Mỹ-Nhật đạt thoả thuận dỡ bỏ thuế quan thép có từ thời ông Trump
Mỹ và Nhật Bản đạt một thoả thuận cho phép hầu hết các lô thép mà Nhật xuất khẩu sang Mỹ sẽ được hưởng thuế quan bằng 0 lần đầu tiên kể từ năm 2018...
Cùng với đó, hai nước cũng cam kết hợp tác để chống lại những hành vi thương mại của Trung Quốc mà họ cho là gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp thép.
Phát biểu trước báo giới ngày 7/2, quan chức từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết Washington sẽ ngừng thuế quan 25% đối với lượng thép lên tới 1,25 triệu tấn nhập khẩu từ Nhật Bản trong năm nay. Lượng thép nhập khẩu vượt ngưỡng này vẫn sẽ bị áp thuế quan bổ sung. Thoả thuận sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4 – hãng tin Bloomberg đưa tin.
Năm 2017, năm gần đây nhất Mỹ chưa áp thuế quan lên thép Nhật, Mỹ nhập khẩu khoảng 1,7 triệu tấn thép từ Nhật. Năm 2019, sau khi có thuế quan, nhập khẩu thép từ Nhật vào Mỹ giảm còn 1,1 triệu tấn – theo dữ liệu từ DOC.
Thoả thuận trên tương tự như thoả thuận mà Mỹ đạt được với Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10 năm ngoái chấm dứt các biện pháp trừng phạt mà hai bờ Đại Tây Dương áp lên khoảng 10 tỷ USD hàng hoá của nhau.
“Tuyên bố ngày hôm nay là một bước tiến nữa sau thoả thuận mà chúng tôi đạt được với EU, tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng lại mối quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh trên thế giới, trong bối cảnh chúng ta nỗ lực chống lại các hành vi thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói trong một tuyên bố.
Giới chức Mỹ cho biết nước này và EU muốn nâng thoả thuận của họ thành một thoả thuận có phạm vi toàn cầu để giải quyết tình trạng thừa mứa công suất ngành thép không do yếu tố thị trường và trừng phạt các quốc gia không đáp ứng các mục tiêu về giảm khí thải carbon trong sản xuất thép và nhôm. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng nói rằng Nhật Bản trước mắt sẽ chưa tham gia vào tiến trình này.
Thay vào đó, Mỹ và Nhật Bản sẽ tập trung vào các biện pháp trong nước, bao gồm tính toán mức phát thải carbon của các nhà máy thép và nhôm. Nhật cũng muốn tập trung cuộc đàm phán với Mỹ vào thép, nên xuất khẩu nhôm của nước này sang Mỹ vẫn sẽ chịu mức thuế quan 10%.
Mâu thuẫn về thép và nhôm giữa Mỹ và Nhật Bản bùng lên vào năm 2018, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump áp thuế quan lên thép và nhôm từ loạt đối tác thương mại lớn nhất của nước này, bao gồm EU và Nhật Bản, trên cơ sở rủi ro đối với an ninh quốc gia.
EU sau đó đã trả đũa thuế thép và nhôm của Mỹ bằng cách nhằm vào những sản phẩm mang tính biểu tượng của Mỹ như xe mô-tô Harley-Davidson, quần jeans Levi’s và rượu whiskey ngô. Nhưng Nhật Bản không trả đũa Mỹ như vậy, mà thay vào đó tập trung đàm phán một thoả thuận thương mại với Washington để giải quyết bất đồng xung quanh một số sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.
Khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền vào năm 2020, Mỹ vẫn tiếp tục áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản. Nguồn tin là quan chức Mỹ cho biết vào tháng 12/2021, Mỹ đưa ra một đề xuất với Nhật nhằm giải quyết mâu thuẫn về thép, nhưng Tokyo cố gắng đạt một thoả thuận tốt hơn và muốn thuế quan này được dỡ bỏ hoàn toàn.
Về khối lượng, Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng thép nhập khẩu vào Mỹ và khoảng 1% tổng lượng thép được tiêu thụ ở Mỹ - theo DOC. Tuy nhiên, Nhật Bản được xem là một “quân bài domino” nữa đổ xuống khi tất cả các quốc gia đồng minh khác của Mỹ lần lượt được hưởng lại chế độ tự do thuế quan khi xuất khẩu thép sang Mỹ. Điều này khiến các nhà sản xuất thép Mỹ cảm thấy bất an vì nhập khẩu thép ngoại vào nước này có thể tăng mạnh.
Các hãng thép Mỹ cũng cảnh báo rằng các nước được Mỹ miễn thuế thép có thể trở thành “điểm trung chuyển” cho thép đến từ các quốc gia như Trung Quốc. Họ lo ngại rằng châu Âu và Nhật Bản có thể “vô thức” nhập khẩu thép từ các nước bị Mỹ áp thuế quan thép, rồi xuất khẩu sang Mỹ, khiến thị trường Mỹ rơi vào cảnh tràn ngập thép.
Giới chức Mỹ nói rằng toàn bộ thép từ Nhật được hưởng tự do thuế quan khi vào Mỹ đều phải được nung và rót tại Nhật. Biện pháp này nhằm ngăn chặn thép “đi vòng” từ quốc gia khác sử dụng Nhật như một điểm trung chuyển.
Sau khi đạt thoả thuận thép với EU vào tháng 10, chính quyền ông Biden tiếp tục đàm phán thoả thuận thép với các đồng minh khác, và thoả thuận mới nhất đạt được chính là thoả thuận với Nhật Bản. Tháng trước, Mỹ và Anh bắt đầu đàm phán để giải quyết vấn đề thuế thép và nhôm, cùng vấn đề dư thừa công suất ngành thép và nhôm toàn cầu.