếp cận mới, tích hợp giá trị cộng thêm, mở ra nhiều cơ hội phát triển.
Tôi kỳ vọng trong tương lai không xa, nông nghiệp Việt Nam sẽ tạo dựng thành công thương hiệu nông sản sạch, an toàn và chất lượng cao. Để mục tiêu này trở thành hiện thực thì nỗ lực, mong muốn đơn lẻ của một cá nhân, cho dù là người đứng đầu ngành nông nghiệp sẽ chưa đủ, mà cần sự chung tay, cam kết thực hiện của cả một hệ sinh thái, trong đó có sự tham gia của nông dân, người sản xuất, doanh nghiệp, viện, trường, nhà khoa học, kể cả truyền thông...
Theo Bộ trưởng, nông dân thời đại mới cần có những phẩm chất gì?
Người nông dân cần nhận thức rằng cuộc đời của mình là do chính mình quyết định. Muốn vậy, người nông phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì than thân, trách phận hay trông chờ ỷ lại. Nghề nông hiện nay cũng không thể làm theo quy luật thiên nhiên thuận hòa, “trông trời, trông đất, trông mây” nữa, vì nghiệp nông gia đang đối mặt với biến đổi khí hậu như thời tiết cực đoan, hiệu ứng nhà kính, suy giảm tài nguyên nước.
Để tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc thay cho gia tăng tiệm tiến về năng suất, sản lượng, người nông dân phải có tri thức tương ứng với nền kinh tế tri thức. Để tối ưu hóa cuộc sống của mình, người nông dân phải được trang bị kỹ năng thương mại, công nghệ, kỹ thuật sinh học, chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng sản xuất.
Để có thể nâng cao vị thế của mình trong xã hội, người nông dân phải thoát ra cách nghĩ chỉ biết “lấy cần cù bù thông minh”, mà phải tự tin phát triển, khẳng định bản thân, chủ động hoà nhập vào cộng đồng.
Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Nhà nước sẽ có những giải pháp nào để giúp người nông dân tiến lên, thưa Bộ trưởng?
Cả hệ thống phải có nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo, huấn luyện nông dân giai đoạn mới. Tư duy “mỗi huyện là một pháo đài”; “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” cần phải được thay đổi triệt để, vì chỉ khi liên kết với nhau, người nông dân mới không còn rơi vào thế yếu. Nhà nước cũng sẽ có những giải pháp để xây dựng “chuỗi giá trị ngành hàng”, “hệ sinh thái ngành hàng”; kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia vào các “Cụm liên kết công - nông nghiệp”. Bên cạnh đó, “dữ liệu cung - cầu nông sản” sẽ được thu thập và minh bạch tiến tới hình thành các “sàn giao dịch nông sản” dưới sự hỗ trợ của công nghệ số hóa.
Khi có dữ liệu đầy đủ, kịp thời, chuẩn xác, người cung ứng và doanh nghiệp tiêu thụ sẽ có điểm gặp nhau về số lượng, giá cả, thời điểm, phương thức thanh toán... Các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách cũng dựa trên dữ liệu này để phân tích, điều chỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất và phát triển, tác động đến thị trường một cách phù hợp, linh hoạt, kịp thời.
Được biết, Bộ trưởng vừa có tâm thư gửi tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 63 tỉnh, thành phố. Ông đã nhắn nhủ những điều gì tới cán bộ viên chức ngành nông nghiệp?
Mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới cần phải thay đổi. Đó là mô hình nông nghiệp tối ưu hóa chất lượng và giá trị gia tăng, nhờ tích hợp đa giá trị, thay cho nông nghiệp đơn giá trị, ưu tiên sản lượng, thiếu quan tâm đến yêu cầu giảm thiểu chi phí sản xuất. Đó là mô hình nông nghiệp sinh thái, có trách nhiệm trước hết với chính người sản xuất, với người tiêu dùng, với cộng đồng, với môi trường. Đó là mô hình nông nghiệp dựa trên chuyển đổi số để điều chỉnh quy trình canh tác, phương thức kinh doanh nông sản, thông suốt dòng chảy kết nối cung - cầu. Đó là mô hình nông nghiệp vừa bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu xuất khẩu, tăng trưởng, vừa trọn vẹn bổn phận đem đến bữa ăn an toàn, dinh dưỡng, ngon lành cho gần trăm triệu người dân Việt Nam.
Không có cách nào khác, chúng ta – tất cả mọi cán bộ, viên chức của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, phải vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Học hỏi từ trong sách vở cho đến thực tiễn ruộng vườn, học hỏi từ chuyên gia am tường nhiều lĩnh vực cho đến bà con nông dân giàu kinh nghiệm.
Trên thế giới, nền nông nghiệp truyền thống đã chuyển biến mạnh mẽ, không còn dừng lại ở cơ khí hóa, điện khí hóa, thuỷ lợi hóa, mà đã tiến đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp trách nhiệm...
Biết bao kiến thức mới, tư duy mới mà chúng ta phải cùng nhau tiếp cận và áp dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, để từng bước tạo ra giá trị gia tăng mang tính bền vững. Niềm tin tạo lập hành vi. Hành vi gieo nên kết quả.
Đồng thời tôi kêu gọi sự bền chí, kiên trì, đồng thuận, đồng lòng, chung tay vì một nền nông nghiệp Việt Nam không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn, mà đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.