19:11 05/11/2024

Nhiều bất cập trong quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề

Phan Nam

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho biết nhiều địa phương chưa xây dựng, ban hành đầy đủ văn bản, quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề, cụm công nghiệp; vẫn còn tình trạng cấp phép thành lập mới đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại các làng nghề…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 05/11, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ kiến thức của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) với chủ đề “Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề”.

LỢI ÍCH ĐI CÙNG NHỮNG THÁCH THỨC

Theo thông tin tại hội thảo, hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các cụm công nghiệp và làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng mang đến những thách thức lớn về môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống nếu không được kiểm soát hiệu quả.

Trong khi đó, môi trường đóng vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế, xã hội thông qua việc cung cấp tài nguyên và điều kiện sống cho con người; là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững các quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề toàn cầu được quan tâm đặc biệt.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết tại cuộc họp định kỳ lần thứ ba của Ủy ban Chia sẻ kiến thức ASEANSAI ngày 22/7/2022, Ủy ban đã thống nhất tổ chức hội thảo chia sẻ kiến thức với chủ đề “Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề” trên cơ sở đề xuất của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam - Trưởng dự án chia sẻ kiến thức năm 2024.

Xuất phát từ thực trạng và những thách thức hiện hữu trong công tác quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề, trong những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng đã thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường với nội dung công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội) và ở các tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh.

Miến được phơi tại làng nghề ở Hoài Đức - Ảnh minh hoạ
Miến được phơi tại làng nghề ở Hoài Đức - Ảnh minh hoạ

Qua đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật, đồng thời, cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong chính sách, công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề.

Cụ thể, như: Các địa phương chưa xây dựng, ban hành đầy đủ văn bản, quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề, cụm công nghiệp; một số văn bản đã được ban hành nhưng chưa kịp thời cập nhật, điều chỉnh theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020; vẫn còn tình trạng cấp phép thành lập mới đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại các làng nghề mà trước đó đã được rà soát, đánh giá và phân loại là ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chưa hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết để phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường...

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về môi trường; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách chưa nhất quán, chưa phù hợp với thực tiễn; góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan chức năng khi thực hiện các chính sách về môi trường.

ĐEM LẠI NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

“Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý nhà nước, đồng thời, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế và bảo vệ môi trường. Qua công tác kiểm toán, UBND tỉnh Nam Định nhận thấy việc kiểm toán trách nhiệm công tác quản lý nói chung và trách nhiệm quản lý công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp làng nghề nói riêng là việc quan trọng, cần phải triển khai thực hiện đồng bộ từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh và chính quyền địa phương" - bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, đánh giá.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cũng chia sẻ: thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, địa phương triển khai khắc phục những tồn tại trong công tác xây dựng, ban hành và sửa đổi các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản số 2686/UBND-KT ngày 15/5/2024 chỉ đạo: “Không tiếp nhận thêm dự án đầu tư mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong cụm công nghiệp nếu không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ…”.

“Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tập trung cao cho công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” – Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cam kết.

Trao đổi tại hội thảo, đại diện SAI Indonesia đã chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán làng du lịch và tác động môi trường. Còn đại diện của SAI Brunei thì bàn về kiểm toán việc kiểm soát ô nhiễm cho phát triển công nghiệp, bao gồm chú trọng kiểm soát ô nhiễm không khí, môi trường nước, kiểm toán phân loại chất thải …

Trong khi đó, đại diện SAI Malaysia cho biết trong quá trình thực hiện kiểm toán quản lý nguồn nước quốc gia, SAI Malaysia đã phát hiện có 140 dự án bị trì hoãn, vượt quá thời gian theo tiến độ đã đề ra, gây thiệt hại 4,753 tỷ ringgit Malaysia. Bên cạnh đó, SAI Malaysia cũng phát hiện ô nhiễm chất lượng nước đến từ nước thải của các nhà máy xử lý nước thải là một trong những nguồn ô nhiễm cao nhất đối với nhu cầu oxy sinh hóa (BOD), ước tính đạt 343,45 tấn mỗi ngày.

Trên cơ sở đó, SAI Malaysia kiến nghị tăng cường giám sát việc hoàn thành và phát triển dự án chất lượng nước để có thể hoàn thành trong thời gian quy định. Đồng thời, cải thiện việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm và các thông số xử lý một cách hiệu quả hơn...

Nhấn mạnh cam kết của các SAI thành viên với những nỗ lực phát triển kiểm toán môi trường tại quốc gia và khu vực, bà Datuk Wan Suraya Wan Mohd Radzi, Tổng Kiểm toán nhà nước Malaysia, Chủ tịch Ủy ban Chia sẻ kiến thức của ASEANSAI, bày tỏ: Yếu tố môi trường là nền móng cho sự tồn tại và phát triển của toàn xã hội. Do đó, việc bảo vệ môi trường không chỉ là một vấn đề cần làm, đó còn là một nhiệm vụ thể hiện đạo đức của mỗi cá nhân, tập thể.

“Ủy ban Chia sẻ kiến thức ASEANSAI cam kết mạnh mẽ sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để tăng cường vai trò trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi sự quy tụ tất cả các kiểm toán viên của cộng đồng ASEAN, là minh chứng cho sự cống hiến của tất cả chúng ta vì một tương lai bền vững”, Tổng Kiểm toán nhà nước Malaysia khẳng định.