14:48 19/12/2023

Ngày mai sẽ họp đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Phúc Minh

Dự kiến ngày mai (20/12), Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên lần 2 nhằm xem xét phương án đề xuất mức tăng lương tối thiểu cho năm 2024…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông lệ, mỗi kỳ họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia diễn ra 2-3 phiên, phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai khi các bên tìm được tiếng nói chung.

Nếu phiên họp lần 2 diễn ra thuận lợi thì theo quy trình văn bản, lấy ý kiến, khả năng lương tối thiểu cũng không kịp tăng từ ngày 1/1/2024.

Đại diện Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng xác nhận phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 20/12. Tuy nhiên, hiện bộ phận kỹ thuật của Hội đồng vẫn chưa đưa ra báo cáo đánh giá, đề xuất về tiền lương tối thiểu vùng sẽ giữ như hiện hành hay tăng vào năm tới.

Trước thềm phiên họp, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng đã gửi báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện lương tối thiểu vùng đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho thấy có sự chênh lệch giữa tiền lương tối thiểu và tiền lương thực tế của người lao động. Lương tối thiểu danh nghĩa do Chính phủ quy định, còn lương thực tế có tính đến tác động của lạm phát và sức mua.

Thống kê trong giai đoạn 2015 - 2022, Việt Nam điều chỉnh lương tối thiểu với quỹ đạo đi lên, từ 119 USD tháng 12/2015 lên 168 USD vào tháng 12/2022.

Lần gần nhất lương tối thiểu được điều chỉnh từ ngày 1/7/2022 với mức trung bình 6% sau hai 2 năm rưỡi trì hoãn vì đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, điều đáng chú ý là lạm phát tăng khiến giá trị thật của tiền lương tối thiểu không tăng nhiều.

Theo ILO, trong thời kỳ 2015 - 2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7% song lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020 -2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.

Người lao động mong chờ được tăng lương. Ảnh minh họa - N.Dương.
Người lao động mong chờ được tăng lương. Ảnh minh họa - N.Dương.

Về mức đề xuất tăng lương trong lần thương lượng tới, hiện các bên đều chưa đưa ra phương án cụ thể. Tuy nhiên, đại diện người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, ở mỗi thời điểm sẽ căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe của doanh nghiệp và mong muốn của người lao động để đưa ra một mức đề xuất phù hợp. 

Phía đại diện doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đồng tình với việc phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng, song tăng ở mức bao nhiêu sẽ cần cân nhắc, đàm phán tại phiên họp, bởi còn liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như các yếu tố khác.

Theo ông Phòng, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn và đang phải cố gắng tìm mọi cách để duy trì việc làm, chăm lo cho người lao động. Do đó, phía đại diện doanh nghiệp sẽ cùng các cơ quan có liên quan, các thành viên khác bàn bạc để đưa ra một phương án phù hợp.

Mặc dù vậy, đại diện VCCI nhận định, dù đưa ra phương án tăng lương tối thiểu nào cũng sẽ khó hài lòng tất cả, tuy nhiên "trong phạm vi chấp nhận được". 

Cũng trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cựu thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, luật đã quy định rõ lương tối thiểu được điều chỉnh dựa vào các yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động...

Tuy nhiên, đảm bảo các yếu tố này mới là bước đầu để tăng lương tối thiểu, quan trọng hơn là khả năng chi trả của doanh nghiệp. “Người lao động nhận lương tối thiểu nhưng đây lại là chi phí doanh nghiệp chi trả. Nếu lương tối thiểu vùng cao, doanh nghiệp phải chi trả chi phí quá cao, khi không gánh được họ sẽ buộc phải sa thải lao động nếu không muốn vi phạm luật”, bà Hương nhận định.

Theo vị chuyên gia, lương tối thiểu là để bảo vệ người lao động tránh bị trả lương thấp dưới mức sống tối thiểu. Do đó, cần có khảo sát kỹ hiện nay có bao nhiêu người lao động đang hưởng mức lương tối thiểu vùng, đời sống ra sao…, để có cơ sở xây dựng mức tăng phù hợp cho năm tới.

Theo Nghị định 38 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2022 lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng từ 180.000 - 260.000 đồng so với trước đó tùy theo vùng lương. Hiện mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu giờ tại vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.