Lùi thời điểm trình phương án tăng lương tối thiểu năm 2024
Do chưa đánh giá hết được các tác động và dự báo tình hình kinh tế xã hội thời gian tới, cũng như chưa đủ căn cứ đề xuất thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ xin lùi thời gian trình phương án lương tối thiểu vùng đến cuối năm 2023…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về thời gian trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Trước đó, Chính phủ yêu cầu Hội đồng Tiền lương Quốc gia căn cứ vào diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, các yếu tố liên quan khác và quy định của pháp luật để chủ động xem xét việc khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu đối với người lao động theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và theo đúng quy định hiện hành.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan được giao nghiên cứu báo cáo của Hội đồng Tiền lương Quốc gia để đề xuất phương án báo cáo cấp có thẩm quyền.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ được giao xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trình Chính phủ vào tháng 10/2023.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động, Chính phủ quy định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; quan hệ cung cầu; việc làm và thất nghiệp; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thực tế hiện nay, kinh tế quý 2 và những tháng đầu quý 3/2023 đã có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội, an ninh toàn cầu, khu vực tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta. Các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu giảm mạnh, đầu tư nước ngoài đình trệ...
Cuối tháng 8/2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có văn bản báo cáo Chính phủ về việc xem xét phương án tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024. Trong đó nêu rõ hiện chưa đánh giá hết được các tác động và dự báo tình hình kinh tế xã hội thời gian tới; chưa đủ căn cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Vì vậy, Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép lùi thời gian họp thương lượng, đưa ra khuyến nghị với Chính phủ về phương án lương tối thiểu vùng sẽ lùi đến cuối quý 4/2023.
Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và chuyên gia độc lập. Mức lương tối thiểu vùng hằng năm sẽ được Chính phủ quyết định dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Từ thực tế trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa nội dung trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động ra khỏi chương trình công tác năm 2023 của Bộ này.
Việc xây dựng dự thảo Nghị định nêu trên sẽ được thực hiện sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia khuyến nghị với Chính phủ về phương án lương tối thiểu 2024.
Theo quy định, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện mức lương tối thiểu tháng của người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 là 4,16 triệu, vùng 3 là 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu. Mức này đã tăng 6% so với trước ngày 1/7/2022 và áp dụng đến nay.
Theo kết quả khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống người lao động năm 2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố hồi tháng 8 cho thấy, thu nhập trung bình của người lao động đạt 7,8 triệu đồng/tháng, song tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng của họ, hơn 23% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.
Chỉ có hơn 24% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu.
Thực hiện theo Nghị định 38 của Chính phủ, đã có trên 86% người lao động được doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương tối thiểu với mức trung bình là 366.000 đồng, song hơn 10% được điều chỉnh với mức thấp hơn 6%.
Vì vậy, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong thời gian tới là rất cấp thiết, song cũng được cho là gặp không ít thách thức, nhất là trong bối cảnh tình trạng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm xảy ra cục bộ tại một số địa phương và trong một số ngành nghề.
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy, có gần 9% doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc. Năm 2024, tình trạng thiếu hụt đơn hàng được dự báo là vẫn còn tiếp diễn khi có hơn 17% doanh nghiệp khảo sát cho biết tình hình thiếu đơn hàng của doanh nghiệp năm 2024 sẽ tăng lên so với năm 2023, dự kiến khoảng 5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ giảm quy mô lao động trong năm 2024.
Trong bối cảnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về nguồn hàng, đơn hàng, vốn, ưu đãi thuế, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Từ đó, tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho người lao động. Đồng thời có ngay các giải pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, nhất là giá điện, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu của người lao động.
Còn với việc điều chỉnh lương tối thiểu, các công đoàn cơ sở kiến nghị, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, thì mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024 cần tăng 11,3%, và cần cân nhắc thời điểm phù hợp để giảm thiểu các tác động đến cả doanh nghiệp và người lao động.