15:50 10/12/2012

Nhiều doanh nghiệp thờ ơ với điều chỉnh lương tối thiểu

Vũ Quỳnh

Khi được hỏi, phần lớn những người trong cuộc đều trả lời không để ý đến việc điều chỉnh lương tối thiểu

Khảo sát của VnEconomy tại một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội 
cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đã trả lương bằng hoặc cao 
hơn mức lương mới mà Chính phủ quy định. <br>
Khảo sát của VnEconomy tại một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đã trả lương bằng hoặc cao hơn mức lương mới mà Chính phủ quy định. <br>
Nghị định 103/2012 của Chính phủ vừa ban hành quy định từ ngày 1/1/2013, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250 đến 350 nghìn đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Xung quanh việc điều chỉnh lương tối thiểu trong doanh nghiệp của Chính phủ lần này, đã có không ít ý kiến cho rằng, tăng lương tối thiểu vào thời điểm mà doanh nghiệp đang phải vật lộn với khó khăn thì không khác gì ép họ phá sản.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, khi được hỏi, phần lớn những người trong cuộc này đều trả lời: họ không để ý đến việc điều chỉnh lương tối thiểu theo lộ trình.

Không thực chất

Khảo sát của VnEconomy tại một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đã trả lương bằng hoặc cao hơn mức lương mới mà Chính phủ quy định.

Theo bà Hoàng Phi Yến, giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh bao bì, vào thời điểm này để thuê một công nhân với mức lương dưới 2,5 triệu đồng/tháng là cực kỳ khó khăn. Mức lương 2 triệu đồng tại doanh nghiệp bà chỉ áp dụng cho những lao động làm ca (tức là chỉ làm nửa buổi). Vì thế, mức lương mà Chính phủ điều chỉnh chỉ khiến doanh nghiệp phải đóng thêm bảo hiểm xã hội, còn thu nhập của người lao động thực chất không tăng.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Tuyết Nhung, Giám đốc An Thái, một công ty may mặc, cũng cho biết một thợ may mới vào nghề của An Thái đã hưởng lương 2,3 triệu đồng/tháng, chưa kể một số khoản mà công ty bao cấp như ăn trưa và quần áo...

Nếu theo đúng quy định của Chính phủ thì doanh nghiệp bà đã trả lương cao hơn, nên vấn đề điều chỉnh lương không khiến bà bận tâm và chắc chắn, lao động cũng không vì nghị định đó mà được tăng thêm.

“Tôi có cảm giác, đây là việc điều chỉnh hàng năm theo kiểu “đến hẹn lại lên”, và năm sau thì sẽ phải cao hơn năm trước. Với mức lương hiện tại chúng tôi trả cho lao động, Chính phủ có điều chỉnh 3 lần nữa thì cũng chưa đuổi kịp. Nên tôi không để ý đến việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm”, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Công ty HPQ Việt Nam, chuyên về lĩnh vực dây cáp và thiết bị điện đóng trên địa bàn Đà Nẵng, nói.

Quan trọng là duy trì được việc làm

Cùng với quan điểm lương tối thiểu không còn thực chất, lãnh đạo các doanh nghiệp đều nhìn nhận rằng, chưa bao giờ việc kinh doanh lại khó khăn như thời điểm này và để có được việc làm ổn định cho người lao động lúc này mới là vấn đề cần quan tâm.

“Vào thời điểm này, quan trọng là duy trì được việc làm cho người lao động. Tôi có cảm giác, đời sống người lao động đang khó khăn hơn bất cứ lúc nào và ngay cả lao động làm việc trí óc cũng thi nhau kiếm việc làm thêm để có thêm chút thu nhập”, bà Trần Thị Nga, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Con Sóc, nói.

Ngay bản thân doanh nghiệp bà cũng thế, để có thêm thu nhập, để có thể tăng lương thì lao động phải kiêm nhiệm rất nhiều việc.

Bà Nga dẫn dụ, lương trong bảng lương của mỗi lao động trong doanh nghiệp bà có tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, thay vào đó bà đã phải cắt giảm một số vị trí, bộ phận mà nhân viên khác có thể kiêm nhiệm được.

Ví dụ, một nhân viên quản trị website thông thường thì thời điểm hiện tại nhân viên đó phải kiêm luôn công việc trả lời khách hàng, quản lý cả mạng xã hội, thậm chí là bán hàng… Như thế, so với khối lượng công việc mà người lao động phải làm, so với  sức lao động mà người lao động phải bỏ ra thì thu nhập của họ không hề tăng.

Vị Giám đốc Công ty An Thái nói trên cũng chia sẻ thêm, khó khăn trong vấn đề duy trì việc làm là một thực tế. Nếu trước đây, bộ phận kinh doanh, bán hàng của công ty bà có gần 20 người thì hiện nay chỉ còn giữ lại 1/3.

“Số còn lại, chúng tôi sử dụng cộng tác viên theo hình thức nhận và bán hàng tại nhà, qua mạng. Làm được bao nhiêu, họ được chiết khấu phần trăm theo quy định của công ty. Đây cũng là hình thức mà không ít doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng”, bà Nhung nói.