Mỹ “nước đôi” trước thềm đàm phán thương mại với Trung Quốc
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói Mỹ và Trung Quốc còn “cách rất xa” một thỏa thuận
Mỹ và Trung Quốc còn "cách rất xa" một thỏa thuận có thể giải quyết các vấn đề thương mại, nhưng hai nước vẫn có cơ hội tốt để đạt một thỏa thuận như vậy - Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu ngày 24/1.
Trong khi đó, các quan chức cấp cao khác của Mỹ tỏ ra lạc quan hơn.
Trao đổi với hãng tin CNBC, ông Ross nói rằng một đoàn quan chức Trung Quốc gồm 30 người sẽ tới Washington vào tuần tới để đàm phán. Hai bên đang cố gắng đi đến một thỏa thuận thương mại trước ngày 2/3. Tuy nhiên, vị Bộ trưởng Mỹ đã đưa ra tuyên bố kiềm chế những kỳ vọng về vòng đàm phán cấp cao sắp tới.
"Sẽ có một đoàn quan chức rất lớn đến đây. Công tác chuẩn bị đã được thực hiện tốt, nhưng chúng tôi vẫn còn cách rất xa mới đến được chỗ đạt một giải pháp. Thực lòng mà nói, điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên", ông Ross nói.
"Thương mại là một lĩnh vực rất phức tạp, có rất nhiều vấn đề, không chỉ là chuyện bao nhiêu đậu tương hay bao nhiêu khí đốt".
Theo ông Ross, điều quan trọng hơn các mặt hàng cụ thể là những cải cách cơ cấu mà Washington tin là cần phải được thực hiện trong nền kinh tế Trung Quốc, cũng như các cơ chế đảm bảo thực thi cam kết và chế tài nếu các bên không làm đung những gì đã hứa.
Ông Ross nói nhiều khả năng hai bên sẽ không giải quyết được tranh chấp trong cuộc gặp vào tuần tới, nhưng "tôi nghĩ vẫn có cơ hội tốt để chúng tôi đạt một thỏa thuận" sau đó.
Khác với Bộ trưởng Ross, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tỏ ra lạc quan hơn. Theo hãng tin Reuters, phát biểu hôm thứ Năm, ông Mnuchin nói Mỹ và Trung Quốc "đang có nhiều tiến bộ" trong đàm phán, nhưng không nói rõ đó là những bước tiến như thế nào.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng thể hiện thái độ lạc quan. "Tôi cho rằng vòng đàm phán với ông Lưu Hạc sẽ có ý nghĩa quyết định", ông Kudlow nói với Fox News.
Nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận trước ngày 2/3, Mỹ sẽ tăng thuế bổ sung áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ mức 10% hiện nay.
Các yêu cầu chủ chốt hiện nay của Mỹ đối với Trung Quốc bao gồm tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ Mỹ, cắt giảm trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước, và mở rộng cửa thị trường hơn nữa cho các công ty Mỹ.
Bắc Kinh đến nay chưa có sự nhượng bộ nào trước các yêu cầu này của Mỹ, mà thay vào đó chỉ đề xuất tăng mua hàng hóa Mỹ như đậu tương, khí đốt… nhằm giảm mất cân đối thương mại giữa hai nước.
Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tới sẽ diễn ra vào ngày 30-31/1.
"Tại cuộc đàm phán cấp cao sắp tới, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận sâu về các vấn đề kinh tế thương mại mà cả hai bên cùng quan tâm", phát ngôn viên Gao Feng của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết ngày 24/1.