Nhiều doanh nghiệp FDI muốn "rót" thêm vốn vào Quảng Nam
Với hơn 200 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6,35 tỷ USD, mỗi năm các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đóng góp ngân sách vào tỉnh hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 57.000 lao động tại địa phương…
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã cấp mới 10 dự án FDI, vốn đăng ký 134,85 triệu USD. Lũy kế đến giữa tháng 10/2024, Quảng Nam có 201 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 6,35 tỷ USD.
Các đối tác nước ngoài có dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại Quảng Nam đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất, với 8 dự án, tổng vốn đăng ký 4,11 tỷ USD; tiếp đến là Hàn Quốc có 59 dự án, tổng vốn đăng ký gần 950 triệu USD; Trung Quốc có 45 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 413 triệu USD; Nhật Bản có 19 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 140 triệu USD…
Một số dự án tiêu biểu có vốn đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh phải kể đến như: Hoiana (4 tỷ USD), Hyosung (450 triệu USD), Groz Beckert (hơn 110 triệu USD), Panko Tam Thăng (70 triệu USD), The Nam Hải (35 triệu USD)…
Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An do Tập đoàn VinaCapital và Tập đoàn Gold Yield Enterprises đầu tư được khởi công xây dựng tại 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình), tổng diện tích 985ha, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Theo lộ trình đầu tư, với 7 giai đoạn thực hiện, đến nay dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 gồm: xây dựng 4 khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế, 1 sân golf, 1 casino và khu nhà ở thương mại, tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD.
Tính riêng trong 2 năm 2022 - 2023, Hoiana đã nộp thuế hơn 1.000 tỷ đồng, riêng 8 tháng năm 2024 là hơn 475 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu gần 15%, trở thành doanh nghiệp FDI đóng thuế lớn nhất vào ngân sách nhà nước tại Quảng Nam.
Ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An - Hoiana Resort&Golf, cho biết dự kiến, giai đoạn 2 dự án tiếp tục mở rộng quy mô với kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không chỉ giúp giải quyết việc làm cho khoảng 57.000 lao động địa phương mà còn đóng góp nguồn ngân sách lớn cho nhà nước. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024 các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Quảng Nam đã nộp thuế 983 tỷ đồng.
Tại buổi gặp gỡ đại diện doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng khẳng định những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp FDI. Tỉnh Quảng Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của Quảng Nam, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 đưa Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Trưởng ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, cho rằng sự phát triển của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn sẽ là kênh tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam, đồng thời cũng là kênh xúc tiến thêm các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh hiệu quả.
Do đó, việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trên địa bàn ngày càng phát triển là nhiệm vụ thường xuyên của các sở ngành liên quan trong tỉnh Quảng Nam.