14:56 24/11/2023

Lương tối thiểu được đề xuất tăng hơn 25% trong 5 năm qua

Nhật Dương

Trong 5 năm qua, tổ chức công đoàn đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%, góp phần cải thiện đời sống của người lao động...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Công đoàn Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động.

Đáng chú ý, trong 5 năm qua Công đoàn Việt Nam đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Cùng với đó, hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể được tăng cường, có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản.

Có 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, 119.336 người lao động được thụ hưởng.

Công đoàn Việt Nam cũng quan tâm công tác an toàn, vệ sinh lao động coi trọng công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động.

Trong nhiệm kỳ đã kiểm tra 890.432 cuộc, giám sát 166.263 cuộc, hơn 27.000 người được giải quyết về các chế độ, chính sách với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 113 tỷ đồng…

Liên quan đến lương tối thiểu vùng, tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8/2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng. Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm trong nửa đầu năm, CPI trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với cùng kỳ, lạm phát tăng 4,74%.

Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I, thì Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho người lao động là cấp thiết hơn tăng lương.

Hiện chưa rõ thời gian cụ thể sẽ diễn phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, tuy nhiên, theo ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – thành viên Hội đồng cho biết, dự kiến trong tháng 12 mới họp nhóm lại để xem xét phương án khuyến nghị tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024.

Vì lẽ đó, lương tối thiểu vùng trong khối doanh nghiệp khó có thể tăng từ ngày 1/1/2024.

Trong 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường được điều chỉnh vào ngày 1/1 hằng năm, riêng năm 2022 là từ ngày 1/7 với mức tăng 6% và áp dụng đến nay.

Theo thông lệ, mỗi kỳ họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia diễn ra 2-3 phiên, phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai khi các bên tìm được tiếng nói chung.

Hồi cuối tháng 9, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã báo cáo Chính phủ cho phép lùi thời gian họp thương lượng, đưa ra khuyến nghị với Chính phủ về phương án lương tối thiểu vùng vào cuối quý 4/2023.

Đồng thời, Bộ cũng xin lùi thời gian trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động ra khỏi chương trình công tác năm 2023 của Bộ này.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chính phủ đã đồng ý đưa nội dung xây dựng và trình Nghị định này ra khỏi Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, việc xây dựng và trình dự thảo Nghị định nêu trên sẽ được thực hiện sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia khuyến nghị với Chính phủ về phương án lương tối thiểu 2024.

Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Mức lương này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu trải qua 8 lần điều chỉnh với mức tăng như sau: 15,2% (năm 2014); 14,2% (năm 2015); 12,4% (năm 2016); 7,3% (năm 2017); 6,5% (năm 2018); 5,3% (năm 2019); 5,5% (từ năm 2020 đến tháng 6/2022); 6% từ tháng 7/2022 đến nay.