18:41 16/01/2010

Mỹ lên kế hoạch mạnh tay đánh thuế Phố Wall

Mai Phương

Tổng thống Obama đề xuất một kế hoạch trong đó buộc các ngân hàng lớn phải nộp thuế một số tiền có thể lên tới 117 tỷ USD

Theo giới phân tích, ông Obama và đảng Dân chủ của ông đang xem việc đưa ra những chính sách cứng rắn đối với Phố Wall là một biện pháp nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri trong năm bầu cử quốc hội này tại Mỹ - Ảnh: Getty Images.
Theo giới phân tích, ông Obama và đảng Dân chủ của ông đang xem việc đưa ra những chính sách cứng rắn đối với Phố Wall là một biện pháp nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri trong năm bầu cử quốc hội này tại Mỹ - Ảnh: Getty Images.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đề xuất một kế hoạch trong đó buộc các ngân hàng lớn phải nộp khoản thuế có thể lên tới 117 tỷ USD coi như tiền phí cho những khoản cứu trợ trong thời gian khủng hoảng.

Ông Obama còn chỉ trích mạnh mẽ các ngân hàng “bỏ túi những khoản lợi nhuận và chi thưởng không tiếc tay” trong khi phải sống dựa vào tiền thuế của dân.

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã đưa ra đề xuất thu thuế trên nhằm “thu hồi tới đồng xu cuối cùng” trong số tiền mà Chính phủ nước này đã chi ra để giải cứu ngành tài chính. “Quyết tâm đạt được mục tiêu này của tôi tăng cao khi tôi đọc những bài báo về những khoản lợi nhuận và tiền thưởng khổng lồ tại những ngân hàng lẽ ra đã không còn tồn tại nếu không nhờ người dân Mỹ”, ông Obama nói.

Theo giới phân tích, ông Obama và đảng Dân chủ của ông đang xem việc đưa ra những chính sách cứng rắn đối với Phố Wall là một biện pháp nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri trong năm bầu cử quốc hội này tại Mỹ. Từng gọi các giám đốc ngành tài chính là “mèo béo” vì những khoản thưởng kếch xù của ngành này, ông Obama đang tỏ thái độ ngày càng cứng rắn với Phố Wall.

Ngoài ra, số phí dự kiến nêu trên cũng được cho là nhằm mục đích giảm thâm hụt ngân sách đang phình to của Mỹ. Các nhà làm luật thuộc đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ ra dấu cho biết, họ sẽ tìm cách để dự luật này được nhanh chóng thông qua.

Trong khi đó, phía đảng Cộng hòa có thể tìm cách ngăn chặn dự luật này. Một số nghị sỹ Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích rằng, khi bị đánh thuế như vậy, các ngân hàng sẽ tìm cách đẩy khoản thuế này sang cho các doanh nghiệp nhỏ và các khách hàng gửi tiết kiệm gánh chịu, gây thêm khó khăn cho nền kinh tế Mỹ.

Theo kế hoạch mà ông Obama trình bày, việc đánh thuế các ngân hàng là để bù đắp những thiệt hại trong chương trình giải cứu tài chính trị giá 700 tỷ USD được gọi là Chương trình Giải trừ nợ xấu (TARP) của Chính phủ Mỹ dành cho các định chế tài chính lớn. Tổng thống Mỹ đề xuất, mức thuế 0,15% sẽ được đánh vào bảng cân đối kế toán của các ngân hàng với tài sản vượt mức 50 tỷ USD.

Chính quyền Tổng thống Obama dự kiến sẽ thu được 90 tỷ USD trong 10 năm đầu tiên, và dự báo sẽ đến lúc họ hoàn vốn toàn bộ số tiền đã chi cho TARP. Hiện tại, mức thua lỗ của chương trình này được ước tính ở mức 117 tỷ USD.

Chi tiết cụ thể hơn về kế hoạch này sẽ được Tổng thống Obama đưa ra khi ông trình bày kế hoạch ngân sách năm tài khóa 2011 vào tháng 2 tới. Sau đó, Quốc hội sẽ làm việc về dự luật này. Các tập đoàn nhận tiền cứu trợ nhưng không bị liệt vào danh sách chịu thuế theo kế hoạch của ông Obama bao gồm hãng bảo hiểm AIG, hai tập đoàn cho vay địa ốc Fannie Mae và Freddie Mac, cùng với hai hãng xe GM và Chrysler.

Theo giới phân tích, nếu được áp dụng, chương trình đánh thuế này sẽ có ảnh hưởng nặng nề tới các “đại gia” như Goldman Sachs hay Morgan Stanley. Một số chuyên gia cho rằng, lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu của Goldman và Morgan Stanley sẽ lần lượt bị “gọt” mất 10% và 19% trong năm 2011 nếu bị đánh thuế.

Từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Obama chịu nhiều lời chỉ trích vì ủng hộ chương trình TARP vốn đã có từ thời cựu Tổng thống George W. Bush. Chương trình này được tung ra sau khi vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi tháng 9/2009 khiến hệ thống tài chính toàn cầu rung chuyển.

Giống như người tiền nhiệm Bush, ông Obama khẳng định chương trình này là cần thiết để ngăn chặn thảm họa xảy ra trong nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, TARP đã không đủ sức ngăn kinh tế Mỹ rơi vào thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất từ Đại suy thoái 1930, với tỷ lệ thất nghiệp vượt mức 10%, cao nhất trong 26 năm qua.

Trong khi đó, Phố Wall đã có sự phục hồi khá nhanh chóng và tiếp tục gặt hái lợi nhuận lớn. Điều này giúp các ngân hàng trước đây nhận tiền cứu trợ trả được tiền cho Chính phủ, đồng thời trả thưởng lớn cho nhân viên và lãnh đạo.

(Theo Reuters)