Nhiều doanh nghiệp châu Á lo Brexit
Tỷ phú số một Hồng Kông tuyên bố nếu Anh rời EU, chắc chắn ông sẽ giảm mạnh đầu tư tại nước này
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp châu Á đang hồi hộp dõi theo cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 về việc Anh rời khỏi EU, bởi quyết định của cử tri Anh sẽ có ảnh hưởng nhất định lên công việc kinh doanh của họ, theo báo Nikkei.
Việc Anh đi hay ở lại Liên minh Châu Âu (EU) hiện là đề tài rất nóng ở Hồng Kông. Gần đây, một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất Hồng Kông, ông Lý Gia Thành, đã có những tuyên bố cho thấy sự lo lắng tác động tiêu cực có thể xảy đến nếu Anh ra khỏi EU, hay còn gọi là Brexit - thuật ngữ ghép giữa hai từ Britain (nước Anh) và exit (rời khỏi).
“Nếu khả năng Brexit trở thành sự thật, bản thân kinh tế Anh sẽ chịu nhiều tác động xấu, đó là chưa nói đến rất nhiều hệ lụy lên kinh tế EU”, ông Lý nhận định.
Tỷ phú Lý Gia Thành hiện đang giữ chức chủ tịch tập đoàn CK Hutchison Holdings. Công ty do ông đang quản lý nắm khoảng hơn nửa trong tổng tài sản ước khoảng 1 nghìn tỷ đôla Hồng Kông tức 129 tỷ USD của tập đoàn CK Hutchison Holdings.
Trong bài trả lời báo giới mới đây, ông mong muốn mạnh mẽ về việc cử tri Anh sẽ quyết định không chấp thuận Brexit.
Lý Gia Thành hiện là người giàu nhất tại Hồng Kông với một đế chế kinh doanh lớn trong nhiều lĩnh vực, từ viễn thông, bán lẻ, điện cho đến cung cấp nước sạch tại Hồng Kông cũng như tại Anh.
Lý Gia Thành tuyên bố nếu Anh rời EU, chắc chắn ông sẽ giảm mạnh đầu tư tại nước này. Trong các cuộc trưng cầu dân ý mới đây tại Anh, đã có không ít những lời kêu gọi nhằm nhắc nhở cử tri Anh về việc Brexit sẽ tác động xấu đến đầu tư nước ngoài vào Anh.
Lý Gia Thành tuyên bố nếu Anh rời EU, chắc chắn ông sẽ giảm mạnh đầu tư tại nước này. Trong các cuộc trưng cầu dân ý mới đây tại Anh, đã có không ít những lời kêu gọi nhằm nhắc nhở cử tri Anh về việc Brexit sẽ tác động xấu đến đầu tư nước ngoài vào Anh.
Lãnh đạo của chính quyền Hồng Kông cũng đã thể hiện quan điểm không ủng hộ Brexit. Theo người đứng đầu chính quyền Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh, Brexit sẽ tác động mạnh ngay lập tức đến Hồng Kông bởi kinh tế Hồng Kông nhỏ, có độ mở cao và có khá nhiều mối liên quan với kinh tế Anh.
Tại Ấn Độ, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp không khỏi băn khoăn khi thời gian gần đây, kết quả các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy nội bộ công chúng Anh rất chia rẽ về vấn đề Brexit.
“Đối với Tech Mahindra, Anh là cửa ngõ để vào châu Âu. Chúng tôi tin rằng một thị trường thống nhất sẽ tốt hơn. Nếu Brexit xảy ra, chúng tôi sẽ phải cân nhắc điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình, khi đó công việc kinh doanh chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực bởi bất kỳ thay đổi nào cần khoảng 6 đến 7 tháng để hoàn tất”, lãnh đạo công ty công nghệ Tech Mahindra tại Ấn Độ dự báo về những khó khăn hậu Brexit.
“Đối với Tech Mahindra, Anh là cửa ngõ để vào châu Âu. Chúng tôi tin rằng một thị trường thống nhất sẽ tốt hơn. Nếu Brexit xảy ra, chúng tôi sẽ phải cân nhắc điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình, khi đó công việc kinh doanh chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực bởi bất kỳ thay đổi nào cần khoảng 6 đến 7 tháng để hoàn tất”, lãnh đạo công ty công nghệ Tech Mahindra tại Ấn Độ dự báo về những khó khăn hậu Brexit.
Còn đối với Jaguar Land Rover, chi nhánh tại Anh của tập đoàn Tata Motors - Ấn Độ, lợi nhuận thường niên của công ty có thể giảm 1,47 tỷ USD trong kịch bản Brexit. Những nguồn tin mới nhất cho thấy công ty đã cân nhắc mở một văn phòng mới tại châu Âu nếu Brexit xảy ra. Châu Âu là thị trường lớn nhất của Jaguar Land Rover.
Cùng lúc đó, nhiều người đứng đầu doanh nghiệp Nhật cũng không cảm thấy dễ chịu với Brexit. Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Nikkei cho thấy khoảng 27,6% số lãnh đạo doanh nghiệp khi được hỏi khẳng định Brexit sẽ ảnh hưởng xấu lên công việc kinh doanh của họ; 52,9% dự báo về những tác động có phần tiêu cực.
“Nếu Brexit thành sự thực, chúng tôi sẽ phải cân nhắc lại về việc đặt trụ sở tại Anh để điều hành hoạt động kinh doanh tại nhiều nước châu Âu khác. Những doanh nghiệp đang hoạt động tại Anh hoặc đóng trụ sở điều hành tại đây sẽ chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng”, chủ tịch tập đoàn Mitsui&Co, ông Tatsuo Yasunaga, lo lắng.
Chủ tịch tập đoàn Nippon Steel & Sumitomo Metal, ông Kosei Shindo, cũng có tâm lý bi quan tương tự: “Các công ty Nhật có hoạt động tại Anh sẽ buộc phải thay đổi văn phòng đại diện hoặc trụ sở chính để bao quát được công việc kinh doanh tại châu Âu. Không gì có thể ngăn được tác động tiêu cực của Brexit lên kinh tế Anh, châu Âu và nhiều doanh nghiệp khác”.
Còn theo chủ tịch tập đoàn Mitsubishi Chemical Holdings, ông Hitoshi Ochi, đối với những doanh nghiệp có hoạt động tại Anh, việc Anh là thành viên của EU cực kỳ quan trọng. Trong trường hợp Brexit, họ sẽ phải thay đổi lại toàn bộ kế hoạch kinh doanh đã áp dụng suốt nhiều năm.
Số liệu của Bộ Ngoại giao Nhật cho thấy tính đến ngày 1/10/2015, có 1.021 doanh nghiệp Nhật có hiện diện tại Anh.