11:01 02/01/2009

Những điểm nổi bật của xuất nhập khẩu 2008

Mạnh Chung

Một năm có những kết quả ấn tượng, nhưng những khó khăn cũng đã lộ diện và chuyển tiếp cho năm 2009

Theo số liệu ước tính của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2008 của Việt Nam ước đạt gần 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo số liệu ước tính của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2008 của Việt Nam ước đạt gần 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Một năm có những kết quả ấn tượng, nhưng những khó khăn cũng đã lộ diện và chuyển tiếp cho năm 2009.

Năm 2008, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua nhiều biến động về thị trường, giá cả, khó khăn của những rào cản thương mại, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu… Đi cùng với đó là nhiều thay đổi trong cơ chế điều hành, hoạch định chính sách.

VnEconomy xin điểm lại những nét nổi bật của hoạt động xuất nhập khẩu trong năm đầy biến động này.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng

Theo số liệu ước tính của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2008 của Việt Nam ước đạt gần 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Những mặt hàng đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD những năm trước tiếp tục duy trì ở mức cao như dầu thô (10,5 tỷ USD), dệt may (9,1 tỷ, giày dép (4,7 tỷ USD), thủy sản (4,56 tỷ USD), gạo (2,9 tỷ USD), sản phẩm gỗ (2,78 tỷ USD), cà phê (2 tỷ USD), cao su (1,6 tỷ USD), than đá (1,44 tỷ USD). Đặc biệt trong năm nay có thêm mặt hàng dây điện và cáp điện đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (ước đạt 1,04 tỷ).
Những điểm nổi bật của xuất nhập khẩu 2008 - Ảnh 1
Nhập siêu được kiềm chế

Năm 2008, mục tiêu kiềm chế nhập siêu đặt ra từ đầu năm là dưới 20 tỷ USD. Kết thúc năm, theo Bộ Công Thương, nhập siêu ước chỉ ở khoảng 17 tỷ USD (theo Tổng cục Thống kê khoảng 17,5 tỷ USD).

Trong 5 tháng đầu năm, nhập siêu tăng mạnh, cao hơn gần 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2007, lên tới 14,4 tỷ USD. Nhưng liên tiếp trong 7 tháng cuối năm, nhập siêu được kiềm chế ở mức thấp; một trong những nguyên nhân chính là do giá hàng nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm mạnh, đặc biệt là xăng dầu.

Điểm đáng chú ý là trong năm 2008, lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vượt tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (29,5% so với 27,5%); năm 2007 tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng 25,6%, trong khi xuất khẩu là 12,7%. Đây là một thuận lợi góp phần ổn định cán cân thương mại, hỗ trợ kiềm chế nhập siêu.

Trong cơ cấu nhập siêu lớn nhất là từ châu Á, đứng đầu là từ Trung Quốc với 10,8 tỷ USD, cao hơn 1,7 tỷ USD so với năm 2007.

Xuất khẩu chịu tác động mạnh của khủng hoảng

Từ tháng 9, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toán cầu đã bắt đầu thể hiện trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đồng loạt giảm giá mạnh, đặc biệt ở mặt hàng dầu thô, nông sản, thủy sản…

Trong hai tháng cuối năm, lượng đơn hàng từ đối tác nước ngoài của nhiều ngành hàng bị hủy bỏ hoặc sụt giảm, tiêu biểu như dệt may giảm khoảng 20% - 30% về số đơn hàng và giá, thủy sản giảm khoảng 30% đơn hàng và giá…

Theo dự báo của Bộ Công thương, những khó khăn trên sẽ tiếp tục thể hiện trong năm 2009. Đây cũng là lý do mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 chỉ đặt ở mức thấp là 13%.

Giá hàng xuất nhập khẩu biến động mạnh

Liên quan đến ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2008 chứng kiến những biến động chưa từng có về giá hàng xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Trong nửa đầu năm, giá hàng hóa trên thị trường thế giới leo thang, gây áp lực tăng chi phí nhập khẩu và đẩy nhập siêu lên cao; lạm phát trong nước cũng có một phần nguyên nhân từ diễn biến này. Ngược lại, giá tăng cao cũng là yếu tố thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu dầu thô, nông sản; trong 7 tháng đầu năm, giá dầu thô tăng khoảng 60%, giá gạo tăng hơn 50%, than đá tăng 55%, cao su và cà phê tăng hơn 30%... so với cùng kỳ năm 2007.

Từ cuối tháng 7, giá hàng trên thị trường thế giới bắt đầu bước vào một đợt thoái trào mạnh, đặc biệt từ tháng 9. Theo đó, lạm phát, nhập siêu có thêm yếu tố thuận lợi để kiềm chế, trong khi xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng.

Điểm lại, những biến động của giá hàng xuất nhập khẩu trong năm 2008 hầu hết đều đánh đổ các dự báo và lường tính của doanh nghiệp, cũng như hoạch định dự kiến của nhà điều hành chính sách.

Khó khăn từ biến động tỷ giá

So với cuối năm 2007, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 9%, vượt xa mức thay đổi quanh 1% những năm gần đây, trong khi đồng USD vẫn chiếm tỷ trọng chi phối trong thanh toán quốc tế (khoảng 70%).

Mức tăng vượt trội này đẩy chi phí nhập khẩu, chi phí sản xuất kinh doanh của những ngành hàng có đầu vào lớn từ nguyên liệu nhập khẩu, chi phí vay nợ ngoại tệ tăng cao. Đây cũng là năm nổi bật khi trong báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp chi phí của tỷ giá tăng đột biến.

Biến động khó lường của tỷ giá còn thể hiện ở sự trái chiều trong nửa đầu năm 2008 (giảm mạnh những tháng đầu năm, tăng đột biến ngay sau đó), gây xáo trộn kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Những điểm nổi bật của xuất nhập khẩu 2008 - Ảnh 2
“Sống chung” với nguy cơ chống bán phá giá

Trở thành “thông lệ” của hội nhập những năm gần đây, năm 2008, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đứng trước nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, nhất là sản phẩm dệt may và giày da.

Giữa tháng 5, Ấn Độ chính thức điều tra bán phá giá đối với mặt hàng sợi vải của Việt Nam; tháng 12, Hiệp hội Công nghiệp Giày Brazil cũng chính thức nộp đơn khởi kiện giày dép Việt Nam bán phá giá… Nổi bật nhất là trường hợp Ủy ban châu Âu (EC) lên kế hoạch rà soát chống bán phá giá đối với sản phẩm giày da của Việt Nam; các doanh nghiệp xuất khẩu giày sẽ phải tiếp tục chịu mức áp thuế chống bán phá giá 10%.

Tính đến cuối năm 2008, ước tính đã có tổng cộng hơn 30 vụ kiện về chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam xuất khẩu. Trước những khó khăn này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thành lập Hội đồng Tư vấn Chống bán phá giá để hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp ứng phó với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá của nước ngoài.

Điều chỉnh thuế nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu

Năm 2008 chứng kiến một tần suất hiếm thấy trong điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Một mặt, những điều chỉnh này được thực hiện theo các cam kết thuế quan giữa các nước thành viên khối ASEAN và theo lộ trình gia nhập WTO; mặt khác, đây cũng là ứng xử của nhà điều hành chính sách trước những biến động mạnh và bất thường trên thị trường thế giới nhằm hỗ trợ cho sản xuất, bình ổn thị trường trong nước, cũng như hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu.

Thuế một loạt các mặt hàng nông sản, đồ gỗ, sắt thép, xăng dầu, gas, ôtô, giấy, nguyên vật liệu cho sản xuất… liên tục được điều chỉnh; điển hình như thuế xuất khẩu thép, thuế nhập khẩu xăng dầu.

Một điểm đáng chú ý là tần suất điều chỉnh chính sách thuế xuất nhập khẩu tập trung từ tháng 9 về cuối năm, giảm phổ biến ở nhiều mặt hàng (riêng thuế nhập khẩu xăng dầu liên tục tăng), như một giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngành hàng trong bối cảnh suy giảm kinh tế trong và ngoài nước.

Chuyển động mới trong mở rộng thị trường xuất khẩu

Trước khó khăn của những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản…, hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã chủ động đẩy mạnh sang khai thác và mở rộng những thị trường mới, hoặc đã thâm nhập trước đó.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, mức tăng trưởng của các khu vực thị trường có sự thay đổi, xuất khẩu sang thị trường châu Phi đã tăng tới 95,7%, châu Á tăng 37,8%; châu Đại dương tăng 34,9%, nhưng tăng chậm lại đối với châu Mỹ (21,9%), châu Âu (26,3%).

Cơ cấu thị trường hàng hoá cũng có sự chuyển dịch, tăng dần ở châu Á, châu Đại dương và châu Phi. So với tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, thị trường châu Á chiếm 44,5% (năm 2007 là 41,9%), châu Âu chiếm 18,3% (năm 2007 là 18,7%), châu Mỹ 20,6% (năm 2007 là 21,9%), châu Đại dương 6,7% (năm 2007 là 6,4%), châu Phi 1,9% (năm 2007 là 1,27%).

Chuyển động mới nói trên cũng là yêu cầu đặt ra trong năm 2009, như một giải pháp khắc phục khó khăn đã và dự báo tiếp tục thể hiện ở những thị trường truyền thống.
Những điểm nổi bật của xuất nhập khẩu 2008 - Ảnh 3
Nhiều điều chỉnh trong cơ chế điều hành

Ứng phó với những thay đổi nhanh về thị trường, giá cả trong hoạt động xuất nhập khẩu, năm 2008 chứng kiến nhiều thay đổi mang tính tình thế trong cơ chế điều hành của các cơ quan quản lý.

Những điều chỉnh về chính sách thuế trong những tháng cuối năm nói trên là một điển hình. Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá USD/VND trong năm 2008 trở nên nổi bật ở vai trò kích thích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, khi biên độ tỷ giá liên tục được nới rộng và tăng mạnh.

Những điều chỉnh của chính sách cũng thể hiện rõ ở việc thay đổi mục tiêu, định mức, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ… ở một số ngành hàng. Tiêu biểu nhất là ở mặt hàng gạo và thủy sản với sự tập trung trong hoạt động hỗ trợ tín dụng, lãi suất, chính sách thuế và nguồn hàng…

Phía sau những điều chỉnh trong cơ chế điều hành cũng cho thấy khả năng dự báo, khó dự báo trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2008, cũng như những bài học kinh nghiệm.