07:12 16/12/2022

Ngành thuế sắp xây dựng trung tâm dữ liệu thuế và dữ liệu hoá đơn điện tử phòng ngừa rủi ro

Ánh Tuyết

Để hoàn thành và vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2023 gần 1,4 triệu tỷ đồng do ngành thuế quản lý trong bối cảnh nhiều thách thức, Bộ trưởng Bộ Tài chính gợi mở ngành thuế cần đẩy mạnh chuyển đổi số mà điểm nhấn là xây dựng trung tâm dữ liệu thuế và dữ liệu hoá đơn điện tử...

Bộ trưởng đề nghị cơ quan thuế cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác hành thu, chống chuyển giá, trốn thuế.
Bộ trưởng đề nghị cơ quan thuế cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác hành thu, chống chuyển giá, trốn thuế.

Chiều ngày 15/12, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác thuế 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của toàn ngành thuế trong năm 2022.

THU NGÂN SÁCH TỪ NGÀNH THUẾ VƯỢT GẦN 300.000 TỶ ĐỒNG

Thông tin tại hội nghị, Tổng cục Thuế cho biết trong năm 2022, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán phát lệnh, tương ứng vượt 285.200 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Có 63/64 đơn vị thu đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, trong đó có nhiều địa phương đạt khá so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ năm 202, như hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội đều vượt mốc thu trên 300.000 tỷ đồng. 

Theo đó, thu nội địa ước đạt 1.387.200 tỷ đồng, bằng 121% dự toán pháp lệnh, tương đương vượt 240.500 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 1.064.657 tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán pháp lệnh (vượt 149.657 tỷ đồng), tăng 5,3% so với thực hiện năm 2021.

Cũng theo Tổng cục Thuế, có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, đặc biệt 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như: khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 115,7%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 108,1%; khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116,3%…

Cùng với đó, có 8 địa phương cán mốc trên 30.000 tỷ đồng là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, 4 địa phương cán mốc trên 20.000 tỷ là: Quảng Nam, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi; có đến 18 địa phương cán mốc trên 10.000 tỷ.

Để đạt kết quả khả quan trên, thời gian qua, Tổng cục Thuế chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ, đảm bảo đưa chính sách vào cuộc sống, đẩy mạnh qua hình thức điện tử phù hợp xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ và nhu cầu tiếp cận thông tin theo phương thức điện tử của người nộp thuế.

Cũng trong năm 2022, toàn ngành thuế đã tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 174.000 tỷ đồng.

NĂM 2023, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THUẾ, CHỐNG THẤT THOÁT 

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 Quốc hội và Chính phủ giao cho cơ quan thuế là 1.373.244 tỷ đồng, cao hơn dự toán thu năm nay gần 17%; trong đó, thu dầu thô là 42.000 tỷ đồng; thu nội địa là 1.331.244 tỷ đồng.

Bởi vậy, ông Phớc cho rằng, để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách 2023 do Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao, toàn ngành thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Nhất trí với 10 nhiệm vụ và 22 nhóm giải pháp được Tổng cục Thuế đề ra tại hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm đề nghị Tổng cục Thuế cần triển khai thực hiện.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan thuế cần tiếp tục lưu ý đến vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng. “Tới đây, khi hoàn thiện các Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn, cần đặc biệt lưu ý vấn đề này và phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng”, Bộ trưởng lưu ý.

 

"Về việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, ngành thuế đã làm rất tốt, cần tiếp tục phát huy và phải xây dựng trung tâm dữ liệu thuế và dữ liệu hoá đơn điện tử; đồng thời, ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả", Bộ trưởng gợi ý.

Bộ trưởng cũng đề nghị cơ quan thuế cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ được giao, chống chuyển giá, trốn thuế. Cùng với đó, tiếp tục tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu, giúp doanh nghiệp có điều kiện thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế; đa dạng hoá phương thức tuyên truyền và nâng cao nhận thức pháp luật về thuế cho người nộp thuế và doanh nghiệp.

Ngoài ra, tăng cường phối hợp với cơ quan hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quản lý thuế. 

ĐẨY NHANH TIẾN TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG QUẢN LÝ THUẾ

Một điểm nhấn trong năm 2022 là đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hoá và đi đầu chuyển đổi số trong quản lý thuế.

Theo đó, ngành thuế trong năm qua đã triển khai thành công hoá đơn điện tử trên toàn quốc. Đến ngày 1/7, trên cả nước 100% số doanh nghiệp đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn đã chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử và 100% hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử với tổng số hoá đơn điện tử đã được phát hành trên 2,1 tỷ hóa đơn.

Đến nay, toàn bộ các cục thuế tỉnh, thành phố đã tổ chức lựa chọn và trao giải hóa đơn may mắn, với tổng giá trị giải thưởng đã trao cho các cá nhân người tiêu dùng khoảng 6 tỷ đồng. Qua đó cho thấy thành công bước đầu của ngành thuế trong việc triển khai chương trình, khuyến khích người tiêu dùng lấy hoá đơn, từng bước tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua hàng hoá, dịch vụ phải có hoá đơn, chứng từ.

Cũng theo Tổng cục Thuế, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài lớn trên khắp thế giới đã đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế, với tổng số thuế đã kê khai, nộp thuế là 3.444 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử và vận hành, đảm bảo việc tiếp nhận thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn thương mại điện tử theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, trong năm 2022, toàn ngành thuế đã cắt giảm 70 thủ tục hành chính, giảm từ 304 thủ tục hành chính năm 2021 xuống còn 234 thủ tục hành chính (tỷ lệ giảm 23%), trong đó hầu hết các thủ tục hành chính đạt mức độ 3, 4 và đã hoàn thành tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về thuế.

 

Điểm đặc biệt tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 là nghi lễ chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử kết nối dữ liệu với các sàn thương mại điện tử trong nước và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc.

 

Ngành thuế sắp xây dựng trung tâm dữ liệu thuế và dữ liệu hoá đơn điện tử phòng ngừa rủi ro - Ảnh 1
Các đại biểu nhấn nút khai trương khai trương Cổng Thông tin điện tử kết nối với sàn Thương mại điện tử và triển khai hoá đơn điện tử từ máy tính tiền.

Ảnh: Tuyết Nhi