06:00 03/02/2022

Niềm tin khi bước vào năm mới

Hồng Nhung - Phương Hoa

Các nhà đầu tư nước ngoài đã có những dự báo tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam trong năm 2022, nhưng vẫn còn nhiều thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua.

 
Niềm tin khi bước vào năm mới - Ảnh 1

Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2021 đạt mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (2,58%) do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 song với đà bật tăng mạnh mẽ từ quý 3/2021, nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi và quay trở lại đà tăng trưởng từ 6-7% như trước dịch. 

Bên cạnh sự trở lại của ngành sản xuất, sức mua của người dân và đà tăng xuất khẩu được duy trì... kinh tế trong năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua. Trước thềm năm mới 2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã ghi lại những cảm nghĩ của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về kinh tế 2022.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ SẼ TÍCH CỰC

 

Chúng tôi dự đoán tích cực về nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành hàng tiêu dùng nói riêng. Đặc biệt trong những tháng sắp tới, khi mà Việt Nam đang chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, do Chính phủ đã có kế hoạch tổng thể để hỗ trợ các công ty FDI và vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Đối với Hayat, chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ về triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Ông Cetin Murat, Tổng giám đốc, Tập đoàn Hayat Việt Nam
Ông Cetin Murat, Tổng giám đốc, Tập đoàn Hayat Việt Nam

Hơn nữa, chúng tôi cũng tự hào khi đóng góp vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam bằng cách tạo ra việc làm, tăng năng lực xuất khẩu, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và xây dựng nền móng cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ khác đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Xét về sức cầu, hiện tại chưa có dấu hiệu nhu cầu sản phẩm hàng tiêu dùng sẽ giảm, bởi đây là nhóm mặt hàng thiết yếu.

Nhìn chung, tôi cho rằng, các đợt giãn cách xã hội do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nhiều công ty trong ngành hàng tiêu dùng. Vấn đề có thể nghiêm trọng hơn đối với những doanh nghiệp có cơ sở sản xuất, vì nhà máy của họ không thể hoạt động bình thường trong một khoảng thời gian nhất định.

Với việc châu Á sẽ chiếm tới 90% tăng trưởng dân số toàn cầu trong 50 năm tới và thị trường tã trẻ em của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2021-2027, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn để đầu tư và sẽ hỗ trợ việc mở rộng kinh doanh trong khu vực của chúng tôi.

Chúng tôi đặt mục tiêu cao tại thị trường Việt Nam, với kế hoạch nắm được 30% thị phần trong ngành hàng tã trẻ em vào năm 2025 và mục tiêu chính là tạo một thương hiệu “Made in Vietnam” 100%. 

Với mục tiêu cải thiện năng lực sản xuất và gia tăng xuất khẩu các sản phẩm “Made in Vietnam”, chúng tôi đặt mục tiêu tái đầu tư liên tục tại đây, để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất có năng lực cao trong tương lai.

TĂNG TRƯỞNG SẼ TRỞ LẠI

Những yếu tố cơ bản đóng góp vào động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây bao gồm: chi phí sản xuất tương đối thấp, lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và sự đa dạng hóa quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những yếu tố này sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục là nước được hưởng lợi từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng do căng thẳng về thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn.

Ông Ross Macallister, Giám đốc, Trưởng bộ phận tư vấn tại KPMG Việt Nam & Campuchia.
Ông Ross Macallister, Giám đốc, Trưởng bộ phận tư vấn tại KPMG Việt Nam & Campuchia.

Kịch bản thứ nhất là kinh tế phục hồi nhanh chóng nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng cao, nguồn cung lao động ổn định và nhu cầu của người tiêu dùng ổn định.

Kịch bản thứ hai là các biến thể Delta hoặc Omicron sẽ gây ra sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm bệnh. Điều này sẽ tạo ra sự không chắc chắn và hạn chế các hoạt động của các nhà đầu tư, làm giảm sự thu hút đầu tư nước ngoài mới, cũng như tác động đến nhu cầu trong nước và gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất trên diện rộng do các biện pháp giãn cách xã hội.

Khi tình hình được cải thiện và các chương trình triển khai tiêm chủng tiến triển tốt, Chính phủ sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh cấm và cho phép hầu hết các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường. Trong giai đoạn này, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ dần trở lại trạng thái trước khủng hoảng. Các biện pháp cân bằng xã hội sẽ được duy trì và việc di chuyển giữa các quốc gia sẽ tiếp tục được quản lý chặt chẽ.

Tuy nhiên, nếu vaccine mất tác dụng đối với các biến thể mới, thì các ca nhiễm mới có thể trở thành mối đe dọa của đối với các cơ sở y tế. 

Các nhà sản xuất tiếp tục đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao và phí vận tải cao hơn, cộng thêm áp lực lạm phát do thiếu nguyên liệu. Sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng làm gia tăng lạm phát với tốc độ nhanh chóng vì nó xảy ra cùng lúc với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Tăng trưởng kinh tế sẽ trở lại vào năm 2022-2023, chủ yếu nhờ vào ngành sản xuất theo định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều cơ sở sản xuất lớn đã chuẩn bị sẵn sàng trước những đợt bùng phát Covid-19 đang diễn ra bằng cách bố trí nhân viên tại chỗ để duy trì hoạt động sản xuất. Mạng lưới hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết sẽ đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước nhờ vào sự lưu chuyển hàng hóa thông suốt giữa các quốc gia.

Cũng có xu hướng là các công ty sản xuất quốc tế tiếp tục chuyển hoạt động sang Việt Nam như một phần của chiến lược Trung Quốc + 1, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, máy móc và giày dép. Việt Nam cũng có một thị trường lao động linh hoạt với việc tuyển dụng dễ dàng, luật pháp thân thiện hơn với doanh nghiệp và linh hoạt trong việc xác định mức lương.

Cuối cùng, các gói kích thích hậu Covid-19 của Chính phủ và việc tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng sẽ có tác động lâu dài đến năng suất sản xuất, đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế quốc gia và tăng trưởng GDP trong dài hạn.

CẦN NẮM BẮT CƠ HỘI

Giãn cách xã hội là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khiến cho họ không thể bắt đầu đầu tư hay thực hiện bất kỳ động thái nào. Miễn là Việt Nam không có thêm đợt giãn cách nào nữa, khi mà các nước khác trên thế giới bắt đầu tái khởi động hoạt động sản xuất, thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn bị cản trở.

Ông Mark Shorrock, Nhà sáng lập Shire Oak International
Ông Mark Shorrock, Nhà sáng lập Shire Oak International

Tại Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện mong muốn đạt được một tương lai xanh cho Việt Nam cũng như nền kinh tế đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Đây là một tín hiệu rõ ràng cho việc mở rộng quy mô các hoạt động kinh tế của Việt Nam, thể hiện ở quyết định ngưng phụ thuộc vào than và các nhiên liệu hóa thạch khác. Với các nước phương Tây, có một bước nhảy vọt trong việc tiến thẳng tới một nền kinh tế sử dụng năng lượng tái tạo.

Vì vậy, chỉ cần Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện theo đúng cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 thì đây sẽ là một thời điểm nhộn nhịp với các cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tôi nghĩ, ở Việt Nam các nhà máy sử dụng năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn. Việt Nam rất may mắn khi có thể xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo và cần nắm bắt cơ hội này.

Nếu Việt Nam đi đúng hướng và đặt mục tiêu đầy tham vọng là 6.000 MW năng lượng tái tạo mỗi năm, thì sẽ tạo ra tới 80 tỷ hoạt động kinh tế mới nhờ vào việc thay thế than bằng năng lượng mặt trời.

Vì vậy, đây là một bước chuyển mình to lớn và là thời điểm Việt Nam có thể trở nên nổi danh với thế giới về khả năng nắm bắt cơ hội phục hồi và biến nó thành việc tái khởi động xanh, sau khi Thủ tướng đưa ra tuyên bố quyết liệt và có tầm nhìn tại COP26.

DƯ ĐỊA ĐỂ THÚC ĐẨY KỸ THUẬT SỐ

Các yếu tố cơ bản giúp cho GDP của Việt Nam tăng trưởng như trước khi đại dịch xảy ra bao gồm: nhu cầu trong nước có thể tăng trở lại khi đại dịch đã lắng xuống và người tiêu dùng ngày càng tăng, tỷ lệ chi tiêu trên tổng tiêu dùng cao hơn, thương mại điện tử tăng trưởng liên tục, lạm phát ổn định, khu vực tư nhân trở nên năng động và phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, FDI vẫn là động lực tăng trưởng chính cho Việt Nam trong những năm tới khi làn sóng đầu tư nước ngoài mới tiếp tục đổ vào Việt Nam, bởi vì Việt Nam vẫn duy trì vị thế là một điểm đến tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất của khu vực.

Ông Bruce Delteil, Giám đốc hợp danh, Công ty McKinsey Việt Nam  
Ông Bruce Delteil, Giám đốc hợp danh, Công ty McKinsey Việt Nam  

Có rất nhiều cơ hội mà Việt Nam có thể tiếp tục theo đuổi cũng như một số thách thức cần phải vượt qua để hỗ trợ cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Các ngành có thể tiếp tục được phát triển một cách đồng bộ để khẳng định vị thế của Việt Nam như một điểm đến sản xuất cạnh tranh bao gồm: việc tăng tốc áp dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; tiếp tục đầu tư vào giáo dục và nhân tài; duy trì đầu tư nước ngoài.

Du lịch, ngành đã đóng góp khoảng 9,2% GDP của Việt Nam trong năm 2019, phải chờ đến năm 2023 mới có thể phục hồi tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch nếu Covid-19 tái diễn, nền kinh tế tăng trưởng chậm trong thời gian dài, sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới bị đóng băng, hay những thay đổi tối thiểu trong các chiến lược du lịch toàn cầu.

Ngoài Covid-19, một trong những trở ngại dài hạn mà Việt Nam cần phải vượt qua đó là tốc độ tăng trưởng FDI và sản xuất chuyên sâu của Việt Nam chưa tương xứng với mức tăng trưởng về năng suất và các giá trị gia tăng tương ứng. 

Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy kỹ thuật số, bởi hệ sinh thái số của Việt Nam hiện tại vẫn đi sau các nền kinh tế “số hóa” khác trong khu vực ASEAN. Trong năm 2020, doanh thu từ hệ sinh thái số của Việt Nam là 50 tỷ USD, doanh thu trực tiếp là 4 tỷ USD và tỷ lệ doanh thu được chia sẻ trực tiếp từ hệ sinh thái số là 2%. Về dài hạn, nguồn doanh thu từ hệ sinh thái số của Việt Nam cho thấy tiềm năng to lớn và có thể đạt 100 tỷ USD vào năm 2025.

Một yếu tố quan trọng để mở ra thêm tiềm năng của Việt Nam đó là thúc đẩy gia tăng năng suất sản xuất và giá trị gia tăng, cũng như phát triển chuỗi cung ứng để phát triển một cách hiệu quả, linh hoạt, chắn chắn và thân thiện với môi trường, có khả năng phát triển số và có năng lực phát triển đa kênh, đặc biệt là khi Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu.