18:20 22/01/2019

Mỹ vẫn muốn dẫn độ Giám đốc Huawei, dù đàm phán thương mại tiến triển

Bình Minh

Vụ Giám đốc Huawei có thể chưa được giải quyết thông qua cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vốn có những dấu hiệu tích cực gần đây

Bà Mạnh Vãn Châu hiện đang tại ngoại ở Vancouver, Canada - Ảnh: Bloomberg.
Bà Mạnh Vãn Châu hiện đang tại ngoại ở Vancouver, Canada - Ảnh: Bloomberg.

Mỹ phát tín hiệu sẽ tiếp tục tìm cách dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei - đại sứ Canada tại Washington cho hay. Tiết lộ này cho thấy vụ bắt bà Mạnh có thể chưa được giải quyết thông qua cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vốn có những dấu hiệu tích cực gần đây.

Trong một bức email gửi hãng tin Bloomberg ngày 21/1, đại sứ David MacNaughton xác nhận rằng giới chức Mỹ thể hiện ý định tiếp tục các thủ tục pháp lý nhằm vào bà Mạnh, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi.

Trước đó, tờ báo Globe and Mail của Canada dẫn lời ông MacNaughton nói rằng Mỹ đã thông báo cho Chính phủ Canada về kế hoạch gửi đề nghị chính thức về dẫn độ bà Mạnh trước thời hạn 30/1.

Bà Mạnh bị nhà chức trách Canada bắt giữ tại Vancouver hôm 1/12 theo đề nghị của phía Mỹ. Washington cáo buộc vị doanh nhân Trung Quốc này lừa gạt nhiều ngân hàng khiến các định chế tài chính này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bà Mạnh đã phủ nhận các cáo buộc đó và hiện đang tại ngoại ở Vancouver, chờ các phiên điều trần tiếp theo ở tòa án.

Vụ bắt bà Mạnh, và tiếp theo đó là việc Trung Quốc bắt một số công dân Canada, đã thổi bùng căng thẳng ngoại giao giữa Ottawa và Bắc Kinh. Mâu thuẫn càng phức tạp hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/12 nói với hãng tin Reuters rằng ông sẽ can thiệp vào vụ bà Mạnh nếu ông cho rằng việc đó là cần thiết để đi đến một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.

Hạn chót mà Mỹ dự kiến đưa đề nghị chính thức về dẫn độ bà Mạnh rơi vào cùng ngành Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Washington để đàm phán thương mại với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Huawei là một mối lo chính trong nỗ lực của Mỹ về bảo vệ tài sản trí tuệ và hệ thống dữ liệu nhạy cảm của nước này.

Tuy nhiên, các công dân Canada ở Mỹ mới là đối tượng gặp nhiều trở ngại nhất kể từ khi CFO Huawei bị bắt. Hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor đã bị Trung Quốc bắt với cáo buộc có các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia. Một công dân Canada khác là Robert Schellenberg thì bị tòa án Trung Quốc nâng hình phạt từ 15 năm tù giam lên tử hình vì tội danh buôn lậu ma túy.

Ông MacNaughton nói với Globe and Mail rằng ông đã bày tỏ với chính quyền ông Trump sự bất bình của Canada trong vụ bắt bà Mạnh Vãn Châu. "Chúng tôi không muốn chứng kiến cảnh chính công dân của nước mình bị trừng phạt", vị đại sứ nói.