Nâng cao chất lượng hàng Việt thông qua chuỗi cung ứng
"Hàng Việt chinh phục người Việt" là hoàn toàn phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tầm nhìn dài hạn và có trách nhiệm. Do đó, giải pháp trọng tâm mà Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hết sức quan tâm là xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững, theo hướng hiện đại - minh bạch - an toàn - hiệu quả...
Số liệu khảo sát những nǎm gần đây cho thấy, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tǎng lên mạnh mẽ. Nếu năm 2018 có 72,66% người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa trong nước thì đến nǎm 2022 tỷ lệ này đã tăng lên 85,06%.
Tại các hệ thống siêu thị của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hay tại các kênh phân phối khác như: chợ, cửa hàng tiện lợi... hàng Việt đều chiếm tỷ lệ từ 80% trở lên. Điều này cho thấy người dân ngày càng tin tưởng và đã chủ động tiếp cận - sử dụng hàng Việt.
NÓI KHÔNG VỚI VI PHẠM CHẤT LƯỢNG
Ngày 08/3/2024, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP.HCM đã tổ chức hội nghị “Kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam”.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP.HCM, cho biết trong 02 tháng đầu năm 2024, kinh tế TP.HCM tiếp tục đà phục hồi, có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi chỉ số sản xuất công nghiệp( IIP) tăng 4,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 11,6%.
Đặc biệt, tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 14,8%... Trong đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục hướng đến sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; đã phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt, xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam.
“Cuộc vận động đã gắn với nhiều chương trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, tạo sức lan tỏa lớn, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt, phát huy được sức mạnh nội lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế thành phố”, bà Yến nói.
Bà Yến nhìn nhận, hiện nay nhiều hệ thống phân phối xem vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng hàng hóa là yếu tố sống còn. Đây là điều rất đáng mừng, cũng là điều kiện cần để Ban Chỉ đạo đề ra Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá, cùng xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử, cùng hành động, cùng nói không đối với nhà cung cấp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó, các chương trình tạo sức răn đe tổng hợp, định hướng chuỗi cung ứng phát triển lành mạnh, an toàn và có trách nhiệm.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, bên cạnh những sản phẩm của người Việt sản xuất có chất lượng tốt, xuất khẩu đi nhiều nước, vẫn còn có nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng.
“Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn gặp những hạt sạn về hàng hóa trong nước. Lâu lâu, lại có bài báo đưa tin về thực phẩm bẩn, rau bẩn. Thử nghĩ một ngày nếu chúng ta, con em chúng ta sử dụng trúng những thực phẩm đó thì sao?”, ông Phương đặt vấn đề.
Ông Phương cho rằng cần có chế tài chặt chẽ để nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp. Những thỏa thuận, cam kết giữa các nhà cung cấp sẽ bước đầu đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất hàng hóa và từng bước nhân rộng mô hình.
ĐỂ NGƯỜI VIỆT YÊU HÀNG VIỆT
"Hàng Việt chinh phục người Việt" là hoàn toàn phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tầm nhìn dài hạn và có trách nhiệm.
Do đó, một giải pháp trọng tâm mà Ban Chỉ đạo hết sức quan tâm đó là xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững, theo hướng hiện đại - minh bạch - an toàn - hiệu quả. Trong đó doanh nghiệp tham gia phải có tinh thần minh bạch, trách nhiệm; sản xuất trung thực, phân phối trung thực.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, yêu cầu Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá phải được triển khai triệt để, hệ thống phân phối, doanh nghiệp cung ứng đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện, nhưng phải tuân thủ nghiêm cam kết.
Trong đó, 06 hệ thống phân phối hàng đầu là Saigon Co.op, Satra, Bách Hoá Xanh, AEON, Central Retail, MM Mega Market, với vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất, phải phát huy tinh thần tiên phong, dẫn dắt xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.
Ngoài ra, theo ông Hải, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp người tiêu dùng hiểu rõ về chương trình, ưu tiên sử dụng sản phẩm đã được doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất lượng và chịu sự kiểm soát chất lượng của 06 hệ thống phân phối lớn.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, ông Hải yêu cầu phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo cung ứng sản phẩm, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt theo hướng phát triển xanh, bền vững.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra 03 lễ ký kết: Lễ ký thỏa thuận triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa 06 hệ thống phân phối hàng đầu, gồm Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh.
Ký bao tiêu sản phẩm của nhà cung cấp có trách nhiệm tiên phong tham gia Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Nhằm bình ổn thị trường, tăng sức mua, MM Market tiếp tục các chương trình mua Bình ổn giá, chống lạm phát cho các mặt hàng thiết yếu như: hóa mỹ phẩm và thực phẩm khô, giá sỉ cho thực phẩm tươi sống; Mua nhiều lợi nhiều cho các mặt hàng thực phẩm, nguyên liệu thiết yếu như dầu ăn, đường, hạt nêm, bột ngọt, gạo, mì, café, trà, bánh…Giảm giá lên đến 40% cho các sản phẩm xanh bao gồm: đồ dùng nhà bếp làm từ bã mía, giấy, bột ngô (như ly, dĩa ăn, chén ăn, muỗng, nĩa….
Ký thỏa thuận hợp tác giữa Sở Công Thương và Sở Thông tin Truyền thông về triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển kênh bán hàng trực tuyến, triển khai tập huấn bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng ký kết với 06 doanh nghiệp và HTX: Anh Hoàng Thy, San Hà (cung cấp thịt gia súc, thịt gia cầm); HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, công ty MeKong Delta Food, Công ty Xuân Thái Thịnh (cung cấp rau củ quả); HTX Tân Mỹ (cung cấp trái cây). Hiện các đối tác này cung ứng từ trung bình 500 tấn hàng hóa mỗi tháng đến các hệ thống phân phối của Saigon Co.op.
Saigon Co.op và các đơn vị này cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững phục vụ người tiêu dùng; đảm bảo lợi ích về sức khỏe người tiêu dùng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Việc hợp tác này nhằm kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm đặc sắc của TP.HCM cạnh tranh với hàng nhập khẩu và định hướng xuất khẩu.