10:02 23/09/2019

“Né” thuế quan Mỹ, doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc đổ sang Thái Lan

Bình Minh

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp sản xuất từ Trung Quốc tìm đến Thái Lan để mở nhà máy nhằm tránh thuế quan của Mỹ

Công nhân làm việc trong một nhà máy dệt ở Pak Thong Chai, Thái Lan - Ảnh: Bloomberg.
Công nhân làm việc trong một nhà máy dệt ở Pak Thong Chai, Thái Lan - Ảnh: Bloomberg.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp sản xuất từ Trung Quốc tìm đến Thái Lan để mở nhà máy nhằm tránh thuế quan của Mỹ, hãng tin Bloomberg cho hay, dựa trên xu hướng nhu cầu đất công nghiệp ở quốc gia Đông Nam Á này.

WHA Corp., công ty lớn nhất Thái Lan về cung cấp đất công nghiệp, dự báo doanh nghiệp từ Trung Quốc chiếm tới một nửa số hợp đồng bán đất của WHA trong năm nay và năm tới, so với mức 12% trong năm 2018. Ngoài Thái Lan, WHA cũng phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam.

"Các công ty đang chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ", ông David Nardone, Giám đốc điều hành phụ trách mảng đất công nghiệp của WHA, nói với Bloomberg. "Điều này có ảnh hưởng quan trọng với Thái Lan và Việt Nam. Một giọt nước từ Trung Quốc cũng khiến chúng tôi bị lụt vì sự khác biệt về quy mô của nền kinh tế".

Thái Lan đã triển khai nhiều chính sách như miễn thuế để thu hút doanh nghiệp sản xuất muốn tránh thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp lên hàng hóa của nhau. Trong khi đó, các số liệu gần đây cho thấy Việt Nam đang dẫn trươc Thái Lan trong cuộc đua về thu hút các công ty trong ngành sản xuất.

Một báo cáo ra đầu tháng 9 của ngân hàng Nomura cho thấy Việt Nam đã thu hút được 26 doanh nghiệp lên kế hoạch chuyển sản xuất từ Trung Quốc để tránh thuế quan Mỹ, nhiều gấp hơn 3 lần so với con số 8 doanh nghiệp tính chuyển sang Thái Lan. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Đài Loan thu hút được 11 công ty, Nhật Bản thu hút được 5 doanh nghiệp, Campuchia có 4, và các nước khác thu hút được 16.

Tuy nhiên, giá trị hồ sơ xin cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Thái Lan của các công ty Trung Quốc đang tăng mạnh. Trong nửa đầu 2019, giá trị này tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Ủy ban Đầu tư Thái Lan.

Trong 6 tháng, các công ty Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã nộp đơn xin cấp phép dự án FDI với tổng trị giá khoảng 1 tỷ USD tại Thái Lan, chỉ đứng sau các công ty Nhật - nhóm đã có hoạt động sản xuất lâu năm ở Thái Lan - với 1,4 tỷ USD.

Ông Nardone không cho rằng Thái Lan và Việt Nam là đối thủ của nhau trong việc thu hút các công ty chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vì mỗi nước có những thế mạnh và điểm yếu khác nhau. Thời gian mở nhà máy ở Việt Nam lâu hơn, nhưng Thái Lan lại thiếu lao động, ông nhấn mạnh.

Ông Nardone cũng cho rằng các nhà sản xuất sẽ chỉ chuyển một phần hoạt động khỏi Trung Quốc, bởi thị trường Trung Quốc có quy mô rất lớn. Giá cổ phiếu WHA đã tăng 8% từ đầu năm tới nay, vượt mức tăng 4,6% của thị trường chứng khoán Thái Lan.

Cho tới nay, nhiều công ty lớn như Sony, Sharp và Harley-Davidson đã chuyển một phần sản xuất tới Thái Lan. Giới chức nước này hy vọng dòng vốn FDI sẽ giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế Thái Lan vốn đang giảm tốc vì đồng Baht tăng giá, ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến, và thay đổi chính trị trong nước.