09:13 10/01/2013

Mỹ đúc tiền xu nghìn tỷ USD, chuyện xa vời?

Hải Yến

Thư ký báo chí Nhà Trắng đã cười lớn nhưng cũng không hoàn toàn bác bỏ ý tưởng đúc tiền xu bạch kim

Thậm chí có nhà phân tích còn nhận định, nếu bị đảng Cộng hòa o ép, Tổng
 thống Mỹ chỉ cần đúc loại tiền xu bạch kim để trả nợ là thành công <i>- Ảnh minh họa</i>.
Thậm chí có nhà phân tích còn nhận định, nếu bị đảng Cộng hòa o ép, Tổng thống Mỹ chỉ cần đúc loại tiền xu bạch kim để trả nợ là thành công <i>- Ảnh minh họa</i>.
Nước Mỹ vừa bước qua vực thẳm ngân sách nhờ đưa ra được một dự luật vào phút chót, thì lại chuẩn bị tiến vào một cuộc chiến căng thẳng khác, đó là trần nợ. Và cũng từ đây, vô số ý tưởng đặc biệt đã nảy sinh.

Một trong số đó là đề xuất của Hạ nghị sỹ New York Jerrold Nadler. Ông Nadler đã gợi ý Bộ Tài chính Mỹ cho đúc đồng tiền xu mệnh giá 1.000 tỷ USD và gửi vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để trả bớt nợ. "Tôi rất nghiêm túc, nghe thì có vẻ ngớ ngẩn nhưng đó là việc làm hợp pháp", ông phát biểu hôm 2/1.

Ý tưởng của ông Nadler trên thực tế đã khiến được nhiều người để ý và bàn tán ở trong và ngoài nghị viện Mỹ. Theo tính toán của giới phân tích, nợ công của nước này tính tới ngày 31/12/2012 đã chạm ngưỡng 16.400 tỷ USD. Nếu không được giải quyết, Mỹ sẽ vỡ nợ và tác động mạnh tới thị trường tài chính toàn cầu.

"Bạn sẽ thấy điều này là bình thường nếu đặt trong tình cảnh kinh tế Mỹ có nguy cơ bị hủy hoại như hiện nay", Hạ nghị sỹ Nadler khẳng định.

Theo dự đoán của Trung tâm chính sách lưỡng đảng, nợ công của Mỹ có thể chạm trần vào ngày 15/2 tới thay vì cuối tháng 3 như ước tính ban đầu của Bộ Tài chính bất chấp biện pháp bổ sung ngân sách 200 tỷ USD. Khi đó Chính phủ Mỹ sẽ buộc phải lựa chọn trả khoản nợ đáo hạn nào đó trước để tránh vỡ nợ.

Đề xuất của ông Nadler vốn xuất phát từ một điều luật của Mỹ cho phép Bộ Tài chính nước này đúc tiền xu bạch kim với mọi mệnh giá, từ đó giúp chính phủ tiếp tục chi tiêu kể cả khi không được phát hành thêm trái phiếu. Do vậy, ý tưởng đồng xu 1.000 tỷ USD tuy kỳ lạ mà không lập tức rơi tõm vào lãng quên.

Thậm chí, đề xuất này còn được đưa lên trên trang web của Nhà Trắng để thăm dò ý kiến. Theo quy định của luật pháp Mỹ, nếu có được 25.000 ý kiến ủng hộ, đề xuất của ông Nadler sẽ được Nhà Trắng cân nhắc tới.

Những người ủng hộ cho rằng, đây là cách thức duy nhất có thể giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể cắt giảm chi phí an sinh xã hội và các chương trình bảo hiểm khác. Thậm chí có nhà phân tích còn nhận định, nếu bị đảng Cộng hòa o ép, Tổng thống Mỹ chỉ cần đúc loại tiền xu bạch kim để trả nợ là thành công.

Ngay như chuyên gia kinh tế nổi tiếng Paul Krugman cũng ủng hộ ý tưởng này. Theo ông, Bộ Tài chính Mỹ có thể tận dụng kẽ hở để cho phép đúc đồng xu với bất kỳ mệnh giá nào. Với việc đúc loại xu 1.000 tỷ USD, Chính phủ Mỹ sẽ không phải lo trần nợ công và đồng tiền này khi lưu thông cũng không gây lạm phát.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của ý tưởng trên. Một số người cho rằng, điều luật của Mỹ đặt ra là để chính phủ đúc tiền kỷ niệm, chứ không phải tiền chi tiêu cho hoạt động thường ngày. Một số khác lại lo nếu việc này nếu trở thành hiện thực sẽ gây ra những tranh chấp pháp lý không cần thiết.

Hôm qua (9/1), Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jay Carney đã cười lớn khi ông được hỏi về ý tưởng đúc đồng tiền xu 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, ông cũng không hoàn toàn bác bỏ ý tưởng của Hạ nghị sỹ Jerrold Nadler. Theo Carney, sự chọn lựa duy nhất là Quốc hội Mỹ làm việc của mình và nâng giới hạn trần nợ.

Thư ký báo chí Carney cho hay, Nhà Trắng sẽ không loại trừ bất cứ khả năng nào ngoại trừ việc sử dụng điều khoản 14 trong Hiến pháp về quyền nâng trần nợ công của tổng thống. Ông cũng khẳng định lại rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ không đàm phán với quốc hội nước này về vấn đề nâng trần nợ công.