Mỹ-Trung kết thúc đàm phán: Lạc quan, nhưng phải chờ tuyên bố
Một tuyên bố về kết quả đàm phán sẽ sớm được công bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói
Sau một ngày họp thêm, vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã chính thức kết thúc, và một tuyên bố về kết quả đàm phán sẽ sớm được công bố - hãng tin Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 9/1.
"Việc đàm phán kéo dài thêm một ngày cho thấy cả hai bên đều nghiêm túc trong lần đàm phán này", phát ngôn viên Lu Kang nhấn mạnh.
"Một kết quả tốt sẽ không chỉ mang lại lợi cho Trung Quốc và Mỹ. Tôi tin rằng đó cũng sẽ là tin tốt cho nền kinh tế thế giới", ông Lu phát biểu.
Vòng đàm phán cấp thứ trưởng này là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của quan chức hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí "đình chiến" thương mại trong 90 ngày khi hai nhà lãnh đạo gặp thượng đỉnh ở Argentina hồi đầu tháng 12.
Theo kế hoạch ban đầu, đàm phán sẽ diễn ra trong hai ngày 7-8/1, nhưng sau đó được kéo dài thêm một ngày.
Trước cuộc gặp, Trung Quốc đã có một số động thái nhượng bộ Mỹ, bao gồm tạm thời dỡ thuế quan trả đũa áp lên xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, nối lại nhập khẩu đậu tương Mỹ, hứa sẽ mở rộng cửa hơn cho đầu tư nước ngoài, và soạn thảo một dự luật về ngăn chặn ép buộc chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, giới thạo tin tiết lộ với Reuters rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều bất đồng về các cải cách cơ cấu mà chính quyền ông Trump muốn Bắc Kinh thực thi, bao gồm chấm dứt các hoạt động mà Washington cho là đánh cắp tài sản trí tuệ và ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ, cũng như làm thế nào Trung Quốc giữ đúng lời hứa trong các vấn đề này.
Nếu không có thỏa thuận nào trước hạn chót 1/3, thì Mỹ sẽ nâng thuế quan bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ 10% hiện nay, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc mạnh.
Đầu giờ chiều ngày 9/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Ted McKinney, một thành viên của đoàn đàm phán Mỹ đến Bắc Kinh, nói rằng các quan chức Mỹ đã có "vài ngày tốt đẹp" trong chuyến đi này.
"Tôi cho rằng đàm phán diễn ra tốt đẹp. Đối với chúng tôi, đây là một vòng đàm phán tốt", ông McKinney nói.
Trước đó, vào ngày 8/1, ông Trump viết ngắn gọn trên mạng xã hội Twitter: "Đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt đẹp!".
Trong một bài báo đăng ngày 9/1, tờ Trung Quốc Nhật báo nói nước này muốn chấm dứt mâu thuẫn thương mại với Mỹ, nhưng sẽ không có "những nhượng bộ vô lý" và bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai nước cũng phải bao gồm nhượng bộ của cả hai phía.
Trong một động thái được xem là bày tỏ thiện chí, Trung Quốc ngày 8/1 đã cấp phép nhập khẩu được mong chờ từ lâu đối với 5 sản phẩm biến đối gen từ Mỹ. Việc cấp phép này sẽ đẩy mạnh việc Trung Quốc nhập ngũ cốc từ Mỹ, khuyến khích nông dân Mỹ trồng các nông sản này trong vụ tới.
Trước đó, vào hôm thứ Hai, Trung Quốc mua thêm một lô đậu tương lớn của Mỹ, đánh dấu đợt mua thứ ba trong vòng một tháng trở lại đây.
Một tín hiệu tốt khác là Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông Tập và là nhà đàm phán thương mại số 1 của nước này, đã ghé vào phòng đàm phán vào hôm thứ Hai để chào các quan chức Mỹ.