15:38 07/10/2016

“Nhiều nước sẽ rời khỏi khối đồng tiền chung châu Âu”

Thăng Điệp

Nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel Joseph Stiglitz dự báo ít khả năng Eurozone vẫn sẽ bao gồm 19 thành viên như hiện nay

Những mối lo về Eurozone đã gia tăng ở Đức trong mấy tháng gần đây - Ảnh: Financial Times.<br>
Những mối lo về Eurozone đã gia tăng ở Đức trong mấy tháng gần đây - Ảnh: Financial Times.<br>
Nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel Joseph Stiglitz dự báo Italy và một số quốc gia khác sẽ ra khỏi khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong những năm tới. Ông cũng đổ lỗi cho đồng Euro và chính sách thắt lưng buộc bụng của Đức gây ra những vấn đề kinh tế cho châu Âu.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Die Welt, ông Stiglitz cho rằng châu Âu thiếu quyết tâm thực hiện những cải cách cần thiết như tạo ra một liên minh ngân hàng có bảo lãnh tiền gửi chung, cũng như thiếu sự đoàn kết giữa các quốc gia.

“Sau 10 năm nữa vẫn có một Eurozone, nhưng vấn đề nằm ở chỗ khối này sẽ như thế nào? Ít khả năng Eurozone vẫn sẽ bao gồm 19 thành viên như hiện nay. Rất khó để biết những nước nào sẽ tiếp tục nằm trong khối”, ông Stiglitz nói.

“Người Italy đang ngày càng thất vọng với đồng Euro. Họ bắt đầu nhận ra rằng đồng Euro không mang lại hiệu quả cho Italy”, chuyên gia kinh tế học phát biểu.

Ông Stiglitz cũng nói Đức đã chấp nhận việc Hy Lạp muốn rời khỏi Eurozone và cho biết ông đã từng tư vấn cho cả Hy Lạp và Bồ Đào Nha về việc rút khỏi khối đồng tiền chung.

Những mối lo về Eurozone đã gia tăng ở Đức trong mấy tháng gần đây trong bối cảnh các nước ở khu vực Nam Âu muốn ngừng áp dụng chính sách thắt chặt chi tiêu công, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, và sự nổi lên của đảng cánh hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD).

Ông Stiglitz nói với tờ Die Welt rằng đồng Euro và các chính sách thắt lưng buộc bụng ở Đức chính là nguyên nhân dẫn tới những thách thức kinh tế của châu Âu. Ông cho rằng việc giải tán khối đồng tiền chung hoặc chia tách khối này làm đôi, một ở phía Bắc và một ở phía Nam, là những lựa chọn thực tế duy nhất để phục hồi nền kinh tế đang trì trệ của châu Âu.

Stiglitz, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), cũng nói rằng châu Âu và Mỹ có nhiều điểm tương đồng về nền kinh tế, tài nguyên và lực lượng lao động, nhưng kinh tế Mỹ đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi kinh tế châu Âu vẫn chưa hồi phục.

“Sự khác biệt lớn chính là đồng Euro”, ông nói, nhấn mạnh rằng đồng tiền chung này gây áp lực với toàn bộ nền kinh tế châu Âu.

Đây không phải là lần đầu tiên Stiglitz bày tỏ quan điểm bi quan về Eurozone và đồng Euro. Hồi tháng 8, ông từng nói với hãng tin CNBC rằng chính cấu trúc của Eurozone đã báo trước về thất bại của đồng Euro.