15:35 24/08/2023

Doanh nghiệp lo ngại sẽ bị tăng chi phí nhân công khi tăng lương tối thiểu vùng

Nhật Dương

Các doanh nghiệp cho rằng, hầu hết vẫn đang trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, nếu lương tối thiểu tăng quá cao sẽ tăng thêm gánh nặng về chi phí nhân công cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vào mỗi mùa thương lượng tiền lương tối thiểu, trong khi phía người lao động luôn mong muốn tăng, thì ngược lại, phía doanh nghiệp lại luôn lo lắng. Hiện chưa có một phương án chính thức nào về việc lương tối thiểu năm 2024 sẽ tăng bao nhiêu và thời điểm thực hiện, bởi sẽ còn phụ thuộc vào phiên họp lần hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến diễn ra vào quý cuối của năm 2023.

PHẦN LỚN DOANH NGHIỆP ĐÃ TRẢ CAO HƠN MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU

Mặc dù vậy, dưới góc độ các doanh nghiệp thì cũng có những căn cứ riêng để xem xét điều chỉnh lương tối thiểu ở mức đáp ứng khả năng chi trả.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo vùng năm 2024.

Trong văn bản kiến nghị, JCCI dẫn khảo sát “Thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài” với hơn 600 doanh nghiệp đã cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam tỏ ra không mấy lạc quan về kết quả kinh doanh năm 2023. Tại thời điểm khảo sát có hơn 46% doanh nghiệp dự báo doanh thu sẽ “suy giảm” hoặc “duy trì” so với năm 2022.

Riêng về chi phí nhân công, hơn 75% các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói rằng chi phí nhân công tăng chính là rủi ro lớn nhất khi đầu tư tại Việt Nam trong tương lai. Con số này cao hơn so với thứ hạng và tỷ lệ trong cuộc khảo sát tương tự được thực hiện ở Thái Lan và Philippines (Thái Lan 71,4%; Philippines 61,1%).

JCCI cho rằng, mặc dù Chính phủ Việt Nam giữ nguyên mức lương tối thiểu theo vùng, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam vẫn quyết định tăng lương với mức 5,4% từ năm 2020 đến năm 2021, và 5,8% từ năm 2021 đến 2022, từ năm 2022 đến năm 2023 dự kiến tăng 5,9%. Tỷ lệ tăng này cao hơn so với các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Ngoài ra, một khảo sát mà JCCI thực hiện trong tháng 1/2023 cũng cho thấy, dù Chính phủ Việt Nam quyết định giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng nhưng có tới 65% số lượng doanh nghiệp Nhật Bản trong khối sản xuất hoạt động tại miền Bắc Việt Nam quyết định tăng lương cho người lao động.

Tính tổng các doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương trong năm 2022, thì có tới 96% số lượng doanh nghiệp đã tiến hành tăng lương trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 2023. Kết quả của những đợt tăng lương này là mức lương bình quân của các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản ở miền Bắc Việt Nam đạt hơn 5,1 triệu đồng (khu vực 1, 2, 3 và 4), cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng 4,68 triệu đồng ở khu vực 1.

DÙ TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU, THU NHẬP CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG CHƯA HẲN ĐÃ TĂNG

Trước những thực tế nêu trên, JCCI kiến nghị duy trì mức lương tối thiểu vùng trong năm 2023, đơn vị này cũng không phản đối việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ tháng 1/2024, nhưng cần lưu ý mức điều chỉnh.

“Các doanh nghiệp đều đã tự tiến hành điều chỉnh lương nên giả sử nếu mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng mạnh sẽ khiến cho doanh nghiệp không thể chịu được gánh nặng về chi phí nhân công”, JCCI phân tích.

Doanh nghiệp lo ngại gánh nặng chi phí nhân công khi lương tăng. Ảnh - N.Dương.
Doanh nghiệp lo ngại gánh nặng chi phí nhân công khi lương tăng. Ảnh - N.Dương.

Ngoài ra, có thể dễ xảy ra tranh chấp lao động ở những doanh nghiệp không có năng lực cạnh tranh về chi phí. Thay vì quyết định theo các chỉ số như CPI, Hiệp hội này kiến nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia cần điều tra thực tế mặt bằng tiền lương và đề xuất điều chỉnh theo tình hình thực tế.

Theo JCCI, nền kinh tế trong và ngoài nước luôn có sự thay đổi khó lường nên rất khó dự đoán. Vì vậy mức lương tối thiểu cần được xác định dựa trên các chỉ số kinh tế và xu hướng kinh tế hằng năm.

Liên quan đến năng lực chi trả của doanh nghiệp, Hiệp hội này cũng mong muốn làm rõ phương pháp đánh giá cụ thể. Ngoài ra, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa là không thể thiếu để củng cố nền tảng của ngành công nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ, khi xác định mức lương tối thiểu cần coi “năng lực thanh toán tiền lương” là chỉ số đánh giá quan trọng.

Liên quan đến tăng lương tối thiểu, theo Hiệp hội Dệt may thì năm 2023, doanh nghiệp nào giảm thu nhập thực tế của người lao động chỉ dưới 2 triệu đồng đã là thành công.

Dự báo từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp sẽ còn khó khăn hơn do đơn hàng mới chưa có. Vì thế, để giảm bớt gánh nặng vào thời điểm khó khăn này, các doanh nghiệp mong muốn lùi thời gian tăng lương tối thiểu.

Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng thừa nhận, giai đoạn này với các doanh nghiệp ngành dệt may là hết sức khó khăn.

Hiện các doanh nghiệp trong ngành đều trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng, nên nếu tiếp tục tăng thì doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm chi phí tăng thêm từ phần đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn. Còn thực tế, thu nhập của người lao động chưa chắc đã tăng, thậm chí giảm đi vì tỷ lệ phải đóng bảo hiểm và các khoản khác tăng theo.

Đại diện Công đoàn Dệt may cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong năm tới cần cân nhắc một mức tăng và thời điểm phù hợp để đảm bảo hài hòa quyền lợi của cả người lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.