23:21 15/09/2008

Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ: CPI có bị ảnh hưởng?

Nguyễn Hoài

Ngân hàng Nhà nước đang can thiệp mạnh để ổn định tỷ giá, nhưng liệu động thái đó có ảnh hưởng đến tốc độ tăng CPI?

Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 16.512 VND/USD. Như vậy, với biên độ cho phép +/-2%, các ngân hàng thương mại được phép ấn định tỷ giá mua/bán tối đa 16.842 VND/USD.
Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 16.512 VND/USD. Như vậy, với biên độ cho phép +/-2%, các ngân hàng thương mại được phép ấn định tỷ giá mua/bán tối đa 16.842 VND/USD.
Ngày 15/9, Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 16.512VND/USD và mua ngoại tệ vào.

Hai động thái trên cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đang can thiệp mạnh để ổn định tỷ giá khi VND đang mạnh lên so với USD.

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá cặp tiền VND/USD hiện xuống khá thấp và tình trạng này kéo dài từ khoảng giữa tháng 7/2008 đến nay. Tuần vừa qua, tỷ giá giao dịch các ngân hàng thương mại ổn định quanh mức 16.600 đồng/USD, còn tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do là 16.600 - 16.620 đồng/USD.

Phân tích diễn biến này, ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: "Tỷ giá đang xuống khá thấp và đó là do thị trường ngoại tệ đang dư cung, nhất là khu vực phía Bắc". Khi tỷ giá xuống thấp, đồng nội tệ tăng giá thì điều đáng mừng là thị trường ngoại tệ được ổn định nhưng theo các chuyên gia, có hai vấn đề phải lưu ý.

Thứ nhất, lợi ích của khu vực xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam phân tích: "Với mức 16.600 đồng/USD như hiện nay và biên độ +/- 2% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì ngành dệt may chưa đáng ngại nhưng nếu tỷ giá xuống thấp hơn nữa thì lợi nhuận sẽ bị giảm mạnh trong khi lãi ròng ngành dệt may rất thấp. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan nắm giữ một lượng ngoại tệ lớn nên có thể làm chủ cuộc chơi này để giữ ổn định lợi nhuận cho xuất khẩu".

Thứ hai, nếu Ngân hàng Nhà nước không can thiệp mạnh mẽ để ổn định tỷ giá và khi xuất khẩu giảm thì đó là cơ hội của nhập khẩu, làm trầm trọng thêm tình trạng nhập siêu. Tính chung 8 tháng năm nay, nhập siêu của Việt Nam đạt 16 tỷ USD, bằng 36,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, gấp hơn 2 lần mức nhập siêu cùng kỳ năm 2007.

Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 16.512 VND/USD. Như vậy, với biên độ cho phép +/-2%, các ngân hàng thương mại được phép ấn định tỷ giá mua/bán tối đa 16.842 VND/USD, cao hơn so với mức 16.550 - 16.560 VND/USD (mua) và 16.600 - 16.610 VND/USD (bán) tại các ngân hàng thương mại với khách hàng.

Đồng thời, tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo mua ngoại tệ vào để ổn định tỷ giá. Một số nhà phân tích kinh tế cho rằng, hai động thái trên của Ngân hàng Nhà nước trong thời điểm này là cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu.

Bởi lẽ, khu vực này đang được coi là một trong những động lực lớn của tăng trưởng, kích thích sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là tại thời điểm kinh tế vĩ mô bắt đầu ổn định trở lại.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là tại thời điểm nhạy cảm hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 8/2008 tăng 28,32% so với tháng 8/2007 và tính chung 8 tháng đầu 2008 tăng so với cùng kỳ 2007 là 22,14%, liệu động thái mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước có làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát?

Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước nhận định: điều này không đáng lo, vì lượng ngoại tệ đầu tư cá nhân từ nước ngoài gửi về từ nay đến cuối năm theo dự báo chỉ tăng thêm vài tỷ USD.

Trong khi đó, kế hoạch phát hành tăng vốn, IPO doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục trầm lắng và thị trường chứng khoán vẫn chưa hồi phục nên dòng vốn đầu tư gián tiếp khó có thể gây áp lực lên thị trường tỷ giá như năm ngoái.

Hơn nữa, khác với đầu năm 2007 - khi Ngân hàng Nhà nước tung VND mua 6,2 tỷ USD - thì hiện nay, cơ quan này đã linh hoạt hơn trong việc sử dụng nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ hỗ trợ khác để khống chế cung tiền không vượt kế hoạch.

Về vấn đề này, giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng: "Cũng giống như việc điều tiết lượng nước trong bể chứa, Ngân hàng Nhà nước có thể bơm tiền mua ngoại tệ và sau đó hút vào bằng cách nâng lãi suất tín phiếu".

Theo ông này, nếu mức lãi suất tín phiếu nằm trong khoảng 15%/năm thì các ngân hàng thương mại sẽ sẵn sàng mua với số lượng lớn. Điều này không chỉ có lợi cho Ngân hàng Nhà nước khi điều hành chính sách tiền tệ mà các ngân hàng thương mại cũng có công cụ hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết.