21:13 07/04/2025

Nhận diện những “hầm trú ẩn” giữa cơn địa chấn chứng khoán toàn cầu

An Huy

Song song với việc bán tháo những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu, nhà đầu tư đang tìm kiếm các “hầm trú ẩn” để bảo toàn giá trị tài sản...

Đồng yên Nhật đang là một tài sản an toàn được giới đầu tư toàn cầu ưa chuộng - Ảnh: Reuters.
Đồng yên Nhật đang là một tài sản an toàn được giới đầu tư toàn cầu ưa chuộng - Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh kế hoạch thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra một cơn địa chấn trên thị trường tài chính toàn cầu, những tài sản an toàn được ưa chuộng hiện tại là đồng yên Nhật, đồng franc Thụy Sỹ, trái phiếu chính phủ, và một số ít tài sản “lạ” - theo hãng tin CNBC.

“Đồng yên Nhật sẽ là một tài sản tốt, thậm chí là tốt nhất, để trú ẩn khỏi căng thẳng thương mại và một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ, vì nhiều lý do quen thuộc”, chiến lược gia trưởng Ebrahim Rahbari của công ty Absolute Strategy Research nhận định trong một cuộc trao đổi với CNBC.

SỨC HÚT CỦA YÊN NHẬT VÀ FRANC THỤY SỸ

“Đồng yên đang rẻ, mà khả năng cao là Mỹ sẽ tiếp tục giảm lãi suất sẽ thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa đồng USD với đồng yên, và dù Nhật Bản là một nước xuất khẩu lớn, mức độ phụ thuộc nói chung của nền kinh tế Nhật vào xuất khẩu hiện đã giảm so với trước, nhất là vì chính sách tài khóa của Nhật Bản đang nới lỏng”, ông Rahbari viết trong một email.

Đồng yên đã tăng giá khoảng 3% so với đồng USD kể từ hôm 2/4 - thời điểm ông Trump công bố thuế quan đối ứng từ 10% áp lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Phiên ngày 7/4 tại thị trường châu Á, tỷ giá yên so với USD giao dịch ở mức khoảng 146,7 yên đổi 1 USD.

Ông Rahbari nói thêm rằng đồng franc Thụy Sỹ cũng là một “ứng cử viên nổi bật khác” để trở thành một tài sản phòng hộ cho nhà đầu tư. Tương tự đồng yên, đồng franc Thụy Sỹ cũng đã tăng giá hơn 3% so với USD, đạt mức dưới 0,85 franc đổi 1 USD, cao nhất trong 6 tháng trở lại đây.

Một chiến lược gia khác cũng có chung quan điểm cho rằng yên Nhật và franc Thụy Sỹ đang là những lựa chọn tốt nhất để phòng hộ trước ảnh hưởng từ thuế quan của ông Trump. “Cả yên Nhật và franc Thụy Sỹ đều là những tiền tệ tốt để giảm bớt ảnh hưởng từ sự phản ứng của thị trường với thuế quan của ông Trump”, chiến lược gia trưởng Matt Orton của công ty Raymond James Investment Management nhận xét.

Tuy nhiên, ông Orton dự báo franc Thụy Sỹ sẽ phát huy vai trò phòng hộ tốt hơn so với đồng yên, xét tới sự bất định liên quan tới đường đi lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Trong khi đó, ông Jeff Ng - trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô châu Á của ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation - cho rằng đồng yên thường vượt trội trong các trường hợp xảy ra suy thoái kinh tế hoặc khủng hoảng toàn cầu. “Ngay cả khi thế giới tránh được một cuộc hạ cánh cứng kinh tế, yên cũng có thể vượt trội vì BOJ sẽ tăng lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương khác đều hạ lãi suất”, ông Ng nhấn mạnh.

Nhưng ông Ng cũng cảnh báo rằng nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với những trở ngại lớn từ thuế quan của ông Trump, nhất là thuế quan đối với ô tô và linh kiện ô tô. Nếu nền kinh tế giảm tốc, BOJ sẽ nghiêng về giữ lãi suất ở mức thấp và điều đó sẽ đặt ra áp lực mất giá đối với đồng yên.

Một câu hỏi thú vị hơn được đặt ra ở thời điểm này là liệu có những kênh phòng hộ “lạ” hơn so với những tài sản an toàn kinh điển như yên Nhật hay franc Thụy Sỹ hay không - theo ông Rahbari. Và nhà chiến lược này đưa ra một câu trả lời là đồng real của Brazil.

“Ý tưởng này dựa trên cơ sở là đồng real đang rẻ, có chênh lệch lãi suất lớn so với nhiều đồng tiền khác, và có khả năng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại tương đối thấp so với các đồng tiền khác”, ông Rahbari nói. Ông cho biết thêm rằng real là một trong những đồng tiền có mức tăng vượt trội trong năm nay.

TRÁI PHIẾU VÀ VÀNG CŨNG "ĐẮT HÀNG"

Ngoài các tài sản nêu trên, giới đầu tư còn đang ưa chuộng tiền mặt và những tài sản an toàn truyền thống khác như trái phiếu chính phủ có định hạng tín nhiệm cao.

Lợi suất trái phiếu đang giảm mạnh, phản ánh giá trái phiếu tăng và nhu cầu đối với trái phiếu lên cao. Phiên ngày 7/4, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc giảm dưới 3,9%, thấp nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,05%, từ mức gần 1,47% hôm 2/4, mức thấp nhất trong 4 tháng.

Bên cạnh đó, vàng cũng được nhận định là một tài sản an toàn được ưa chuộng trong bối cảnh hiện nay. Vàng đã lập kỷ lục giá mới vào hôm thứ Năm tuần trước, một ngày sau khi ông Trump công bố thuế quan đối ứng. Sau đó, vàng bị bán tháo do nhiều nhà đầu tư huy động tiền mặt để bù lỗ chứng khoán. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định kim loại quý này còn nhiều dư địa tăng giá giữa lúc rủi ro còn phủ bóng lên thị trường tài chính.

“Vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi sự bất định về thương mại, căng thẳng địa chính trị gia tăng, đồng USD yếu, nhu cầu mua ròng của các ngân hàng trung ương, và nguy cơ suy thoái kinh tế tăng cao”, theo một báo cáo của công ty BMI.

JPMorgan Chase nhận định khả năng xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu trong thời gian từ nay tới cuối năm là 60%, tăng từ mức 40% mà ngân hàng này đưa ra gần đây. Goldman Sachs cũng nâng dự báo khả năng suy thoái kinh tế Mỹ lên 45%, từ mức 35% đưa ra vào tuần trước.

Chiến lược gia Ng nói vàng luôn là một tài sản an toàn khi xảy ra khủng hoảng tài chính, nhấn mạnh rằng nhu cầu vàng của các nhà đầu tư tư nhân và ngân hàng trung ương vẫn cao. Dù vậy, ông cũng cho rằng giá vàng đang cao.

Ông Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu của công ty BullionVault, nói rằng lý do khiến vàng tăng giá mạnh ngay khi bước sang năm 2025 và ngày càng tăng mạnh hơn chính là thuế quan của ông Trump.

“Thương mại suy yếu, chi phí đầu vào cao hơn, và biên lợi nhuận giảm đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán, trong khi sự mất niềm tin địa chính trị đang gia tăng. Một viễn cảnh tăng trưởng kinh tế u ám như vậy là bức nền hoàn hảo để vàng tiếp tục tăng giá”, ông Ash nói với CNBC.