08:45 12/02/2024

Nguy cơ từ 1 nghìn tỷ USD vốn vay trong mạng lưới ngân hàng ngầm ở Mỹ

An Huy

Con số này được đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ cảnh báo rằng mối quan hệ gia tăng giữa các tổ chức cho vay truyền thống và các tổ chức cho vay thay thế có thể dẫn tới rủi ro hệ thống...

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC - Ảnh: Reuters.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC - Ảnh: Reuters.

Lượng vốn mà các định chế tài chính Mỹ cho vay đối với các ngân hàng ngầm (shadow bank) ở nước này đã vượt qua mốc 1 nghìn tỷ USD. Con số này được đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ cảnh báo rằng mối quan hệ gia tăng giữa các tổ chức cho vay truyền thống và các tổ chức cho vay thay thế có thể dẫn tới rủi ro hệ thống.

Báo cáo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 9/2 cho thấy số dư vốn vay mà các ngân hàng thương mại ở nước này cấp cho các ngân hàng ngầm vào thời điểm cuối tháng 1 đã vượt mức 13 con số. Các ngân hàng ngầm - bao gồm các công ty công nghệ tài chính, tổ chức tín dụng tư nhân, quỹ phòng hộ, công ty đầu tư cổ phần tư nhân, các nhà cho vay trực tiếp… - sử dụng tiền vay từ các ngân hàng thương mại làm đòn bẩy đầu tư và cho vay đối với nhiều đối tượng khách hàng có mức độ rủi ro cao mà cơ quan quản lý yêu cầu ngân hàng thương mại hạn chế cấp vốn vay.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng vốn vay mà các ngân hàng thương mại cấp cho các ngân hàng ngầm ở Mỹ đã tăng 12%, đưa mảng cho vay này trở thành bộ phận tăng trưởng nhanh nhất trong hệ thống ngân hàng. Tổng lượng vốn vay của cả hệ thống ngân hàng Mỹ chỉ tăng 2% trong cùng khoảng thời gian.

Sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động cấp vốn vay ngân hàng cho các ngân hàng ngầm khiến giới chức Mỹ lo ngại, vì họ có rất ít thông tin và không có đủ quy định giám sát liên quan tới rủi ro của các ngân hàng ngầm. Tháng trước, nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố sẽ tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa các ngân hàng truyền thống và ngân hàng ngầm.

Quyền trưởng Văn phòng Kiểm toán tiền tệ Mỹ (OCC) Michael Hsu, một trong những cơ quan giám sát ngân hàng cấp cao nhất ở Mỹ, mới đây nói với tờ báo Financial Times rằng các ngân hàng ngầm - với mức độ kiểm soát lỏng lẻo - đang đẩy các ngân hàng thương mại tới chỗ phải gánh một lượng lớn những khoản nợ chất lượng thấp và rủi ro cao.

“Chúng tôi cần phải giải quyết tận gốc rễ vấn đề này. Tôi cho rằng một trong những biện pháp cần phải thực thi là theo dõi kỹ lưỡng các tổ chức ngân hàng ngầm”, ông Hsu nói.

Tăng trưởng vốn cho vay của các ngân hàng thương mại Mỹ nói chung (màu đỏ) và tăng trưởng vốn cho vay của các ngân hàng thương mại Mỹ cấp cho các ngân hàng ngầm (màu xanh) từ tháng 1/2023 đến hết tháng 1/2024 Đơn vị: %.
Tăng trưởng vốn cho vay của các ngân hàng thương mại Mỹ nói chung (màu đỏ) và tăng trưởng vốn cho vay của các ngân hàng thương mại Mỹ cấp cho các ngân hàng ngầm (màu xanh) từ tháng 1/2023 đến hết tháng 1/2024 Đơn vị: %.

Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại của Mỹ đã tìm cách thắt chặt quan hệ với các ngân hàng ngầm. Vào tháng trước, Citigroup tuyên bố sẽ hợp tác với một công ty quản lý tài sản có tên LuminArx để cung cấp “giải pháp đòn bẩy sáng tạo” cho một quỹ cho vay 2 tỷ USD cuẩ công ty này. Citigroup cũng dẫn đầu một nhóm cho vay cấp khoản vay 310 triệu USD cho Sunbit, một công ty “mua trước trả sau” chuyên cung cấp dịch vụ cho các xưởng sửa chữa ô tô và phòng khám nha khoa.

Năm ngoái, ngân hàng Wells Fargo ký một thoả thuận cấp vốn vay hàng tỷ USD cho một quỹ tín dụng mới vận hành bởi Centerbridge - một công ty đầu tư cổ phần tư nhân có quy mô 40 tỷ USD.

Năm 2010, các ngân hàng thương mại ở Mỹ bắt đầu phải công bố cụ thể số vốn vay cấp cho các ngân hàng ngầm. Ở thời điểm đó, lượng vốn mà cả hệ thống ngân hàng Mỹ cấp cho các ngân hàng ngầm mới là hơn 50 tỷ USD. Hiện nay, riêng JPMorgan Chase đã có số dư cho vay đối với các ngân hàng ngầm nhiều gấp đôi con số đó.

Tính toàn hệ thống ngân hàng Mỹ, số dư vốn vay cấp cho các ngân hàng ngầm ở thời điểm cuối tháng 1 vừa qua chiếm hơn 6% tổng dư nợ cho vay, nhiều hơn mức 5% của dư nợ cho vay mua ô tô và ít hơn dư nợ cho vay qua thẻ tín dụng - mảng cho vay vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD lần đầu tiên vào năm ngoái và chiếm tỷ trọng 7%.

Cuối năm 2023, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đề xuất quy định các ngân hàng thương mại phải công bố thêm dữ liệu về việc họ cho vay đối với các dạng ngân hàng ngầm nào. Thay vì chỉ báo cáo một mục chung là cho vay đối với các tổ chức tài chính không được phép tiếp nhận tiền gửi, các ngân hàng có thể sẽ phải liệt kê chi tiết lượng vốn vay cấp cho từng đối tượng trong mục này như công ty đầu tư cổ phần tư nhân, quỹ tín dụng, và các tổ chức cho vay tiêu dùng khác.

“Chúng ta cần những con số cụ thể hơn. Có nhiều vốn vay vay đòn bẩy đã chảy vào thị trường tài chính, và đây có thể là một lĩnh vực có nhiều rủi ro tiềm ẩn mà nhà đầu tư cần quan tâm”, nhà phân tích Gerard Cassidy của công ty RBC Capital Markets nhận định.