12:23 15/05/2018

Nhiều ngành, địa phương chưa vào cuộc chống tham nhũng

Nguyên Vũ

Nhiều vụ việc tham nhũng chỉ được quan tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư

Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày báo cáo tại phiên họp.
Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày báo cáo tại phiên họp.

Nhiều vụ việc tham nhũng chỉ được quan tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, còn nhiều ngành và địa phương vẫn chưa thực sự "vào cuộc", có biểu hiện né tránh và kết quả thực hiện chưa rõ nét.

Đó là nhận xét được phản ánh tại dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 15/5.

Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.093 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Người đứng đầu cần nêu gương 

Liên tục nhiều kỳ họp gần đây cử tri đều bày tỏ về quan tâm về công tác phòng chống tham nhũng.

Kỳ này, theo báo cáo, cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí với nhiều kết quả cụ thể, đáng ghi nhận.

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, không có "vùng cấm", kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên, cử tri cho rằng, nhiều vụ việc chỉ được quan tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; còn nhiều ngành và địa phương vẫn chưa thực sự "vào cuộc", có biểu hiện né tránh và kết quả thực hiện chưa rõ nét.

Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của cả hệ thống chính trị. Đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện và thể hiện trách nhiệm "nêu gương" để cán bộ, công chức các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện, báo cáo phản ánh.

Báo cáo cũng phản ánh, cử tri và nhân dân đồng tình trước quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc rà soát, phát hiện và thu hồi các quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn, đồng thời kỷ luật nghiêm đối với nhiều cán bộ vi phạm.

Tuy nhiên, việc lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ, thực hiện bổ nhiệm sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn còn tồn tại ở một số ngành, địa phương đến nay chưa được xử lý triệt để. Đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn đối với việc rà soát cán bộ, xử lý những trường hợp sai phạm công khai để Nhân dân biết và giám sát.

Về an ninh trật tự, cử tri nhận xét, công tác bảo đảm an ninh mạng, quản lý công nghệ thông tin còn bộc lộ hạn chế, thiếu sót, tạo kẽ hở để tội phạm công nghệ "trục lợi" cá nhân. Tình trạng đánh bạc qua mạng internet với số lượng tiền hàng ngàn tỷ đồng diễn ra nhiều năm mà không bị phát hiện.

"Cử tri và nhân dân bất bình và bức xúc trước hành vi của một số cán bộ công an, kể cả cán bộ cấp cao đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội. Đề nghị Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác quản lý thông tin, bảo đảm an ninh mạng, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng này", ông Hầu A Lềnh phản ánh.

Tiếp tục có ý kiến sau 6 lần báo cáo liên tục

Tại báo cáo, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu 5 kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, kiến nghị thứ tư nêu rõ, về tình trạng khai thác cát trái phép, chặt phá rừng tự nhiên, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và Quốc hội. Trong đó đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ vào năm 2013, 2014 và 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa 13, khóa 14 trong các năm 2013 đến năm 2017.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa 14, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã báo cáo về tình trạng này trước Quốc hội và trực tiếp nêu các kiến nghị cụ thể.

"Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam một lần nữa đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các địa phương vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm, xử lý nghiêm minh, kiên quyết hơn đối với những cán bộ bao che cho các đối tượng vi phạm", báo cáo nhấn mạnh.

Cơ quan xây dựng dự thảo báo cáo cũng đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có giải pháp hiệu quả để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có liên quan đến tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tài sản của Nhà nước; tăng cường hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng. 

Tiếp tục phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, lãng phí, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực thi trách nhiệm.