Mỹ-Trung tố nhau “đạo đức giả” ở WTO
Mỹ và Trung Quốc ngày 21/11 lại đụng độ “nảy lửa” trong một cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO
Mỹ và Trung Quốc ngày 21/11 lại đụng độ "nảy lửa" trong một cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó quan chức Mỹ cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng WTO để theo đuổi những chính sách "phi thị trường", còn quan chức Trung Quốc nói chính Washington mới là bên không tuân thủ luật lệ.
Năm nay, Tổng thống Donald Trump đã dựng hàng rào thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu, với lý do an ninh quốc gia, đồng thời áp thuế bổ sung mạnh tay lên 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, dựa trên cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Hãng tin Reuters cho biết, cuộc họp ngày thứ Tư của WTO được tổ chức nhằm đưa một loạt tranh chấp pháp lý liên quan đến chính sách thương mại của ông Trump bước vào giai đoạn xét xử chính thức. Tại cuộc họp, đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea nói Trung Quốc lợi dụng WTO để thúc đẩy các chính sách "phi thị trường" gây góp méo thị trường thế giới và dẫn tới tình trạng dư thừa công suất nghiêm trọng, nhất là về thép và nhôm.
Đáp trả cáo buộc của Mỹ, đại diện của Trung Quốc nói Bắc Kinh không muốn "chơi trò đổ lỗi" và cho rằng Mỹ không đưa ra được bằng chứng cho cáo buộc "vô căn cứ" về kinh tế Trung Quốc, rằng Washington đang dùng những cáo buộc đó để che đậy việc chính Mỹ vi phạm các quy định của WTO.
Cả hai bên cùng cáo buộc nhau "đạo đức giả".
Ông Shea nói WTO nên bãi bỏ một vụ kiện do Trung Quốc khởi xướng, cùng với các vụ kiện khác được khởi xướng bởi Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico, Na Uy, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ vì các quy định của WTO cho phép trường hợp ngoại lệ để một quốc gia có thể có hành động về thương mại vì lý do an ninh quốc gia.
"Một số thành viên WTO đã bày tỏ lo ngại rằng việc sử dụng quy định ngoại lệ vì lý do an ninh quốc gia trong trường hợp này sẽ làm suy yếu hệ thống thương mại quốc tế. Điều này là sai và hoàn toàn lạc hậu", ông Shea nói.
"Thay vào đó, điều đe dọa hệ thống thương mại quốc tế chính là việc Trung Quốc ra sức sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO để ngăn hành động của bất kỳ quốc gia thành viên nào nhằm xử lý các chính sách bất bình đẳng và gây bóp méo thương mại của Trung Quốc".
Đối mặt với loạt đơn kiện ở WTO, Mỹ cũng khởi kiện để chống lại các biện pháp trả đũa thương mại của Canada, Mexico, Trung Quốc và EU - những đối tác cho rằng thuế quan kim loại của ông Trump chính là một sự thể hiện của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mà Washington theo đuổi.
"Mỹ không thể chấp nhận sự đạo đức giả tới cấp độ này", một quan chức thứ hai của Mỹ nói tại cuộc họp.
Đáp trả những cáo buộc của Mỹ về sở hữu trí tuệ, đại diện của Trung Quốc nhấn mạnh việc trong sổ sách của WTO vẫn còn nhiều tranh chấp chưa được giải quyết, bao gồm một phán quyết vào năm 2004 đối với vi phạm của Mỹ đối với thỏa thuận của WTO về thương mại liên quan đến các khía cạnh của sở hữu trí tuệ (TRIPS).
Ngoài ra, theo vị quan chức Trung Quốc, Mỹ đang cho rằng luật bảo vệ sở hữu trí tuệ của Mỹ là siêu cấp. "Việc tự nhận đó thiếu độ tin cậy, bởi sự thật đơn giản là Mỹ đã cố tình trì hoãn thực thi phán quyết trên suốt hơn 14 năm qua", đại diện từ Bắc Kinh phát biểu.
"Trung Quốc đã tuân thủ đầy đủ thỏa thuận TRIPS, còn Mỹ thì không. Và chúng tôi tin rằng chừng nào Mỹ còn chưa tuân thủ hoàn toàn các nghĩa vụ TRIPS, thì sự so sánh mà Mỹ đưa ra chắc chắn không có một quy chuẩn pháp lý nào".
Vị quan chức Trung Quốc cũng nói Mỹ không thể đưa ra được bằng chứng cho những tuyên bố "vô căn cứ" của Mỹ về nền kinh tế Trung Quốc, và chỉ sử dụng những cáo buộc đó để che đậy chính những vi phạm của Mỹ đối với các quy định trong WTO. "Tuyên bố của Mỹ sặc mùi đạo đức giả", vị này nói.