Nâng cao chất lượng dạy- học, đầu tư chuyển đổi số trong giáo dục tại Bắc Giang
Đến nay, hệ thống giáo dục của tỉnh đã được phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh, chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các bậc học không ngừng được nâng lên.
Ngày 16/1, tỉnh Bắc Giang tổ chức kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hiện toàn tỉnh có 760 cơ sở giáo dục; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 93,1%; 710/760 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Bên cạnh đó, công tác quản lý giáo dục cũng có nhiều đổi mới, năng động và sáng tạo.
Chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các bậc học không ngừng được nâng lên. Số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, THPT hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm học 2021- 2022, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,42%, điểm bình quân các môn thi xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm học trước.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đã ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng Trường THPT Chuyên Bắc Giang và các trường THCS chất lượng cao tại 10 huyện, thành phố nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi. Từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh đã có 1.242 giải học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia; 4 Huy chương quốc tế; 2 Huy chương châu Á; 1 Huy chương châu Âu.
Trong năm 2022, toàn ngành đạt 274 giải quốc gia, trong đó có 66 giải học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia (xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về số lượng giải và là năm có số giải cao nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay); 2 giải khoa học kỹ thuật (xếp thứ 4 toàn quốc); 1 giải tại cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo" (xếp thứ 4 toàn quốc).
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang là một trong 8 đơn vị vinh dự được nhận Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tại Quyết định số 3541 ngày 2/11). Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 8 sở Giáo dục và Đào tạo dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2021-2022 gồm các Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Bắc Giang, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang.
Đây là 8 đơn vị xuất sắc, tiêu biểu nhất được bình chọn từ 8 Cụm thi đua theo sự phân chia cụm thi đua năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong 40 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đã được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh khen thưởng; Chủ tịch nước đã tặng thưởng cho Sở Giáo dục và Đào tạo 3 Huân chương Lao động và 2 Huân chương Độc lập; phong tặng 3 Nhà giáo Nhân dân, 93 Nhà giáo Ưu tú.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chúc mừng, gửi lời tri ân đến các thế hệ thầy, cô giáo và đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành giáo dục trong phát triển của tỉnh nhà. Trong những năm qua tỉnh Bắc Giang đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục.
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và dành các nguồn lực ưu tiên phát triển đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức ngành giáo dục và đào tạo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, nỗ lực qua vượt qua khó khăn để tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới sáng tạo trong dạy và học, góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Với những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị trong thời gian tới, ngành giáo dục của tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết, đề án của các cấp ủy đảng, chính quyền, chủ động quán triệt các chủ trương, chính sách của ngành nhằm đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Đẩy mạnh thi đua đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Trong đó tập trung đầu tư vào chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đội ngũ, cải thiện hiệu quả giảng dạy ngoại ngữ để phát triển và hội nhập sâu, rộng; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, tạo cơ hội và động lực cho thầy, cô giáo phấn đấu và có nhiều cống hiến cho ngành, cho đất nước.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tạo bước đột phá trong đổi mới quản trị nhà trường…