Nghi phạm luật, đến lượt Philippines, Malaysia điều tra thương vụ Grab-Uber
Nếu có dấu hiệu vi phạm tự do cạnh tranh và không có cam kết nào được đưa ra, Philippines có thể khởi kiện chặn thương vụ này
Philippines và Malaysia ngày 2/4 cho biết sẽ tiến hành điều tra thương vụ startup gọi xe Grab của Singapore thâu tóm Uber tại Đông Nam Á để xác định có hay không vi phạm tự do cạnh tranh. Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi cơ quan chức năng của Singapore tiến hành điều tra thương vụ đình đám này với nghi vấn tương tự, hãng tin Reuters cho biết.
"Thương vụ Grab-Uber có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các dịch vụ vận tải tại Philippines. Vì vậy, Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PPC) đang điều tra kỹ càng thương vụ này", PPC cho biết trong một thông cáo.
PPC nhận định thương vụ thâu tóm trên sẽ đưa Grab vào thế độc quyền trên thị trường gọi xe và cho biết cuộc điều tra sẽ xác định xem liệu thương vụ có làm giảm đáng kể sự cạnh tranh. Cơ quan này cho biết vcos cuộc họp mặt với đại diện của Grab và Uber vào ngày 2/4.
Nếu như có dấu hiệu của vi phạm tự do cạnh tranh, Uber và Grab có thể đưa ra một số cam kết để khắc phục tình trạng này. Nhưng nếu hai công ty này không tự đề xuất, PPC cho biết cơ quan này có thể sẽ khởi kiện để chặn thương vụ trên.
Trong khi đó, Malaysia cũng cho biết sẽ điều tra để xem liệu có bất cứ hành vi vi phạm tự do cạnh tranh của thương vụ này hay không.
"Chúng tôi không coi nhẹ vụ việc này mà sẽ giám sát chặt chẽ bởi thương vụ mới đang ở thời kỳ đầu và chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Nancy Shukri cho biết. "Nếu như có bất kỳ hành vi vi phạm tự do cạnh tranh, chúng tôi sẽ áp Luật Cạnh tranh và đã nói rõ điều này với họ", bà Nancy cho biết, đề cập đến cuộc họp với đại diện Grab vào đầu tuần trước.
Bà Nancy cho biết trong cuộc gặp vào đầu tuần trước, Grab - được định giá khoảng 6 tỷ USD, đã cam kết không tăng giá trong thời điểm hiện tại.
Còn tại Indonesia, cơ quan chống độc quyền nước này cho biết chưa xác định sẽ tiến hành điều tra hay không bởi vẫn còn 30 ngày để đánh giá sau khi thương vụ được chốt.
Tuần trước, Ủy ban Quản lý Cạnh tranh Singapore (CCS) đã yêu cầu Uber và Grab tạm thời duy trì việc tính giá độc lập như trước thương vụ diễn ra và cho biết có "cơ sở phù hợp" để nghi ngờ thương vụ này vi phạm tự do cạnh tranh.
Ngày 26/3, Grab công bố thương vụ thâu tóm Uber tại Đông Nam Á, đánh dấu cuộc rút lui thứ 2 của startup Mỹ khởi một thị trường ở Đông Nam Á. Trước đó, Uber cũng bán toàn bộ thị phần tại Trung Quốc cho đối thủ địa phương và rút khỏi nước này.
Theo Reuters, các cuộc điều tra của giới chức Đông Nam Á có thể gây cản trở lớn đối với kế hoạch rút khỏi khu vực này của Uber nhằm tránh lỗ và nâng cao khả năng sinh lời. Trong khi đó, Grab cũng sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn từ đối thủ Go-Jek của Indonesia.
Theo nguồn tin của Reuters, Go-Jek đang có kế hoạch tiến quân ra nước ngoài đầu tiên trong vài tuần tới. Tờ Straits Times của Singapore cũng cho biết startup này dự định "phủ sóng" dịch vụ của mình tại Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khi đó, Philippines đang xem xét ít nhất 3 đơn đề nghị mở dịch vụ chia sẻ ôtô tại nước này, bà Johannes Bernabe, thành viên của PCC cho biết. Philippines giới hạn số lượng phương tiện tham gia dịch vụ này là 65.000 xe đối với tất cả công ty và tiến hành đánh giá 3 tháng một lần.