Nga dọa tiếp tục bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ
Nga tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ
Chính phủ Nga có thể sẽ không dừng việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Moscow và Washington chuyển xấu thêm.
Trang CNN Money dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia Russia One rằng nước này sẽ tiếp tục cắt giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, Nga đã bán ròng 81 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, tương đương 84% tổng lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của nước này.
Đợt trừng phạt mới đây nhất mà Washington nhằm vào Moscow được công bố vào tuần trước, đáp trả vụ hạ độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skirpal và con gái ông này ở Anh hồi đầu năm nay.
Phương Tây cáo buộc Nga đứng sau vụ mưu sát sử dụng chất độc thần kinh Novichok này, trong khi Nga một mực phủ nhận và cho rằng đó là một vụ việc do phương Tây dựng nên nhằm kích động tinh thần bài Nga.
Các biện pháp trừng phạt mới này được Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt dựa trên luật về chiến tranh hóa học và sinh học của Mỹ, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8.
Hôm thứ Năm, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga "chẳng liên quan gì đến việc sử dụng vũ khí hóa học" và các biện pháp trừng phạt của Mỹ là "không thể chấp nhận được và bất hợp pháp".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói Nga "sẽ tìm các biện pháp đáp trả" đối với lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngày Chủ nhật, Bộ trưởng Siluanov nói Nga đang xem xét giảm nắm giữ tài sản bằng USD để chuyển sang nắm giữ các tài sản khác. Ông Siluanov nói rằng đồng bạc xanh không phải là một công cụ thanh toán đáng tin cậy.
"Tôi không loại trừ" khả năng bán thêm tài sản Mỹ - người đứng đầu Bộ Tài chính Nga nói. "Chúng tôi đã giảm mạnh đầu tư vào tài sản Mỹ rồi. Trên thực tế, đồng USD là một phương tiện thanh toán có nhiều rủi ro, cho dù đồng tiền đó được xem là đồng tiền thanh toán quốc tế".
Tuy nhiên, ông Siluanov nói Nga không có ý định trục xuất các công ty Mỹ đang làm ăn ở Nga. "Hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch đưa ra bất kỳ hạn chế nào đối với các công ty Mỹ, chẳng hạn như đóng cửa McDonald’s. Các công ty này đều đang tạo công ăn việc làm cho công dân của chúng tôi", vị Bộ trưởng phát biểu.
Theo giới phân tích, việc Nga tiếp tục bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ không có nhiều ảnh hưởng đối với thị trường nợ chính phủ của nền kinh tế lớn nhất thế giới, bởi Nga không phải là chủ nợ vào hàng lớn nhất của Mỹ.
Vào giai đoạn đỉnh điểm tháng 11/2017, Nga cũng chỉ nắm 105,7 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và đứng thứ 15 trong danh sách chủ nợ của Washington. Trung Quốc hiện nắm khoảng 1,2 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, giữ vai trò chủ nợ lớn nhất của nước này.
"Điều đó không đáng lo ngại lắm", ông Guy LeBas, chiến lược gia trưởng về trái phiếu thuộc Janney Capital nói hồi tháng trước về việc Nga bán trái phiếu kho bạc Mỹ.
Ông Eurgene Chausovsky nhà phân tích cấp cao về Á-Âu thuộc công ty tư vấn Stratfor, đồng tình với quan điểm rằng việc Nga bán ròng nợ Mỹ "không phải là chuyện gì to tát".
Tuy nhiên, lời cảnh báo của Nga làm gia tăng nỗi lo bấy lâu về việc đến một lúc nào đó, một chủ nợ lớn của Mỹ có thể đe dọa gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới bằng cách bán tháo trái phiếu kho bạc do Washington phát hành.
Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi về tính logic của mối lo này. Trung Quốc sẽ không dễ gì bán tháo lượng trái phiếu kho bạc Mỹ lớn như vậy trong một thời gian ngắn, và nếu Bắc Kinh làm vậy, giá trị danh mục đầu tư của họ sẽ "bốc hơi" chóng mặt.
"Ý tưởng về dùng dự trữ ngoại hối làm vũ khí cho một cuộc tấn công kinh tế nhằm vào nước Mỹ chỉ có thể gây tổn hại cho bên cầm vũ khí đó", chuyên gia Lebas của Janney nhận định.
Rủi ro lớn hơn nằm ở chỗ Trung Quốc hoặc một quốc gia khác "cai" nợ Mỹ bằng cách giảm dần lượng mua và đợi cho số trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ đang nắm giữ đáo hạn.
"Nhưng cách làm như vậy sẽ có ảnh hưởng dài hạn đến nước Mỹ. Nhưng cách này đòi hỏi một chiến sách kiên nhẫn chẳng hề dễ dàng", ông David Kotok, Chủ tịch Cumberland Advisors, nhận xét.