10:55 11/08/2008

Nhìn lại một năm rưỡi gia nhập WTO

Thùy Trang

Có người cho rằng những bất ổn vĩ mô hiện nay là do Việt Nam hội nhập và tham gia vào WTO

Phó thử tướng Phạm Gia Khiêm và Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy trong buổi tiệc mừng Việt Nam chính thức gia nhập WTO - Ảnh: AFP.
Phó thử tướng Phạm Gia Khiêm và Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy trong buổi tiệc mừng Việt Nam chính thức gia nhập WTO - Ảnh: AFP.
Một năm ruỡi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa đủ dài để đánh giá và nhìn nhận đầy đủ tác động của hội nhập đối với nền kinh tế Việt Nam. Tác động của hội nhập trong nhiều nội dung còn mang định tính.

Điều đó khiến có người cho rằng những bất ổn vĩ mô hiện nay là do Việt Nam hội nhập và tham gia vào WTO.

Vậy đâu là câu trả lời đúng, tác động của hội nhập đến bất ổn vĩ mô đến mức nào và thể hiện ở đâu? Một báo cáo nghiên cứu về tác động của hội nhập đối với nền kinh tế sau một năm rưỡi Việt Nam gia nhập WTO của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố cho rằng về cơ bản, hội nhập và gia nhập WTO đã đem lại những kết quả như kỳ vọng như niềm tin, xuất khẩu, FDI, phân bổ nguồn lực...

Tuy nhiên, sự biến động của các đại lượng đó có thể khác so với dự báo do tác động phức hợp của các nhân tố bên ngoài và trong nền kinh tế.

Chúng tôi xin giới thiệu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia xung quanh việc đánh giá tác động trực tiếp và gián tiếp của việc gia nhập WTO, đặc biệt là những nhìn nhận gắn với thực tiễn đang diễn ra hiện nay của Việt Nam.

Không thể hội nhập với chính sách lương thấp

(Ông Đào Quang Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

“Tất cả những vấn đề đang diễn ra hiện nay như lạm phát, công ăn việc làm, tiền lương, đình công, làn sóng lao động rút ra khỏi khu vực Nhà nước... đang trở nên bức xúc. Như vậy có phải do tác động của hội nhập không? Có phải do Việt Nam gia nhập WTO mang lại những hiện tượng đó hay không?

Qua nghiên cứu của chúng tôi, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thụ động, kể cả doanh nghiệp Nhà nước vẫn chỉ chờ đợi vào sự bao cấp của ngân sách. Các doanh nghiệp tư nhân, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu đứng ngoài cuộc, rất ít thông tin, ít sự chuẩn bị tất cả các nguồn lực.

Các điều tra cho thấy chi phí cho R&D (nghiên cứu và phát triển - PV) của doanh nghiệp Việt Nam cũng rất thấp so với các nước khác. Điều đó cho thấy năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp giảm đi.

Về công tác quản lí và quản trị thị trường cũng bị động và nhiều bất cập mặc dù đã có nhiều cải cách trong thời gian qua. Điều đó thể hiện ngay ở khả năng nhận biết những biến động thị trường, dự báo những thay đổi và khả năng kiểm soát trong thị trường lao động.

Hiện nay, thị trường lao động của chúng ta vẫn phát triển ở trình độ thấp. Bằng chứng là thị trường bị chia cắt, quản trị thị trường manh mún và không bài bản, thiếu hệ thống luật pháp và khuôn khổ để điều hành trong khi thị trường lao động méo mó và không cập nhật.

Trong chiến lược về hội nhập tôi cho rằng cũng chưa có những thay đổi kịp thời. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam không thể chỉ dựa vào sử dụng lợi thế lao động giá rẻ nữa. Trong nhiều năm và cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn không thay đổi được chiến lược trả lương thấp.

Điều đó rất nguy hiểm vì không thúc đẩy được sự phát triển của lực lượng lao động. Những làn sóng đình công gần đây, đội ngũ chuyên gia giỏi ào ạt rút ra khỏi khu vực Nhà nước là hậu quả tất yếu của chiến lược này.

 Nếu không có thay đổi mạnh trong quan niệm về tiền lương sẽ rất khó để phát triển nguồn nhân lực và phân bố nguồn nhân lực một cách hiệu quả và đúng đắn hơn.

Một điều nữa cũng đang đặt ra là nhận thức của xã hội. Hiện chúng tôi thấy nhiều trường hợp ở tất cả các cấp quản lí vẫn còn mơ hồ, xem nhẹ những ảnh hưởng của hội nhập. Có lẽ những dư âm của thời kỳ bao cấp vẫn chưa qua đi, ảnh hưởng của nó vẫn còn rất lớn. Điều đó dẫn đến việc đưa ra những quyết sách về hội nhập chưa nhất quán và không kịp thời.”

Hai mặt của việc dòng vốn vào nhiều

(Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước)

“Khi hội nhập kinh tế, Việt Nam phải mở rộng dịch vụ tài chính ngân hàng trên nhiều khía cạnh: cho phép ngân hàng nước ngoài huy động vốn như các ngân hàng trong nước, mở chi nhánh...

Những cam kết đó buộc các ngân hàng trong nước phải có những chuẩn bị để nâng cao năng lực của mình về quy mô tài chính cũng như các dịch vụ ngân hàng. Vì vậy, đã thúc đẩy hệ thống ngân hàng của Việt Nam phát triển rất mạnh, thể hiện rõ nét từ cuối năm 2006 và cả năm 2007.

Đây là yếu tố tác động tích cực đến hệ thống ngân hàng nhưng rõ ràng bản thân các ngân hàng trong nước cũng chưa tiếp nhận được hết lợi thế đó nên vẫn tiềm ẩn những rủi ro của chính những yếu tố đáng lẽ là cơ hội.

Biểu hiện ở việc cạnh tranh gia tăng do hội nhập nhưng cạnh tranh không lành mạnh cũng nảy sinh rõ nét. Nhiều ngân hàng thương mại đã mở rộng quá nhiều chi nhánh, đẩy tín dụng tăng quá mức với các điều kiện, thủ tục tương đối nới lỏng, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng, cạnh tranh bằng lãi suất...

Đây là những tiềm ẩn rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Tác động lớn nhất của hội nhập là dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều, góp phần hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ bao gồm: tăng dự trữ ngoại hối cho quốc gia, bù đắp thâm hụt thương mại và cán cân thanh toán nhưng nó cũng gây nên những thách thức trong thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định tiền tệ.

Tình hình trên nếu không có những giải pháp kịp thời sẽ có thể gây ra lạm phát và ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu những thiệt thòi do đồng Việt Nam tăng giá hơn giá trị thực của nó, qua đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đến đời sống xã hội.”

Hiệu ứng với thương mại và đầu tư

(Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, CIEM)

Năm 2007 được nhắc đến nhiều về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao, gần 22%. Nhưng mức tăng trưởng này không gây hiệu ứng đột biến như kỳ vọng WTO mang lại so với các năm trước.

Những năm trước khi chưa vào WTO, tăng trưởng xuất khẩu cũng vào khoảng trên dưới 20%, như vậy không có sự bứt phá gì về tổng thể.

Tuy nhiên, cũng đã có những hiệu ứng tích cực của thị trường nhờ phát huy những tiềm năng vốn có, đặc biệt ngành dệt may đạt mức tăng trưởng 30%. Đồng thời, bắt đầu có dấu hiệu của lợi thế so sánh động. Một số ngành như cơ khí, điện tử xuất khẩu đã có giá trị gia tăng cao hơn một chút, tuy vẫn chủ yếu là lắp ráp.

6 tháng đầu năm nay, mức tăng xuất khẩu là 31,8% so với cùng kỳ 2007. Con số này có vẻ “đẹp” hơn năm ngoái nhưng nếu bỏ yếu tố giá cả tăng cao thì tốc độ tăng xuất khẩu chỉ còn 15,3%.

Như vậy xuất khẩu đã có dấu hiệu chững lại do khó khăn trên thế giới và một phần trong nước.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu vàng lớn thứ hai thế giới, sau Ấn Độ. Điều này phản ánh sự lo ngại về sự bất ổn nền kinh tế vĩ mô của người tiêu dùng.

Đầu tư cũng được coi là điểm sáng của gia nhập WTO. Người ta kỳ vọng gia nhập WTO, môi trường kinh doanh sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, tiềm năng phát triển dài hạn sẽ được phát huy nhờ vậy FDI sẽ đổ nhiều vào Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm nay và một phần của năm 2007, bên cạnh những điểm tốt cũng có những điều đáng lo ngại. Ví dụ như trong 45 tỉ USD FDI cam kết 7 tháng đầu năm 2008, phần lớn là các dự án công nghiệp nặng thay thế nhập khẩu và công nghiệp khai khoáng. Ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu này chủ yếu là nhập khẩu máy móc để tạo năng lực xuất khẩu nên hiệu quả của nó vẫn còn là câu hỏi.

Tiếp đến, rất nhiều dự án vào lĩnh vực bất động sản. Những dự án bất động sản gắn với du lịch là tốt nhưng rất nhiều dự án bất động sản chắc chắn không tạo ra ngoại tệ cho Việt Nam trong tương lai.

Cuối cùng là nhiều dự án cam kết đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu hiện nay đang trì hoãn triển khai. Lí do là môi trường kinh tế hiện nay của Việt Nam đang bất ổn và môi trường lao động Việt Nam có nhiều lo ngại do nguy cơ áp lực tăng lương làm giảm áp lực cạnh tranh của Việt Nam.”

Tiếp cận tác động trên cả hai tuyến hội nhập

(Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại)

“Sau một năm rưỡi gia nhập WTO, trước những biến động lớn trong nền kinh tế nước ta, nhất là từ nửa cuối năm 2007 đến nay, cần có phân tích đánh giá để có sự trả lời chính xác cho câu hỏi những diễn biến tích cực và tiêu cực trong nền kinh tế nước ta là do những yếu tố nào, hội nhập kinh tế quốc tế và việc gia nhập WTO tác động đến đâu, nhằm tránh những nhận định cảm tính, thậm chí ngộ nhận.

Hiện nay, tình hình kinh tế vĩ mô của chúng ta đang phức tạp và biến động lớn. Biến động này do nhiều nguyên nhân. Hội nhập, gia nhập WTO tác động đến đâu đến tình hình hiện nay cũng cần phải có câu trả lời.

Hội nhập đối với nước ta hiện được thực hiện trên cả 2 tuyến: quy mô khu vực là tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN và ASEAN +...; quy mô toàn cầu là tham gia WTO. Tác động của các tuyến hội nhập là khác nhau. Trong thời gian trước mắt, tác động của hội nhập khu vực đối với thương mại, hàng hoá sẽ mạnh hơn.

Trong khi đó, tác động của WTO đến dịch vụ và thể chế sẽ còn mạnh hơn. Sự khác biệt này rất quan trọng vì ngoài tuyến khu vực và toàn cầu chúng ta sắp hoàn tất EPA với Nhật Bản, khởi động đàm phán BIT với Hoa Kỳ và FTA với Chilê.

Điều quan trọng hơn, sắp tới đây chúng ta sẽ hoàn tất EPA với Nhật Bản. Mức độ tự do hoá quá của hiệp định này không quá cao vì Nhật Bản muốn bảo hộ nông sản nên ta cũng có quyền đòi hỏi bảo hộ nông sản của mình. Do đó chúng ta cũng sẽ giảm bớt mức tự do hoá lại. Nhưng Hiệp định BIT với Hoa Kỳ và FTA với Chilê chắc chắn là những hiệp định có mức độ tự do hoá cao.

Chúng ta cũng đang có ý định (chưa hình thành chủ trương) muốn đàm phán hiệp định mậu dịch tự do với Liên minh châu Âu. Hiệp định này nếu có thì mức độ tự do cũng sẽ cao hơn nhiều. Quan điểm của chúng ta như thế nào, có trình độ để tham gia vào những Hiệp định đó không?

Bộ Ngoại giao hiện nay rất hăng hái để thúc đẩy các FTA. Quan điểm của tôi là ở những nước nào chúng ta cân bằng tương đối về thương mại thì hiệp định FTA là tốt. Còn ở những nước ta đang nhập siêu quá lớn như với Ấn Độ, Chilê, theo tôi chúng ta chưa đủ năng lực để có thể tham gia vào hiệp định đó.”

Nhập siêu chủ động trong thế bị động

(Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp)

“Nhập khẩu tăng lên có phải do nguyên nhân giảm thuế, mở cửa thị trường từ cam kết WTO hay từ sự chủ động của Việt Nam?

Theo tôi, việc gia tăng nhập khẩu không chỉ do tác động của hội nhập mà còn do sự chủ động của Việt Nam. Bởi vì chúng ta mong muốn đầu tư lớn nhưng trong nước không đủ nguồn lực đáp ứng, chắc chắn sẽ dẫn tới nhập khẩu nhiều. Việc người nước ngoài lợi dụng thuế suất thấp hơn ở Việt Nam để vào chỉ là nhân tố nhỏ. Cho nên, phần nhiều nhập siêu do chúng ta chủ động mua từ bên ngoài nhiều hơn.

Nhập siêu là vấn đề rất lớn của kinh tế Việt Nam hiện nay, cần phải nghiên cứu kỹ để chống lại quan niệm cho rằng do chúng ta mở cửa quá mức nên nhập siêu tăng lên chứ không thấy do mình có những ham muốn không chính đáng.

Nguyên nhân nhập siêu có nhiều, bên cạnh yếu tố đầu cơ thì việc gia tăng nhập khẩu vàng thời gian gần đây cũng là một lí do.

Phương châm của chúng ta là chủ động hội nhập nền kinh tế quốc tế, nhưng thực tế đã chủ động được chưa, chủ động bao nhiêu phần, bị động bao nhiêu phần. Tôi nghĩ nhập siêu là chủ động của mình nhưng lại chủ động trong một thế bị động. Cứ nhập ào ào, không theo kế hoạch, chiến lược có sẵn.

Mặc dù có khẩu hiệu hay, nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn không chủ động.”