17:45 21/07/2025

Người tiêu dùng Mỹ có tiếp tục mua sắm xa xỉ?

Quỳnh Chi

Khi túi tiền của người tiêu dùng Mỹ ngày càng eo hẹp và lạm phát cũng như thuế suất tăng, việc các thương hiệu xa xỉ liên tục tăng giá sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với doanh thu…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận rằng chính sách thuế quan sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/8, theo mức thuế đối ứng được đề xuất hồi tháng 4 (bao gồm mức thuế chung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, cùng các mức thuế bổ sung đối với một số quốc gia) hoặc theo mức thuế cập nhật được đề xuất trong tuần này – trong đó có khả năng áp dụng mức thuế 30% đối với hàng hóa từ châu Âu. 

Tác động của thuế quan đối với ngành thời trang cuối cùng cũng đã xuất hiện. Giá quần áo tại Mỹ đã tăng trở lại trong tháng trước – lần đầu tiên kể từ tháng 3 – với mức tăng 0,4%, theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ.

Người tiêu dùng Mỹ có tiếp tục mua sắm xa xỉ? - Ảnh 1

Vogue Business đã theo dõi giá của các mặt hàng chủ lực như túi xách, kính râm, áo khoác len, giày thể thao và áo thun trắng trên các trang thương mại điện tử của 20 thương hiệu hàng đầu thuộc chỉ số Vogue Business Index kể từ ngày 17/4.

Trong vòng ba tháng qua, túi xách là mặt hàng ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất: tăng 5% đối với mẫu Louis Vuitton Neverfull; tăng 4% với túi Gucci monogram tote; tăng 0,6% với túi Hermès Kelly pouch; tăng tới 12% với túi Burberry tote; tăng 2% với túi Balenciaga City; tăng 2% với túi Miu Miu Aventure; tăng 8% với túi Bottega Hop; và tăng 4% với túi Celine raffia.

Giá áo thun đã tăng tại các thương hiệu Gucci, Hermès, Burberry, Fendi và Celine, trong khi giá kính râm cũng nhích lên tại Louis Vuitton, Gucci, Balenciaga, Loewe, Versace, Bottega Veneta và Celine. Trong số các mặt hàng được theo dõi, giày thể thao và áo khoác len là những sản phẩm có giá ổn định nhất.

Người tiêu dùng Mỹ có tiếp tục mua sắm xa xỉ? - Ảnh 2

Lạm phát cũng đang dần ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ, với mức tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 6, theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ – mức cao nhất kể từ tháng 2 – khi các loại hàng hóa bị tác động bởi thuế quan đã bắt đầu hiện diện trên các kệ hàng.

Các thương hiệu hiện đang theo dõi sát sao vấn đề giá cả, theo ông Neil Saunders, Giám đốc điều hành và chuyên gia phân tích bán lẻ tại GlobalData. “Các thương hiệu đã cố gắng giảm thiểu việc tăng giá bằng cách cắt giảm chi phí, thay đổi chuỗi cung ứng và nhiều yếu tố khác".

"Tuy nhiên, họ cũng buộc phải tăng giá một cách vừa phải để bù đắp cho mức thuế quan,” ông nói. “Điều đáng lo ngại là tác động đầy đủ của thuế quan chưa thực sự rõ ràng trong nửa đầu năm, nhưng sẽ thể hiện rõ hơn trong nửa cuối năm – vì thế khả năng cao chúng ta sẽ còn chứng kiến thêm nhiều đợt tăng giá”.

Khi bước vào nửa cuối năm 2025 và trước thềm công bố kết quả tài chính quý 2 của ngành hàng xa xỉ, các lãnh đạo doanh nghiệp đang theo dõi sát sao tác động của thuế quan đối với sức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ – yếu tố đang ảnh hưởng đến nhiều thị trường.

Người tiêu dùng Mỹ có tiếp tục mua sắm xa xỉ? - Ảnh 3

Các thương hiệu nên chuẩn bị tinh thần cho việc chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ sẽ thu hẹp lại khi lạm phát bắt đầu ảnh hưởng đến các khoản mua sắm vượt ra ngoài lĩnh vực thời trang, và ngay cả những khách hàng giàu có cũng bắt đầu thắt chặt chi tiêu do tình hình thị trường bất ổn.

“Việc tăng giá sẽ làm giảm sản lượng tiêu thụ,” ông Saunders nhận định. “Người tiêu dùng Mỹ hiện đã ở trong tình trạng tài chính căng thẳng, và nếu giá tiếp tục tăng, họ sẽ càng thận trọng hơn. Điều này sẽ tạo ra sự phân hóa rõ rệt trong hiệu suất hoạt động của ngành thời trang, và một số thương hiệu chắc chắn sẽ chịu thiệt”.

Các thương hiệu đang xoay xở trong bối cảnh thuế quan thay đổi đã cảnh báo người tiêu dùng về việc tăng giá trong vài tháng qua, một số thương hiệu còn tung ra các chương trình khuyến mãi trước khi tăng giá nhằm kích cầu. Một số thương hiệu có trụ sở ngoài nước Mỹ, như thương hiệu thời trang thể thao Tala của Anh, thậm chí tạm thời ngừng bán hàng sang Mỹ do những thay đổi về thuế nhập khẩu.

Người tiêu dùng Mỹ có tiếp tục mua sắm xa xỉ? - Ảnh 4

“Những thay đổi trong luật thuế quan có nghĩa là chúng tôi sẽ buộc phải bán các sản phẩm này cho bạn với mức giá rất cao, và thời gian giao hàng sẽ rất chậm,” thương hiệu này cho biết trong một thông báo trên trang web, nhắm đến khách hàng tại Mỹ.

Đối với các thương hiệu xa xỉ – vốn thường có khả năng định giá cao hơn – việc điều chỉnh giá từ 2 đến 3% không phải là điều hiếm gặp, vì vậy người tiêu dùng trong phân khúc này có thể sẽ ít bị tác động hơn trước các đợt tăng giá.

Trong một ghi chú hôm thứ Hai phản hồi về mức thuế 30% dự kiến áp dụng với EU, ngân hàng HSBC nhận định rằng giá hàng xa xỉ có thể sẽ tăng từ 4,5 đến 9%. “Chúng tôi cho rằng các công ty hàng xa xỉ sẽ không cần phải làm quá nhiều để bù đắp các mức thuế đề xuất này,” các nhà phân tích viết.

Người tiêu dùng Mỹ có tiếp tục mua sắm xa xỉ? - Ảnh 5

Tuy nhiên, các thương hiệu nên thận trọng khi tăng giá, rút kinh nghiệm từ tác động của hiện tượng “greedflation” (tăng giá quá mức vì lòng tham), vốn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chững lại của thị trường hàng xa xỉ trong năm 2024.

“Vấn đề thực sự nằm ở sự kết hợp giữa sức mua hạn chế của người tiêu dùng Mỹ; sự suy giảm trong giá trị cảm nhận của sản phẩm (phần lớn các công ty thời trang xa xỉ mềm đã tăng giá quá nhiều trong khi tính sáng tạo của sản phẩm lại tụt hậu); và sự sụt giảm liên tục trong tâm lý tiêu dùng tại Mỹ, thậm chí có thể lan rộng ra các thị trường khác,” theo phân tích của HSBC.