10:39 23/01/2007

Những mảng sáng - tối của kinh tế Nga

Quốc Trung

Kinh tế Nga đang trỗi dậy, song nhiều nhà phân tích cho rằng nước này đang phải đối mặt với một số vấn đề bất cập

Nga đã thu hút 20 tỷ USD FDI trong 9 tháng đầu năm 2006, nhiều hơn cả Nhật Bản và Canada - Ảnh: CNN.
Nga đã thu hút 20 tỷ USD FDI trong 9 tháng đầu năm 2006, nhiều hơn cả Nhật Bản và Canada - Ảnh: CNN.

Kinh tế Nga đang trỗi dậy, song nhiều nhà phân tích cho rằng nước này đang phải đối mặt với một số vấn đề bất cập.

Trong vài năm gần đây, kinh tế Nga đã phát triển nhanh chóng. Từ năm 2000 đến nay, GDP của Nga liên tục tăng trưởng cao, năm 2006 tăng trưởng hơn 6,9%. Nga trở lại xuất khẩu lương thực; ngân sách cân bằng, lạm phát giảm dần (năm ngoái chỉ ở mức 6,6%), đầu tư nước ngoài vào Nga tăng 7,4%.

Tăng trưởng cao, nhưng chưa đạt mục tiêu

Đến tháng 8/2006, Nga đã thanh toán trước thời hạn 21,3 tỷ USD tiền nợ của 18 nước thuộc Câu lạc bộ Paris.  Cũng thời điểm tháng 8/2006, dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đã đạt 265,6 tỷ USD, đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Mấy năm gần đây, Nga đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh tế, tích cực tạo ra hệ thống kinh tế thị trường. Sau 15 năm cải tổ, môi trường kinh tế Nga đã được cải thiện rõ rệt và ngày càng hấp dẫn đầu tư nước ngoài.

Năm 2005, lượng vốn FDI vào Nga đã gấp đôi năm 2004, với hơn 26 tỷ USD. So với các nước lớn khác, Nga có ưu thế là trữ lượng tài nguyên phong phú và lớn nhất thế giới (chiếm 21% của thế giới), với tổng trị giá 30.000 tỷ USD, gấp 3 lần của Mỹ.

Nga cũng là nước duy nhất trên thế giới có thể tự túc, tự cấp. Bên cạnh đó, Nga đã bắt kịp thế giới trong các lĩnh vực công nghệ mới như thiết kế phần mềm...

Với những mảng sáng trong bức tranh kinh tế Nga kể trên, nhiều người lạc quan cho rằng,  Nga sẽ không mấy khó khăn để tăng gấp đôi GDP của mình trong vòng 10 năm tới như mục tiêu của Tổng thống V. Putin đã đưa ra năm 2003.

Điều này đòi hỏi mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,2%. Tuy nhiên, trên thực tế, dù giá dầu tăng cao, Nga cũng chật vật mới đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 7% năm sau khi đạt mức 9% năm 2000. 

Các chuyên gia cho rằng, bức tranh kinh tế sáng của Nga không thể che lấp được thực tế nền kinh tế của nước này đối mặt với những vấn đề về cơ cấu và có nguy cơ mắc "căn bệnh Hà Lan" (nguy cơ tăng xuất khẩu năng lượng có thể đẩy tỉ giá lên cao, dẫn đến xuất khẩu trở lên đắt hơn và tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh và đầu tư ở các lĩnh vực khác).

Hơn nữa, giá dầu tăng có thể giúp làm giảm áp lực đối với ngân sách của Nga, nhưng đồng thời cũng làm yếu đi động lực cải tổ và đa dạng hoá nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc giá dầu gần đây tụt gần 15 USD/ thùng cũng cho thấy rõ sự nguy hiểm của việc phụ thuộc  nhiều vào giá năng lượng cao.

Đối mặt nguy cơ tụt hậu

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Nga thời gian qua là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nền kinh tế mới nổi khác như Trung Quốc, Ấn Độ... Nga lại đang thua kém trên nhiều lĩnh vực.

Đầu năm nay Tổng thống Putin đã giới thiệu 4 dự án để cải thiện cơ cấu hạ tầng của Nga đã bị xuống cấp nhiều do thiếu đầu tư trong nhiều thập niên qua. Ông Putin hy vọng các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, nhà ở và giáo dục sẽ giúp vực dậy lĩnh vực này và cũng muốn cải thiện hệ thống giao thông của nước này.

Trong khi đó, những vấn đề tương tự, người láng giềng Trung Quốc đã chú trọng từ lâu và làm khá tốt. Nga còn một điểm kém các nước mới nổi là chưa trở thành thành viên WTO, dẫn đến những hạn chế trong phát triển thương mại.

Nga đã thu hút 20 tỷ USD FDI trong 9 tháng đầu năm 2006, nhiều hơn cả Nhật Bản và Canada. Tuy nhiên, phần lớn số tiền trên lại đổ vào lĩnh vực năng lượng trong khi Chính phủ lại muốn phát triển cả các lĩnh vực khác. 

Sự can dự của Chính phủ vào lĩnh vực năng lượng phù hợp với xu thế chung tại một số nước sản xuất dầu khác, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng đây là cách làm lỗi thời và ít hiệu quả hơn là để cho tư nhân.

Một số nhà kinh tế cho rằng Chính phủ Nga chỉ nên tạo khung pháp lý tốt để giúp doanh nghiệp phát triển. Các doanh nhân Nga và nước  ngoài vẫn than phiền là phải chịu cản trở bởi tình trạng tham nhũng và tệ quan liêu.

Tổng thống Putin cũng rất chú trọng tới phát triển công nghệ cao và đưa ra ý tưởng công viên khoa học kể từ đầu năm 2006. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là trong khi Trung Quốc có 90 công viên như vậy thì Nga lại chưa có cái nào.

Mặc dù trong những năm gần đây sự chú ý đổ dồn về Ấn Độ trong lĩnh vực máy tính và thương mại quốc tế, nhưng các chuyên gia máy tính Nga lại cho rằng họ có những nhà lập trình giỏi hơn Ấn Độ.

Với trình độ giáo dục kỹ thuật cao hơn, Nga cần phải giành lợi thế trong nền kinh tế công nghệ cao và phát triển lĩnh vực lập trình.

Ngày nay có thể dễ dàng nhận thấy sự phát triển và đa dạng của nền kinh tế Nga. Tại các thành phố của Nga đang có sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực xây dựng, bán lẻ, công nghệ điện thoại di động, ngân hàng, bảo hiểm - chủ yếu bằng lợi nhuận từ dầu mỏ.

Đầu tư trong nước và chi tiêu tăng, nhưng vẫn còn ở mức thấp. Còn nhiều nhu cầu trong nước Nga phải đáp ứng bằng hàng hoá nhập khẩu.

Nếu Nga muốn bứt phá, thì nước này cần phải phát triển nhanh các ngành công nghiệp và dịch vụ trong nước, hơn là chỉ dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và các tài nguyên khác.

Nếu sự cải cách của Chính phủ không đem lại những kết quả như mong đợi, Nga sẽ có nguy cơ thất bại trước các đối thủ phát triển nhanh chóng khác như Trung Quốc hay Ấn Độ.