10:07 04/12/2023

Lương tối thiểu vùng năm 2024 được đề xuất tăng ở mức bao nhiêu?

Nhật Dương

Do hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi và các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vì thế mức đề xuất tăng lương tối thiểu cho năm 2024 hiện vẫn chưa được các bên tiết lộ. Song về phía Công đoàn cho biết, sẽ tính toán để đưa ra một mức đề xuất tăng phù hợp, đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau một thời gian trì hoãn họp thương lượng tiền lương tối thiểu vùng, phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 12 này.

SẼ TÍNH TOÁN LẠI MỨC ĐỀ XUẤT TĂNG LƯƠNG

Trao đổi về quan điểm của công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thông tin rằng cách đây 4 tháng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp bàn phiên đầu tiên về lương tối thiểu vùng, lúc đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề xuất mức tăng 5 – 6%. Tuy nhiên, hiện tại nếu đề xuất chắc chắn mức tăng sẽ có sự thay đổi.

“Hiện chúng tôi chưa thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng trong năm tới, bởi tại mỗi thời điểm sẽ căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe của doanh nghiệp và mong muốn của người lao động mà tính toán mức đề xuất khác nhau”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Đồng thời, phía tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá kỹ hơn bức tranh kinh tế - xã hội, sức khỏe của doanh nghiệp để từ đó đưa ra một mức đề xuất cho phù hợp.

Nhiều năm tham gia các phiên họp đàm phán của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), dự báo rất có thể trong tháng 12 này, Hội đồng sẽ họp nhóm lại để tiếp tục bàn thảo, song ông cũng khẳng định mức đề xuất của tổ chức đại diện người lao động sẽ được bàn bạc, xem xét lại cho phù hợp.

Theo ông Quảng, với tình hình hiện nay, lương tối thiểu khó có thể tăng vào đầu năm sau (1/1/2024), bởi lẽ, theo quy định xây dựng văn bản pháp luật, sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia “chốt” được mức đề xuất, các bên phải xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trình Chính phủ xem xét rồi mới ban hành.

Như vậy, hiện chỉ còn hai thời điểm thích hợp để tăng lương là ngày 1/4 hoặc 1/7/2024. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia công đoàn, rất có thể lương tối thiểu năm tới sẽ tăng vào thời điểm 1/7 bởi trước đó, Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cũng đã được áp dụng từ ngày 1/7/2022 cho đến nay.

Hơn nữa, nếu tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024 cũng sẽ đồng bộ với việc cải cách tiền lương của cán bộ công chức, viên chức, đảm bảo thuận lợi cho các bên và tránh xáo trộn. Mặc dù vậy, ông cho rằng, người lao động luôn mong muốn được tăng lương sớm trong bối cảnh đời sống, thu nhập có nhiều khó khăn.

XÁC ĐỊNH LẠI CÁC VÙNG LƯƠNG, NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ CƠ HỘI HƯỞNG MỨC CAO HƠN

Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cũng là một trong nhiều kiến nghị của công nhân gửi tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vừa diễn ra.

Theo đó, người lao động kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Người lao động mong muốn mức lương tăng đủ sống. Ảnh minh họa - N.Dương.
Người lao động mong muốn mức lương tăng đủ sống. Ảnh minh họa - N.Dương.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 5 năm qua khi công đoàn tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng lên 25,34%.

Nói về mức tăng này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, đây là mức tăng lương tối thiểu cộng dồn của cả nhiệm kỳ vừa qua, bắt đầu từ tiền lương của năm 2019 đến nay, thể hiện nỗ lực của công đoàn trong nâng cao đời sống người lao động thông qua thương lượng tiền lương.

Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, đối thoại, thương lượng về tiền lương cũng là một trong những nội dung đột phá của công đoàn trong nhiệm kỳ này, theo đó thương lượng tiền lương sẽ được tập trung cao nhất, bởi người lao động khi đi làm thì vấn đề quan tâm đầu tiên của họ là làm thế nào để có tiền lương đảm bảo cho cuộc sống.

Để nâng cao hiệu quả trong việc thương lượng tiền lương cho người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, công đoàn sẽ tập trung nhiều giải pháp, trước hết là tập trung đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở về vấn đề tiền lương, kỹ năng đàm phán thương lượng.

Cùng với tham gia vào xây dựng chính sách, công đoàn cũng tiếp tục quan tâm nghiên cứu sửa đổi cơ chế tiền lương tối thiểu vùng hiện nay.

“Ngay cả vấn đề xác định vùng lương khi những địa phương đã có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, cần nâng vùng của một số huyện, thị xã, thành phố. Khi nâng vùng, thông thường mức lương của người lao động cũng sẽ cao hơn”, ông Hiểu nhìn nhận.

Bên cạnh đó, công đoàn cũng sẽ quan tâm giám sát việc tổ chức thực hiện tiền lương trong thực tế, bởi việc thực hiện còn phụ thuộc rất nhiều các doanh nghiệp cụ thể.

Mặt khác, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để vấn đề thương lượng sẽ phải là nỗ lực của cả hai bên, từ đó cùng nhau hướng đến người lao động có cuộc sống ngày càng tốt hơn.