07:00 22/01/2025

Người Thái “hút” du khách tới Quỳnh Nhai

Chu Khôi

Mặt hồ thủy điện Sơn La rộng hơn 10.500 ha, với những dãy núi đá hùng vĩ, những hòn đảo lớn, nhỏ tạo nên vô vàn cảnh đẹp như “Hạ Long trên núi”, cùng với trầm tích văn hóa của người Thái đang trở thành nơi thu hút du khách. Huyện Quỳnh Nhai đang vươn lên trở thành một trong những điểm đến du lịch tiềm năng và hấp dẫn miền Tây Bắc…

Đảo Trái Tim trên hồ Thuỷ điện Sơn La.
Đảo Trái Tim trên hồ Thuỷ điện Sơn La.

Cùng với hơn 50 doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ du lịch, chúng tôi vừa tham gia Chương trình Famtrip “khảo sát, giới thiệu điểm đến, kết nối các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La”, do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Sơn La phối hợp với Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức. Hành trình đoàn Famtrip đến là huyện Thuận Châu và huyện Quỳnh Nhai. Đây là hai huyện liền kề chạy song song ở phía Tây Bắc xa xôi nhất của tỉnh Sơn La.

ĐÈO PHA ĐIN NHIỀU CHỨNG TÍCH LỊCH SỬ

Điểm dừng chân đầu tiên là Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở huyện Thuận Châu. Nhà tưởng niệm này được khánh thành vào năm 2018. Nơi này cách đây gần 65 năm, ngày 7/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại huyện Thuận Châu. Bác căn dặn cán bộ và nhân dân phải cùng nhau đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tích cực học tập đẩy lùi cái dốt, cái lạc hậu, xây dựng quê hương bình yên, giàu đẹp...

Tiếp đó, đoàn chúng tôi ngược lên đèo Pha Đin, nơi đây được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc, được thiên nhiên ưu ái khí hậu trong lành, thiên nhiên hùng vĩ. Trong năm 2024, Hội đồng Nhân dân huyện Thuận Châu đã ban hành Nghị quyết số 11 thông qua Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu lịch sử - văn hóa đèo Pha Đin.

Chúng tôi dừng chân trên đỉnh đèo, điểm cao nhất 1.648m so với mực nước biển, thắp hương tại Đền liệt sĩ trên đỉnh đèo. Đền thờ liệt sĩ được khánh thành vào ngày 26/4/2024, là công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại đây có khu du lịch Pha Đin Top của Hợp tác xã du lịch Pha Đin, du khách được giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, lưu giữ khoảnh khắc bên những vườn hoa sắc màu và được tìm hiểu lịch sử cung đèo Pha Đin trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Anh Bùi Ngọc Thắng, Giám đốc hợp tác xã, nhấn mạnh: “Đèo Pha Đin không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn có yếu tố địa lý độc đáo, nên chúng tôi quyết định đầu tư phát triển du lịch quy mô 9,6 ha. Bao gồm: rừng sinh thái, vườn hoa, dịch vụ ăn và nghỉ, tạo điểm nhấn đối với du khách. Trong năm 2024, Hợp tác xã du lịch Pha Đin đã đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm”.

Sang huyện Quỳnh Nhai, chúng tôi tham quan lòng hồ Thủy điện Sơn La. Ngay cạnh bến thuyền là cầu Pá Uôn như dải lụa dài bắc qua sông nước mênh mang. Với chiều dài 918 m, trụ cầu cao tới 98,6 m được xác lập kỷ lục là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam bắc qua sông Đà.

Đảo Trái Tim trên lòng hồ Thuỷ điện Sơn La.
Đảo Trái Tim trên lòng hồ Thuỷ điện Sơn La.

In bóng trên mặt hồ rộng hơn 10.500 ha là những dãy núi đá hùng vĩ, những hòn đảo lớn, nhỏ với những chiếc thuyền lẩn khuất sau làn sương mờ. Chúng tôi tham quan những địa điểm đẹp, hấp dẫn trên mặt biển hồ. Đó là điểm du lịch Pá Uôn Ecolakes, đảo Trái Tim, vịnh Bình Yên, đảo Pú Dăn, khu du lịch văn hóa tâm linh Quỳnh Nhai, khu du lịch sinh thái và những điểm du lịch cộng đồng tại bản Bon...

 

"Hiện trung bình mỗi tháng hợp tác xã Quỳnh Nhai Travel đón gần 1.000 lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm các hoạt động tại vịnh".

Anh Là Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Quỳnh Nhai Travel.

Vịnh Uy Phong (thuộc bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh) được bao bọc bởi trùng điệp núi non rất thơ mộng. Khu nhà nổi vịnh Uy Phong được Hợp tác xã Quỳnh Nhai Travel đầu tư xây dựng năm 2018 với diện tích gần 1.000 m2, cùng với một số hạng mục như nhà hàng, sân bóng chuyền hơi dưới nước, khu đua thuyền...

Anh Là Văn Phong, người dân tộc Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Quỳnh Nhai Travel, cho biết hợp tác xã được thành lập năm 2017, ban đầu chỉ đơn thuần tận dụng thuyền bè của người dân đưa khách đi thăm quan lòng hồ. Sau này, lượng du khách đến ngày một nhiều nên hợp tác xã đã đầu tư hai thuyền chở khách, sức chứa 40 và 60 người/thuyền, hình thành các tour tham quan, trải nghiệm tại lòng hồ. 

DU NGOẠN TRÊN SÔNG NƯỚC QUỲNH NHAI

Giới thiệu với chúng tôi về điểm du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La, chị Lù Thị Nhàn - hướng dẫn viên du lịch người dân tộc Thái, cho biết du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa và ẩm thực đặc sắc của 7 dân tộc sinh sống tại đây.

Đồng bào dân tộc Thái trắng ở Quỳnh Nhai còn được biết đến với lễ hội gội đầu được tổ chức vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm để tưởng nhớ Nàng Han, vị nữ tướng đã có công bảo vệ bản làng và xua đi những điều không tốt đẹp của năm cũ để cầu cho năm mới nhiều may mắn. Năm 2020, nghi lễ gội đầu (lung ta) của người Thái trắng Quỳnh Nhai được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

"Các món ăn dân tộc như khẩu lam, pa pỉnh tộp, gà mọc, hay những lễ hội như “Kin Pang Then”, “Gội đầu” của người Thái sẽ là những trải nghiệm khó quên đối với mọi du khách".

Lù Thị Nhàn - hướng dẫn viên du lịch người dân tộc Thái ở Quỳnh Nhai.

Đặc biệt, lễ hội đua thuyền truyền thống Quỳnh Nhai được tổ chức sau mỗi dịp Tết Nguyên Đán thu hút hàng ngàn du khách thập phương về tụ hội, là điểm nhấn nổi bật cho du lịch của miền đất giàu truyền thống văn hóa.

Trong đời sống tâm linh của các dân tộc miền núi Tây Bắc như Thái, Dao, Lự, Mảng, Nàng Han là một nhân vật huyền thoại, mang đậm dấu ấn anh hùng, giống như Bà Trưng, Bà Triệu trong truyền thuyết của người Kinh.

ĐỀN THỜ NỮ THẦN CỦA DÂN TỘC THÁI

Truyện kể rằng khi quân giặc tàn phá Mường So (Phong Thổ, Lai Châu), một chàng trai khôi ngô từ phương Nam đến, tập hợp thanh niên địa phương để chiến đấu. Sau chiến thắng, chàng tổ chức bữa tiệc và tắm gội bên suối Pá So Na. Lạ thay, khi tắm xong, chàng trai không quay lại mà chỉ để lại một bộ quần áo nữ. Người dân bản cho rằng nữ thần đã nhập vào thân xác chàng trai để giúp đỡ dân làng đánh giặc.

Câu chuyện về Nàng Han được lưu truyền rộng rãi ở nhiều vùng đất, từ Mường Than (Lai Châu), Mường Thanh (Điện Biên), Mường La (Sơn La), Mường Lò (Yên Bái)... Người Thái ở các huyện miền Tây Thanh Hóa cũng có tín ngưỡng lễ hội và thờ cúng Nàng Han mỗi dịp Tết đến, xuân về. Người già ở Mường Lò (Yên Bái) tin rằng 36 điệu xòe cổ nổi tiếng là do Nàng Han sáng tạo, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Thái.

Vịnh Bình Yên trên hồ Thuỷ điện Sơn La.
Vịnh Bình Yên trên hồ Thuỷ điện Sơn La.

Rời sông hồ bước lên bờ, chúng tôi đến khu quy hoạch du lịch văn hóa tâm linh Đền Linh Sơn - Thủy Từ Nàng Han. Khu du lịch ba mặt nằm trên một bán đảo núi cao, ba mặt hướng về phía sông Đà. Trong quần thể có đền thờ Linh Sơn - Thủy Từ và Nàng Han được khánh thành năm 2012.

Đi qua Đền thờ Nàng Han, ngay ở phía sau trên đỉnh núi hiện diện pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm khổng lồ, được khánh thành tháng 11/2020, cao 32m ở thế “tựa sơn hướng thủy”. Cách đây hơn 17 năm, người Thái ở huyện Quỳnh Nhai tổ chức hội xòe để chia tay vùng đất cũ nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Ngày nay, vùng đất cổ Quỳnh Nhai đã ngập dưới 9 tỷ m3 nước của lòng hồ thủy điện Sơn La.

Tại một núi cao giữa hồ, tỉnh Sơn La xây đài tưởng niệm để vinh danh hàng nghìn người Thái đã nhường đất vì dòng điện của Tổ quốc. Từ đó, cứ đến chiều 30 Tết, người Thái ở các khu tái định cư mới lại lũ lượt chèo thuyền đến Đài tưởng niệm ở giữa mênh mông lòng hồ cũng là nơi làm giỗ Nàng Han.

Năm 2012, tỉnh Sơn La đã xây dựng Đền thờ Nàng Han tại xã Mường Giàng, vùng đất tái định cư mới của người Thái bên hồ Thủy điện Sơn La. Hơn chục năm nay, tỉnh Sơn La cũng khôi phục lại lễ hội gội đầu ở bản Phiêng Lanh, xã Mường Giàng.

Theo lãnh đạo huyện Quỳnh Nhai, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quỳnh Nhai đang nỗ lực xây dựng hạ tầng và sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách.

Phát triển du lịch đang trở thành sinh kế quan trọng của nhiều hộ người dân tộc Thái nói riêng, bảy dân tộc nói chung ở Quỳnh Nhai. Huyện Quỳnh Nhai xác định đến năm 2030 phát triển du lịch trở thành khu du lịch cấp tỉnh và là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp từ 10% GRDP của huyện, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 3-20245 phát hành ngày 20/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Người Thái “hút” du khách tới Quỳnh Nhai  - Ảnh 1