“Mỹ đang lo Trung Quốc quay lưng trên bàn đàm phán thương mại”
Một số nhà đàm phán Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đang quay lưng lại với những đề xuất của Washington
Một số nhà đàm phán Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đang quay lưng lại với những đề xuất của Washington trong cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg, cho dù Tổng thống Donald Trump vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng đạt một thỏa thuận với Bắc Kinh.
Các quan chức Trung Quốc đang có sự thay đổi lập trường sau khi đã nhất trí với đề xuất của Mỹ về điều chỉnh chính sách sở hữu trí tuệ. Sự thay đổi này là do phía Trung Quốc chưa được chính quyền ông Trump đảm bảo chắc chắn rằng thuế quan mà Washington áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ - nguồn tin không đề nghị tiết lộ danh tính cho hay.
Nguồn tin cũng cho biết phía Trung Quốc đã rút lại những lời hứa ban đầu về bảo vệ dữ liệu ngành dược, không đưa ra chi tiết kế hoạch về cải thiện liên kết bằng sáng chế, và từ chối nhượng bộ trong vấn đề dịch vụ dữ liệu. Theo nguồn tin, Bắc Kinh còn tìm cách để đảm bảo rằng các quy định trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, nếu có, phải phù hợp với luật pháp Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Trump vẫn tỏ thái độ lạc quan. "Đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt", ông Trump nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 19/3.
Nguồn thạo tin là một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói rằng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tới Bắc Kinh trong tuần tới để đàm phán cấp cao, trong nỗ lực nhằm đạt một thỏa thuận. Nguồn tin nói kế hoạch đàm phán này đã được nhất trí trong một cuộc điện đàm vào ngày thứ Ba giữa hai ông Lighthizer và Mnuchin với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Theo dự kiến, sau khi hai quan chức cấp cao Mỹ dự đàm phán ở Bắc Kinh, ông Lưu Hạc sẽ tới Washington để tiếp tục các cuộc thảo luận.
Nguồn tin nói dù có thỏa thuận hay không, đàm phán thương mại Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ kết thúc sau vài tuần nữa.
Ông Trump được cho là đang hối thúc các nhà đàm phán Mỹ sớm đi đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, bởi điều đó có thể giúp ông gia tăng khả năng tái đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm 2020. Gần đây, ông luôn nói đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra tốt đẹp. Đầu tháng này, ông cũng nói rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ "tăng điểm rất mạnh" ngay khi có thỏa thuận.
Tuy nhiên, mấy tuần gần đây, thời hạn dự kiến ký thỏa thuận thương mại giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị đẩy lùi, và ông Lighthizer tỏ ý thận trọng khi nói rằng giữa hai bên vẫn còn những vướng mắc lớn.
Phía Mỹ đã nói rằng một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nhất định phải giải quyết được vấn đề mà Washington cho là Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại và tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ, cho dù Bắc Kinh có hứa mua thêm bao nhiêu hàng hóa và dịch vụ Mỹ.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ông Trump nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng dành cho lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Các nhân vật cấp cao của Đảng Dân chủ luôn kêu gọi ông Trump giữ vững lập trường và cố gắng đạt một thỏa thuận chắc chắn, lâu dài với Trung Quốc, thay vì gấp rút đi đến một thỏa thuận hời hợt.
Về phần mình, ông Trump vẫn giữ nguyên lời cảnh báo rút khỏi đàm phán với Trung Quốc. Sau khi rút khỏi hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội hồi tháng 2, ông Trump nhấn mạnh rằng ông sẵn sàng làm điều tương tự trong một cuộc gặp với ông Tập nếu ông không cảm thấy thỏa mãn với các điều khoản trong thỏa thuận.