Nhanh chóng tháo gỡ pháp lý cho condotel
Để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển bền vững, thì vấn đề pháp lý cho condotel cần nhanh chóng được tháo gỡ
Mặc dù nhu cầu cũng như tiềm năng phát triển của phân khúc bất động sản condotel là rất lớn, nhưng thời gian gần đây, loại hình này bị "bỏ rơi" bởi chưa có pháp lý rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, trong bối cảnh "hoang mang" về pháp lý, nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều đến hiệu quả đầu tư, thương hiệu của đơn vị phát triển dự án, đồng thời yếu tố sở hữu lâu dài cũng không còn là trở ngại về mặt tâm lý. Song để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển bền vững, thì vấn đề pháp lý cho condotel cần nhanh chóng được tháo gỡ.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của phân khúc codotel tại Việt Nam?
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch, nhu cầu về cơ sở lưu trú tại Việt Nam cũng tăng rất nhanh. Năm 2017, ngành du lịch đã đạt được mục tiêu của năm 2025 với 13 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách nội địa.
Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trong đó xác định lại mục tiêu: đến 2020 thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa và thực tế 2018 – 2019 diễn ra đúng như vậy.
Tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam được ghi nhận cao gấp ba lần so với mức tăng trưởng trung bình của toàn cầu kéo theo nhu cầu lớn về bất động sản du lịch.
Mặc dù đã có nhiều dự án quy mô lớn, đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ, đẳng cấp quốc tế được các chủ đầu tư bất động sản lớn hoạch định, triển khai và nhiều thương hiệu cũng như loại hình sản phẩm mới đi vào hoạt động nhưng trong những ngày lễ, Tết, tại Phú Quốc, Nha Trang, Quảng Ninh... đều "cháy" phòng.
So với mức tăng trưởng gần 30%/năm về du lịch, nước ta còn thiếu khoảng 50.000 - 70.000 phòng lưu trú. Condotel là loại hình phổ biến trên thế giới và chiếm phần lớn trong tổng nhu cầu bất động sản lưu trú của du khách tại các địa điểm du lịch.
Hầu hết các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đánh giá tiềm năng phát triển condotel tại Việt Nam là rất lớn. Trong bối cảnh đó, việc cải thiện cơ sở hạ tầng với các đường bay quốc tế mới, chính sách khích lệ từ Chính phủ và sự đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân, dự kiến sự tăng trưởng của thị trường vẫn sẽ tiếp tục trong năm tới, thậm chí còn được thúc đẩy nhiều hơn nhờ vào các xu hướng mới trên toàn cầu.
Tiềm năng lớn nhưng các nhà đầu tư hiện vẫn đang dè dặt khi ra quyết định đầu tư. Nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
Những vướng mắc về pháp lý đang làm hạn chế sự phát triển của thị trường này. Nhiều vấn đề liên quan đến condotel chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh hướng dẫn, gây lúng túng trong quy trình quản lý.
Quy chuẩn quy hoạch, quy định về chuyển nhượng hợp đồng mua bán sản phẩm hình thành trong tương lai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu cho người mua, đặc biệt là thời hạn sở hữu đối với condotel... chưa được rõ ràng đang làm nản lòng khách hàng và cả các chủ đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan phải sớm nghiên cứu và ban hành, song việc triển khai vẫn chậm, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, sức nóng của loại hình bất động sản này vẫn không hề có dấu hiệu giảm sút. Vì vậy, Hiệp hội bất động sản Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản pháp luật có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, an tâm cho nhà đầu tư và làm cơ sở để quản lý nhà nước, đồng thời giúp cho thị trường bất động sản du lịch nói chung, condotel nói riêng phát triển tương xứng với tiềm năng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thực tế, khách hàng còn dè dặt khi ra quyết định là bởi thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá "màu mỡ" nên thời gian qua có sự gia nhập của rất nhiều chủ đầu tư, từ những doanh nghiệp uy tín đến những doanh nghiệp còn yếu về năng lực, khiến khách hàng bị nhiễu loạn thông tin. Nhiều chủ đầu tư muốn thu hút người mua đã đưa ra mức cam kết lợi nhuận 8 - 12%/năm, nhưng không thực hiện được, đã gây mất niềm tin trên thị trường.
Vậy, theo ông, thị trường condotel sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới?
Thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, trong quý 3/2019, lượng cung bất động sản nghỉ dưỡng giảm mạnh nhưng tỷ lệ hấp thụ lại có chiều hướng tăng.
Giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở các dự án của các chủ đầu tư uy tín và có kinh nghiệm. Bởi giữa những hoang mang về pháp lý cũng như tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, khách hàng có xu hướng "chọn mặt gửi vàng" vào những chủ đầu tư uy tín như Vingroup, Sungroup...
Ngoài ra, những dự án có vị trí đẹp nằm trong quần thể nghỉ dưỡng với chuỗi tiện ích, dịch vụ cao cấp, vui chơi, mua sắm 24/7 đang là xu hướng đầu tư hiện nay, bởi tiềm năng tăng giá nhờ thu hút du lịch.
Bên cạnh các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, giải trí truyền thống, một loại hình mới hiện cũng đang nhận được sự quan tâm của thị trường là casino. Tại Việt Nam, mô hình này đang được đầu tư ở Phú Quốc có nhiều lợi thế về khí hậu, cảnh quan, hạ tầng du lịch. Khi có thêm dòng sản phẩm đặc biệt này, chắc chắn sẽ thu hút khách quốc tế, nhất là nhóm khách giàu có, kích thích nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong khi lưu trú tại đây, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho khu vực.
Như vậy, hiện nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả đầu tư, thương hiệu của đơn vị phát triển và quản lý vận hành dự án nghỉ dưỡng, giảm bớt quan tâm đến cam kết lợi nhuận. Yếu tố sở hữu lâu dài cũng không còn là trở ngại về mặt tâm lý đối với khách hàng. Từ đó giúp cho thị trường thanh lọc các chủ đầu tư yếu kém, đồng thời giúp giao dịch condotel sôi động trở lại. Tôi cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.