08:15 12/02/2019

Nhà đầu tư thận trọng, chứng khoán Mỹ giằng co phiên đầu tuần

Bình Minh

“Điều này phản ánh mối lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ngày càng lớn”, một chiến lược gia nhận xét

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giằng co trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi giới đầu tư thận trọng về vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, tình trạng bế tắc trong cuộc đàm phán ngân sách tại Quốc hội Mỹ, và triển vọng lợi nhuận 2019 xấu đi của các công ty niêm yết.

Lúc đóng cửa, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng tăng không đáng kể, trong khi chỉ số Dow Jones giảm điểm.

Ngày 11/2, Mỹ và Trung Quốc đã khởi động vòng đàm phán thương mại mới tại Bắc Kinh. Hãng tin Reuters cho biết, sau ngày đàm phán đầu tiên, hai nước cùng bày tỏ lạc quan, nhưng các nhà quan sát vẫn lo ngại rằng khác biệt lớn giữa hai bên trong những vấn đề quan trọng tiếp tục là trở ngại đối với khả năng đạt một thỏa thuận.

Tại Washington, lãnh đạo Quốc hội Mỹ đang nỗ lực đạt một thỏa thuận về ngân sách an ninh biên giới nhằm ngăn nguy cơ Chính phủ nước này một lần nữa rơi vào tình trạng đóng cửa. Mặc dù vậy, vẫn chưa có bước tiến lớn nào đạt được giữa các nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ.

Đến thời điểm này, 2/3 trong số các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2018. Trong đó, có 71,2% đưa ra mức lợi nhuận tốt hơn dự báo.

Mức tăng trưởng lợi nhuận quý 4 của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện được ước tính ở mức 16,5%, so với mức tăng 15,8% đạt được trong quý 1/2018.

Tuy nhiên, các dự báo về tăng trưởng lợi nhuận qúy 1/2019 đã bị cắt giảm nhiều. Giới phân tích dự báo lợi nhuận quý 1 này giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý giảm đầu tiên kể từ quý 2/2016.

"Điều này phản ánh mối lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ngày càng lớn", chiến lược gia trưởng về đầu tư Robert Pavlik thuộc SlateStone Wealth ở New York nhận xét. "Đó là hiệu ứng của thuế quan và một chút hệ quả của chính sách tiền tệ thắt chặt".

Chốt phiên giao dịch đầu tuần, Dow Jones hạ 0,21%, còn 25.053,11 điểm. S&P 500 tăng 0,07%, đạt 2.709,8 điểm. Nasdaq tăng 0,13%, đạt 7.037,91 điểm.

Sự giảm điểm của chứng khoán Mỹ phiên này diễn ra tập trung. Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, chỉ có ba nhóm là dịch vụ truyền thông, tiện ích và y tế đóng cửa trong trạng thái giảm.

Những cổ phiếu công nghiệp nhạy cảm với thuế quan như Union Pacific, General Electric và FedEx dẫn đầu sự tăng điểm của S&P 500 phiên này. Cổ phiếu y tế là nhóm gây áp lực giảm điểm lên Dow Jones, đặc biệt là United Health, Pfizer và Merck với mức giảm hơn 1% mỗi cổ phiếu.

Cổ phiếu Tesla tăng 2,3% sau khi được một công ty phân tích nâng khuyến nghị từ "giữ" lên "mua". Hãng xe điện cho biết đợt giảm giá xe gần đây đang giúp hãng đạt mục tiêu về mẫu xe Model 3 có mức giá phải chăng hơn.

Cổ phiếu Apple giảm 0,6% sau khi hãng nghiên cứu thị trường công nghệ IDC cho biết doanh số điện thoại iPhone tại thị trường Trung Quốc giảm 20% trong quý 4/2018.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,86 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,52 lần.

Có tổng cộng 6,23 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên này, so với mức bình quân 7,43 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.